Đường dẫn truy cập

Các nước giàu nâng mức tài trợ khí hậu tại COP29 nhằm phá vỡ bế tắc


Phiên họp toàn thể bế mạc tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên Hợp Quốc, ngày 24 tháng 11 năm 2024, tại Baku, Azerbaijan.
Phiên họp toàn thể bế mạc tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên Hợp Quốc, ngày 24 tháng 11 năm 2024, tại Baku, Azerbaijan.

Các nước hôm Chủ Nhật đã đồng thuận về mục tiêu tài trợ hàng năm là 300 tỉ đôla để giúp các nước nghèo hơn ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu, với các nước giàu dẫn đầu trong việc chi trả, theo một thỏa thuận khó khăn lắm mới đạt được tại hội nghị COP29 ở Baku.

Mục tiêu mới này nhằm thay thế cam kết trước đây của các nước phát triển là cung cấp 100 tỉ đôla tài chính khí hậu mỗi năm cho các nước nghèo hơn cho đến năm 2020. Mục tiêu đó đã đạt được trễ hai năm, vào năm 2022, và hết hạn vào năm 2025.

Thỏa thuận này đã bị các nước đang phát triển chỉ trích, nói là chưa đủ, nhưng giám đốc khí hậu của Liên Hợp Quốc Simon Steill ca ngợi đây là bảo hiểm cho nhân loại.

"Đó là một hành trình khó khăn, nhưng chúng ta đã đạt được một thỏa thuận," ông Steill nói sau khi thỏa thuận được thông qua.

"Thỏa thuận này sẽ duy trì sự bùng nổ năng lượng sạch và bảo vệ hàng tỉ sinh mạng. Nó sẽ giúp tất cả các quốc gia chia sẻ những lợi ích to lớn của hành động khí hậu táo bạo: nhiều việc làm hơn, tăng trưởng mạnh mẽ hơn, năng lượng rẻ hơn và sạch hơn cho tất cả mọi người."

"Nhưng giống như bất cứ bảo hiểm nào - nó chỉ có hiệu lực nếu phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn."

Hội nghị khí hậu COP29 tại thủ đô của Azerbaijan lẽ ra kết thúc vào ngày thứ Sáu, nhưng phải họp thêm giờ vì các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia chật vật để đạt được sự đồng thuận về kế hoạch tài trợ khí hậu trong thập niên tới.

Có lúc các đại biểu từ các quốc đảo nhỏ và nghèo đã bỏ ra ngoài vì thất vọng về điều mà họ gọi là thiếu vắng một số nước, lo ngại rằng các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch đang tìm cách giảm bớt một số khía cạnh của thỏa thuận.

Hội nghị thượng đỉnh đi thẳng vào trọng tâm của cuộc tranh luận về trách nhiệm tài chính của các quốc gia công nghiệp hóa - những quốc gia có lịch sử sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã gây ra phần lớn lượng phát thải nhà kính - để bồi thường cho những quốc gia khác về thiệt hại ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.

Nó cũng phơi bày sự chia rẽ giữa chính phủ các nước giàu có bị hạn chế bởi ngân sách quốc nội eo hẹp và các quốc gia đang phát triển đang chật vật với tổn thất do bão, lũ lụt và hạn hán gây ra.

Các quốc gia cũng nhất trí vào tối ngày thứ Bảy về các quy tắc cho một thị trường toàn cầu để mua và bán tín dụng carbon mà những người ủng hộ cho rằng có thể huy động thêm hàng tỉ đôla vào các dự án mới để giúp chống lại tình trạng tăng nhiệt toàn cầu, từ việc tái trồng rừng đến triển khai các công nghệ năng lượng sạch.

Các quốc gia đang tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức trước thời kì công nghiệp. Nếu vượt quá mốc này thì các tác động thảm khốc về khí hậu có thể xảy ra.

Thế giới hiện đang trên đà nóng lên tới thêm 3,1 độ C đến cuối thế kỉ này, theo báo cáo Khoảng cách Phát thải của LHQ năm 2024, với lượng phát thải nhà kính toàn cầu và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG