Đường dẫn truy cập

Hội nghị thượng đỉnh G20 và khủng hoảng nợ châu Âu


Tổng sản phẩm quốc nội tính trung bình theo đầu người của các nước thuộc khối G20
Tổng sản phẩm quốc nội tính trung bình theo đầu người của các nước thuộc khối G20
Các chuyên viên theo dõi hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Los Cabos, Mexico hy vọng hội nghị này phá vỡ bế tắc nợ nần tại châu Âu, vì như vậy chẳng những giúp được châu Âu mà còn cả thế giới.

Không có nhiều cuộc biểu tình chung quanh địa điểm hội nghị tại khu du lịch Los Cabos, một phần vì hầu hết khu này được canh gác cẩn mật, cấm người không phận sự la cà.

Nhưng một số quan sát viên thuộc các tổ chức phi chính phủ có giấy mời tham gia hội nghị nói rằng họ có cảm tưởng nhóm G-20 đang bỏ rơi thành phần nghèo nhất trên thế giới. Trong số quan sát viên này có bà Jyotsna Mohan:

“Họ không nghe chúng tôi, họ không chịu nghe chúng tôi.”

Bà Mohan làm cho nhóm Hành động Tự nguyện tại New Delhi, Ấn Độ. Nhóm này bênh vực quyền lợi của các cộng đồng nghèo khổ và yêu cầu chính phủ cải thiện tình trạng của thành phần này. Bà cho biết:

“Tôi thất vọng khi thấy thủ tướng của tôi đến dự hội nghị để nói về cuộc khủng hoảng châu Âu. Tôi yên tâm hơn nếu ông ấy nói về các vấn đề của Ấn Độ thay vì quan tâm đến khu vực đồng euro. Đồng ý là Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng này, nhưng Thủ tướng quên rằng Ấn Độ có 40% dân sống dưới lằn ranh nghèo khổ.”

Nhưng các chuyên viên thuộc các nước khác nói rằng lãnh đạo G-20 đang họp có lý khi xem giải quyết cuộc khủng hoảng nợ nần châu Âu là ưu tiên một.

Chuyên viên người Canada nghiên cứu về G-20, bà Krystel Monpetit, nói rằng kinh tế thế giới sẽ khựng lại nếu không giải quyết được khủng hoảng của châu Âu:

“Đây là thời điểm mà chúng ta thấy rõ tác động lên nhau của nền kinh tế toàn cầu, và ảnh hưởng giây chuyền mà cuộc khủng hoảng châu Âu gây ra cho phần còn lại của thế giới.”

Theo bà, các đối tác của EU, như Ấn Độ, sẽ không tăng trưởng kinh tế bao nhiêu nếu vấn đề nợ nần của châu Âu không giải quyết xong và bà nghĩ rằng, khác với những lần hội nghị trước của G-20, hội nghị lần này sẽ mang lại kết quả nào đó:

“Có thể sẽ có một bước đột phá, một biện pháp quan trọng đáng kể để thực sự đưa EU trở lại đúng hướng. Tôi nghĩ rằng vấn đề tái gây vốn cho các ngân hàng châu Âu sẽ được hội nghị G-20 lần này phê duyệt.”

Ý nghĩ của bà Monpetit được lãnh đạo doanh nghiệp đến họp lần này tại Los Cabos chia sẻ.

Ông Guillermo Ortiz, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico nhấn mạnh cần có biện pháp để thật nhiều người được tiếp cận tín dụng. Ông nói:

“Trên thế giới đang có 2,5 tỉ người không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính.”

Ông đề xuất sử dụng các công nghệ mới để giúp nhiều người có thể mở tài khoản ngân hàng, mở các chiến dịch hướng dẫn quần chúng về các vấn đề tài chính, và cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay thêm.

Chuyên viên Monpetit nói rằng giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ thành công sẽ có lợi kinh tế cho cả quốc gia. Ông nhận định:

“Óc kinh doanh là động lực chính của tăng trưởng. Nếu một người có sức mở một công ty tạo ra 20 hoặc 40 việc làm nhưng nếu ta không cho người đó công cụ đúng đắn, thì cuối cùng mọi người đều thua cuộc.”

Ngoài kinh tế, hội nghị G-20 cũng là dịp để hai tổng thống Nga-Mỹ hàn gắn những bất đồng trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi ông Vladimir Putin đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 3.

Tổng thống Mỹ Obama trì hoãn việc gọi điện thoại chúc mừng sau khi ông Putin tuyên bố thắng cử.

Phía Nga phản ứng bằng cách chỉ cử Thủ tướng đến dự hội nghị thượng đỉnh của khối G8 do Tổng thống Obama chủ trì ở gần Washington hồi tháng trước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG