Đường dẫn truy cập

Hội nghị thượng đỉnh ở TQ mang cơ hội đến cho Moscow và Bắc Kinh


Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga sẽ họp trong tuần này bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực châu Á ở Thượng Hải. Thông tín viên VOA Bill Ide tường thuật rằng theo dự kiến sẽ có trên 40 quốc gia và tổ chức tham gia hội nghị, tập trung thảo luận về vấn đề phát triển và an ninh khu vực.

Các mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đã tăng cường từ khi ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch Trung Quốc.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình gặp nhau trong tuần này tại Thượng Hải, 2 bên hy vọng có thể ký kết một thỏa thuận 30 năm về khí đốt và thúc đẩy hợp tác trong các lãnh vực khác.

Giáo sư khoa học chính trị Zhang Lihua nói rằng trong khi Nga đối mặt với sự giám sát về Ukraine, quan hệ kinh tế với Châu Âu căng thẳng và hoạt động kinh tế chậm chạp, Moscow đang trông đợi vào Trung Quốc. Bà nói:

“Nga cần đầu tư của Trung Quốc hơn bao giờ hết, nhất là trong vùng viễn đông của nước này. Nga cũng cần sự hỗ trợ về thương mại và kinh tế của Trung Quốc. Các quan hệ kinh tế có thể mở rộng nhanh chóng trong những năm sắp tới, không chỉ về khí đốt mà còn trong lãnh vực cơ sở hạ tầng, vận chuyển, chế tạo và các lãnh vực khác nữa.”

Trung Quốc và Nga có những quan điểm tương tự về nhiều vấn đề quốc tế, tuy nhiên tình huống ở Ukraine đã thử thách sự đối kháng cố hữu của Bắc Kinh về sự can thiệp của nước ngoài. Bà Zhang Lihua nói rằng mặc dù 2 nhà lãnh đạo này sẽ thảo luận về vấn đề Ukraine, có phần chắc đây không phải là đề tài chính. Bà nói:

“Thông điệp quan trọng nhất mà Nga và Trung quốc muốn gửi đến thế giới là rằng các quan hệ của họ hiện giờ vô cùng chặt chẽ và xu hướng đó sẽ tiếp tục, tuy nhiên trong mối quan hệ như vậy họ sẽ không mưu tìm việc thành lập một liên minh quân sự nhắm vào bất cứ một nước thứ 3 nào.”

Ngoài Nga, các nhà lãnh đạo từ Iran, Pakistan và trên 10 quốc gia khác sẽ dự cuộc họp kéo dài trong 2 ngày ở Thượng Hải.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ không dự hội nghị nhưng sẽ phái các quan sát viên đến.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình nói rằng hội nghị không có ý định là loại trừ bất cứ nước nào. Ông nói:

“Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ tham gia cuộc họp thượng đỉnh, họ sẽ đóng vai trò của những quốc gia có trách nhiệm.”

Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain nói với đài truyền hình CCTV của Trung Quốc rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ là một đề tài chính tại hội nghị:

“Gần đây chúng ta đã chứng kiến những thách thức phi truyền thống nổi lên ở Châu Á cũng như trên khắp thế giới. Châu Á trên cơ bản đang phải đối phó với thách thức của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Và tôi nghĩ rằng Hội nghị Tương tác và Xây dựng Lòng tin ở Châu Á sẽ tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ cho các nước thành viên, nhằm trừ tận gốc 3 chủ nghĩa độc hại: chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa phân lập.”

Đã có những lo ngại về chủ nghĩa khủng bố đang nổi lên ở Trung Quốc sau khi xảy ra nhiều vụ tấn công bạo động, 2 trong số này quy trách cho các phần tử cực đoan tôn giáo. Nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường an ninh chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh và một chiến dịch đàn áp trên khắp nước nhắm vào họat động khủng bố đang được tiến hành.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG