Nhà lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam, tuyên bố hôm thứ Sáu 4/10 sẽ áp dụng luật về tình trạng khẩn cấp, được xem là một động thái hết sức bất thường nhằm dập tắt nạn bạo lực leo thang ở thành phố nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 50 năm, luật có từ thời thuộc địa Anh mới được áp dụng.
Bà Lam phát biểu tại một cuộc họp báo rằng lệnh cấm đeo khẩu trang sẽ có hiệu lực vào thứ Bảy 5/10, theo luật khẩn cấp cho phép nhà chức trách đưa ra bất kỳ quy định nào về bất cứ điều gì mà họ cho là vì lợi ích công cộng.
Luật về tình trạng khẩn cấp cho phép áp dụng lệnh giới nghiêm; kiểm duyệt báo chí, truyền thông; kiểm soát bến cảng, cảng hàng hóa và phương tiện vận tải. Mặc dù vậy, bà Lam không nói cụ thể sẽ có các động thái nào nữa có thể được áp dụng tiếp sau lệnh cấm đeo khẩu trang.
Nhưng không ai có thể dám chắc rằng liệu việc áp dụng luật về tình trạng khẩn cấp có sẽ ngăn chặn được những người biểu tình hay không.
Các ngân hàng và cửa hàng ở khu vực trung tâm sầm uất đã đóng cửa sớm vì họ tiên liệu về tình trạng bạo lực khi một số người biểu tình đốt cờ Trung Quốc và hô vang “Các người cháy cùng bọn ta”.
Hàng ngàn người biểu tình đã tập trung tại các khu vực khác của Hong Kong.
Nhiều người biểu tình đeo khẩu trang để che giấu danh tính của họ do lo ngại các chủ lao động có thể phải đối mặt với áp lực phải xử lý họ.
Theo quy định vừa được công bố, cảnh sát có thể chặn lại bất cứ ai ở nơi công cộng và yêu cầu họ gỡ khẩu trang, nếu cảnh sát cho rằng nó có thể cản trở việc nhận dạng. Một số trường hợp ngoại lệ được chấp nhận là nếu người đeo khẩu trang có thể chứng minh rằng họ cần nó vì lý do y tế, tôn giáo hoặc công việc.
Những người vi phạm quy định sẽ đối mặt với mức phạt tối đa là 25.000 đô la Hong Kong (3.200 đô la Mỹ) và phạt tù một năm, theo các chi tiết về lệnh cấm do chính quyền công bố.
Bốn tháng biểu tình chống chính quyền đã khiến Hong Kong rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ khi Anh bàn giao vùng lãnh thổ này cho Bắc Kinh vào năm 1997, với quy chế “một quốc gia, hai chế độ”, là công thức trao cho Hong Kong quyền tự trị.