Vào cuối năm 1967, giữa chiến tranh Việt Nam, một căn cứ quân sự Mỹ bị đột kích, quân nhân Mỹ Roger Wagner, 20 tuổi, bị bắn vào chân và được đưa vào bệnh viện Mỹ ở Việt Nam. Lúc đó là ngày 29/12/1967. Một bác sĩ cho Wagner biết là sẽ phải cắt chân trái của anh.
Nhưng khi tỉnh dậy sau giải phẫu, kéo chăn lên với cảm giác hết sức lo sợ, Wagner kinh ngạc vì thấy đôi chân mình còn nguyên vẹn. Một bác sĩ khác, bác sĩ giải phẫu, giải thích rằng ông đã tìm cách giữ lại chân trái của anh. Wagner không biết đầy đủ tên họ của ân nhân, mà chỉ biết họ của ông là Katz. Nhiều thập niên sau, người cựu chiến binh Mỹ đi tìm vị bác sĩ mà anh không nhớ đến cả diện mạo.
Sau nhiều lần thất bại, không sao tìm được bác sĩ Katz để nói lên hết sự cảm kích của mình, Wagner tìm đến một chương trình truyền hình của đài PBS, chương trình “We’ll Meet Again” do nhà báo Ann Curry thực hiện, và sau 50 năm từ khi hai người gặp nhau trong chiến tranh Việt Nam, cuối cùng người cựu chiến binh đã hội ngộ với vị bác sĩ giải phẫu thời chiến của mình.
Câu chuyện do hãng tin AP kể lại cho biết Bác sĩ Katz đã được phái sang Việt Nam vào năm 1967, chỉ vài tháng sau khi hoàn tất chương trình nội trú ở bệnh viện Boston, nơi sở thích của ông là giải phẫu mạch máu.
Bỏ lại vợ và hai con nhỏ ở Hoa Kỳ, vị bác sĩ 30 tuổi trú đóng tại một bệnh viện lưu động của quân đội chuyên về các ca giải phẫu ở Phú Bài. Tại bệnh viện dã chiến có tên tắt là M.A.S.H. được trang bị khá đầy đủ này, bác sĩ Katz đã thực hiện khoảng 400 ca phẫu thuật, và ngoài ra còn điều trị cho nhiều người khác, quân nhân và thường dân, và cả trẻ em ở địa phương. Chỉ có 8 bệnh nhân của vị bác sĩ trẻ tuổi này là không qua khỏi.
Trong suốt chiến tranh Việt Nam, bác sĩ Katz ghi lại chi tiết các cuộc giải phẫu và một số thông tin về bệnh nhân trong một quyển nhật ký mà ông còn giữ tới bây giờ, kèm theo những hình ảnh về những ca mổ mà ông chụp lại.
Sở thích về giải phẫu mạch máu đã tỏ ra rất hữu ích vì nhờ kinh nghiệm thu thập được trong các cuộc thực tập thời là bác sĩ nội trú, Bác sĩ Katz đã giải phẫu thành công nhiều ca mổ ở Việt Nam, kể cả trường hợp của Wagner.
Khi gặp Wagner, bác sĩ Katz chỉ mới sang Việt Nam được 6 tháng. Ngay từ đầu, ông đã tự tin là có thể giữ được chân trái của Wagner. Ông lấy một động mạch từ chân phải và thay thế động mạch bị hư hại bên chân trái.
Ngay sau ca mổ Wagner, bác sĩ Katz được điều sang Nhật Bản để chăm sóc các binh sĩ Mỹ bị bỏng nặng nên chưa kịp tự giới thiệu và làm quen với bệnh nhân mới mổ.
Và như thế, mỗi người một ngả từ đó. Sau chiến tranh, Katz trở thành bác sĩ giải phẫu tại một bệnh viện ở Wisconsin, nơi ông thiết lập một chương trình giải phẫu mạch máu, và đến năm 1990 ông chuyển sang bệnh viện ở Delaware để thiết lập một chương trình tương tự tại Trung tâm Y tế Beebe. Ông chỉ vừa nghỉ hưu cách đây có vài tháng.
Bác sĩ Katz ít khi nói về Việt Nam và những kinh nghiệm đã trải qua trong chiến tranh Việt Nam. Ông chỉ nói rằng chiến tranh Việt Nam và kinh nghiệm tại bệnh viện dã chiến M.A.S.H đã giúp ông trở thành một bác sĩ giỏi hơn.
Ông nói: “M.A.S.H. dạy tôi để có thể ứng phó trước mọi tình huống”.
Trong thập niên vừa rồi, Bác sĩ Katz mới tỏ ra tò mò về các bệnh nhân của mình, không biết họ ra sao sau chiến tranh. Nhờ con gái, ông đã bắt liên lạc được với một số cựu bệnh nhân qua trung gian Facebook.
Trong khi đó Wagner nhờ cậy vào chương trình đài PBS để hy vọng có thể tìm ra bác sĩ đã mổ cho mình nửa thế kỷ về trước, khi được PBS tiếp xúc bác sĩ Katz không nhớ tên Wagner, mà chỉ nhớ lại ca mổ đặc biệt này sau khi tìm đọc nhật ký của mình. Bác sĩ Katz nói một số bệnh nhân gặp vấn đề nhiều năm sau giải phẫu. Ông tò mò muốn biết:
“Wagner còn hai chân hay cụt một chân?”
Nhân viên PBS không cho biết, mà nói rằng ông sẽ tận mắt trông thấy khi hai người gặp nhau.
Vài tháng sau, Wagner đáp chuyến bay tới Delaware để gặp Katz. Họ hẹn nhau tại một vườn hoa nổi tiếng gần Rehoboth. Phút đầu gặp lại, dưới ống quay của đài truyền hình PBS, vị bác sĩ giải phẫu không cầm được nước mắt bởi vì tiến tới bên ông, trên cả hai chân của mình, là người chiến binh ngày nào.