Các quốc gia xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới kết thúc cuộc họp tại thủ đô của Qatar hôm chủ nhật mà không đạt được thoả thuận đóng băng sản lượng dầu để làm cho giá dầu thế giới gia tăng. Iran không chịu giảm sản lượng và không phái đại diện đến Doha. Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nước sản xuất dầu nhiều nhất thế giới, cũng không tham dự hội nghị. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.
Ông Mohammed bin Saleh al-Sada, Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Qatar, cho biết 18 nước họp tại Doha không đạt được thoả thuận đóng băng sản lượng dầu.
"Hội nghị kết luận là tất cả các nước chúng tôi cần có thời giờ để tham khảo ý kiến với nhau từ nay cho tới hội nghị OPEC vào tháng 6."
Các nhà phân tích cho biết việc này xảy ra phần lớn là vì vụ giằng co giữa Ả rập Xê út với Iran.
Ả rập Xê út, nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới, đã tỏ ý cho biết họ sẽ đồng ý đóng băng sản lượng nếu Iran cũng làm như vậy. Nhưng Tehran nhất định không chịu cắt giảm sản lượng và cho rằng họ cần lấy lại thị phần đã mất vì những biện pháp chế tài quốc tế. Bộ trưởng Dầu lửa Iran, ông Bijan Zanganeh, cho biết như sau.
"Nếu chúng tôi phái đại diện tới Doha, thì việc đó chứng tỏ chúng tôi ủng hộ quyết định này, nhưng vì chúng tôi sẽ không ký kết thoả thuận nào và vì chúng tôi không tham gia quyết định đóng băng sản lượng, cho nên chúng tôi không cử đại diện đến dự cuộc họp."
Vì lượng cung ứng trên thị trường toàn cầu cao hơn nhu cầu quá nhiều nhiều nên giá dầu thô đã giảm tới mức 27 đô la một thùng hồi đầu năm nay, so với giá 115 đô la hồi tháng 6 năm 2014.
Một số các nhà phân tích cho rằng đóng băng sản lượng sẽ không làm cho giá dầu gia tăng trong ngắn hạn.
Ông Spencer Welch, một chuyên gia về thị trường dầu lửa của công ty IHS Global Insights ở Washington, nhận định như sau.
"Trên thực tế, điều này không có ý nghĩa gì nhiều, bởi vì những nước liên hệ đang nói về việc đóng băng sản lượng của họ ở mức vốn dĩ đã cao trong lúc nguồn cung vẫn còn dư dôi quá nhiều."
Ecuador và Venezuela là hai nước xuất khẩu dầu bị tác động nhiều bởi tình trạng giá dầu ở mức thấp. Kinh tế Nga cũng bị thiệt hại đáng kể.
Vài ngày trước khi diễn ra hội nghị Doha, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chính phủ ông định tư hữu hoá từng phần đại công ty dầu quốc doanh Rosneft.
"Chúng tôi sẽ tìm kiếm một đối tác chiến lược, một đối tác hiểu được là họ không nên tham lam khi mua 19% phần hùn của Rosneft và không nên chú tâm tới giá cổ phần hiện nay mà nên nhìn xa hơn vào tương lai."
Tuần trước giá dầu đã tăng tới mức hơn 40 đô la một thùng vì nhiều người nghĩ rằng sẽ có được thoả thuận tại hội nghị ở Doha. Tuy nhiên, vì không có được thoả thuận, giá dầu giao tương lai đã giảm 6,8% trên thị trường New York, mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 1 tháng 2.