Đường dẫn truy cập

Hội nghị thương đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải


 Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt hàng quân danh dự trong buổi lễ tiếp đón ông Putin đến dự hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Bắc Kinh
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt hàng quân danh dự trong buổi lễ tiếp đón ông Putin đến dự hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Bắc Kinh
Trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt tại Trung Quốc để dự cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, và mở các cuộc hội đàm với các giới chức Trung Quốc về các vấn đề chính trị, thương mại và năng lượng. Tuy không phải là các đồng minh lâu đời, hai bên đã thành lập các liên minh đối ngoại về các vấn đề như bạo lực tiếp diễn tại Syria và chương trình hạt nhân của Iran. VOA nói chuyện với giáo sư Xie Tao, chuyên về quan hệ quốc tế tại trường Ðại học Ngoại giao Bắc Kinh, về mối bang giao hiện nay giữa hai quốc gia này:

VOA: Ông Putin đến Bắc Kinh hôm qua để dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và họp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chuyến thăm này có ý nghĩa gì đặc biệt hay không ạ?

GS Xie Tao: Tôi nghĩ giới truyền thông Trung Quốc có khuynh hướng tìm ra rất nhiều ý nghĩa trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào và Tổng thống Putin. Nếu ta làm một cuộc thăm dò các học giả và giới tinh hoa chính trị Trung Quốc nói chung, tôi nghĩ đa số họ sẽ nói rằng Trung Quốc và Nga không bao giờ có thể là đồng minh trong ý nghĩa như Nhật Bản và Hoa Kỳ hay Hoa Kỳ và Anh Quốc vì một số lý do. Một trong những lý do nổi bật nhất là những vụ tranh chấp lịch sử về lãnh thổ, mặc dầu về mặt chính thức hai nước đã giải quyết các tranh chấp biên giới và đã ký một hiệp định về biên giới. Nhưng đa số người Trung Quốc biết rằng chúng ta đã nhượng một phần đất lớn cho Nga cách đây vài năm. Một lý do thứ hai là phía Trung Quốc muốn giở lại trang sử cũ khi họ nhìn về tương lai. Khi nhìn vào lịch sử thì họ thấy rằng đa số những mối đe dọa cho Trung Quốc trước năm 1840 đều phát xuất từ các đường biên phía bắc chứ không phải phía tây nam và đông nam, bởi vì nước Nga quá lớn và nằm ngay dọc theo phía bắc biên giới Trung Quốc, do đó tôi nghĩ có một sự nghi ngờ nội tại và tôi không muốn nói là sự căm hận, mà chỉ là nghi ngờ, về ý đồ của Nga dọc theo biên giới.

VOA: Vì sao ông nghĩ giới truyền thông Trung Quốc tìm cách nâng cao tầm quan trọng của chuyến đi này hoặc tại sao theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo của cả Nga lẫn Trung Quốc, dường như mối bang giao đang trở nên nồng ấm hơn?

GS Xie Tao: Dường như hai bên lại đang làm thân với nhau trở lại. Ðây là cảm tưởng chung của tôi mà chúng tôi muốn chứng tỏ cho người Mỹ ít nhất là chúng tôi vẫn còn có chỗ nương tựa trong những trường hợp khẩn trương khác thường. Tôi nghĩ Nga và Trung Quốc ngày nay đang làm thân rất giống như Mỹ và Trung Quốc đã làm thân hồi thập niên 1970 khi liên bang số viết cũ bị coi là kẻ thù mạnh hơn và đáng gờm hơn trong hai kẻ thù. Vì thế tôi nghĩ nếu phải chọn giữa hai thứ đều xấu thì ta sẽ chọn thứ bớt xấu hơn. Tôi tin rằng Hoa Kỳ được nhiều thành phần ở Nga coi là một mối đe dọa. Và đó cũng là trường hợp của Trung Quốc. Ta nhìn vào việc Mỹ tái quân bình ở châu Á, như quý vị thấy, thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Panetta nói rằng 60% lực lượng hải quân sẽ được tái bố trí ở vùng Thái Bình Dương. Phía Mỹ có thể nói bất cứ điều gì họ muốn, nhưng phía Trung Quốc có thể không tin rằng đây là một hành động nhằm ngăn tránh Trung Quốc. Vậy tôi nghĩ cả hai nước này hiện nay, Nga và Trung Quốc đang đứng trước các đường lối kiên quyết từ phía Mỹ. Và ít nhất trong đoản kỳ, có sự cần thiết, một động lực chung, phải quy tụ với nhau.

VOA: Các lợi ích chung hay các lợi ích có xung đột giữa Nga và Trung Quốc ở Trung Á ngay lúc này là gì?

GS Xie Tao: Ta hãy nhìn vào bản đồ Trung Á, tôi nghĩ lợi ích chính đối với Trung Quốc có liên quan đến việc phòng chống các phong trào ly khai ở tây bắc Trung Quốc đang được sự hậu thuẫn của các thành phần thân thiện nằm trong các nước cộng hòa Trung Á. Một lợi ích thứ nhì sẽ là các tài nguyên thiên nhiên ở các nước Trung Á như dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên. Ngoài lý do chính trị và kinh tế này, tôi không thấy có sự đồng nhất nào giữa Trung Quốc và các nước Trung Á. Cũng cần phải nhớ rằng, khi các cuộc cách mạng mầu diễn ra ở các khu vực Trung Á, Trung Quốc rất quan ngại bởi vì Trung Quốc lo sợ rằng tình hình tương tự cũng có thể xảy ra bên trong biên giới của chúng tôi. Ðối với Trung Quốc và Nga, họ có quyền lợi chung ở Trung Á hay không ư? Tôi nghĩ là có. Ðó là về mặt ổn định khu vực. Họ không muốn xảy ra các vụ xung đột khu vực như giữa Armenia và Azerbaijan và các nhóm sắc tộc thiểu số khác, nhưng điều đó đúng với Nga hơn là với Trung Quốc. Trung Quốc không có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này. Các phong trào ly khai và công cuộc hợp tác kinh tế là động cơ cho các mối quan hệ ngày càng tăng của Trung Quốc với các nước Trung Á.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG