Đường dẫn truy cập

Hội nghị ở Indonesia mưu tìm hợp tác chống đưa lậu người


Cảnh sát Indonesia bế một đứa bé bất tỉnh được cứu từ chiếc thuyền bị lật ngoài khơi Indonesia, 24/7/13
Cảnh sát Indonesia bế một đứa bé bất tỉnh được cứu từ chiếc thuyền bị lật ngoài khơi Indonesia, 24/7/13
Các giới chức của hơn 10 quốc gia đang soạn thảo các kế hoạch để chống lại nạn buôn người và đưa lậu người. Theo tường thuật của thông tín viên Sara Schondhardt của đài VOA ở Jakarta, cuộc họp ngày hôm nay ở Indonesia tập trung vào việc hợp tác để ngăn ngừa, phát hiện và truy tố các thủ phạm trong lúc bảo vệ cho các nạn nhân.

Số người ở những nước như Iran và Afghanistan vượt biên xin tị nạn đã tăng mạnh trong những năm gần đây và làm cho Liên hiệp quốc và các tổ chức khác lên tiếng bạo động về tình trạng số thuyền nhân chết trên biển mỗi ngày một nhiều.

Những người xin tị nạn đến từ nhiều nước trên khắp Á châu - từ người Rohingya vô quốc tịch ở Miến Điện, cho tới những người thuộc các tôn giáo thiểu số ở Pakistan, Iran và Afghanistan.

Trong khi tìm cách tới Australia, nơi họ hy vọng sẽ được tái định cư, những người này thường trở thành nạn nhân của những tay đưa lậu người, là những người đòi thuyền nhân trả những khoản tiền lớn để được chở trên những chiếc thuyền đông người và thiếu an toàn.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết hội nghị này chú trọng tới hành động, chứ không giống như những hội nghị trước đây thường không có kết quả cụ thể. Ông nói rằng các nước tham dự hội nghị đồng ý tiến hành những cuộc diễn tập sa bàn về hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Ông phát biểu:

"Nói cho cùng thì đây là một lãnh vực đã tạo ra rất nhiều quan tâm cho nhiều nước chúng tôi: sự tổn thất sinh mạng vì những tai nạn trên biển. Và giờ đây, các nước trong khu vực đã quyết định bắt đầu thực hiện những cuộc diễn tập sa bàn."

Đại diện của các nước, trong đó có Afghanistan, Bangladesh, Campuchia, Miến Điện và Pakistan, đã tán đồng một tuyên bố 10 điểm để đối phó với nạn đưa lậu người. Các biện pháp này bao gồm việc tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin giữa các giới chức di trú, các công ty hàng không và nhân viên công lực.

Tuyên bố này cũng bao gồm các biện pháp nhằm khuyến khích việc tự nguyện hồi hương của những người được xét thấy không cần tới sự bảo vệ quốc tế. Các nước cũng cam kết sẽ tiến hành công tác lập pháp để qui định hoạt động đưa lậu người là một tội phạm có thể bị dẫn độ.

Hiệp định mới đây giữa Australia và Papua New Guinea về người xin tị nạn cũng đã được mang ra thảo luận. Theo chính sách mới này, những chiếc tàu chở người tị nạn tới Australia sẽ được đưa tới Papaua New Guinea, và tại đây, những người trên tàu sẽ được xét đơn và có thể sẽ được cho tái định cư. Chính sách này tiếp tục gây tranh cãi vì cấm không cho những người tị nạn được tái định cư ở Australia.

Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato giải thích như sau về sự sắp xếp hiện nay giữa nước ông với Australia:

"Thông điệp chúng tôi muốn đưa ra cho công chúng là nếu các bạn đi thuyền tới Australia để xin tị nạn, các bạn sẽ không tới Australia mà các bạn sẽ tới Papua New Guinea, và Papua New Guinea mở rộng vòng ta chào đón các bạn."

Một trong những nước quan trọng không đền dự hội nghị ngày hôm nay là Iran. Việc này có lẽ phát sinh từ một chính sách mới của Indonesia, theo đó du khách Iran không còn được hưởng qui chế cấp phát visa ngay tại phi trường. Lệnh cấm - được ban hành sau khi có những áp lực của Australia, sẽ bắt đầu có hiệu lực trong tuần này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG