Một hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa khai mạc hôm 7/5 ở Hà Nội sẽ bàn thảo hai đề án có tính then chốt với chế độ là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp” và “xây dựng chế độ tiền lương mới”.
Báo chí trong nước đưa tin, hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 sẽ kéo dài 6 ngày. Tin cho hay, đề án về cán bộ nhấn mạnh đến “tăng cường kiểm soát quyền lực, chặn đứng tiêu cực, triệt để chống chạy chức chạy quyền”. Trong khi đó, đề án về cải cách tiền lương nhắm đến hệ thống bảng lương mới “tiệm cận với khu vực thị trường”.
Hai chuyên gia am hiểu kinh tế, chính trị Việt Nam nhận định với VOA rằng sẽ có những khó khăn trong việc xây dựng các chính sách mới, nhưng nếu làm tốt, chúng sẽ giúp khôi phục lòng tin của nhân dân đối với bộ máy nhà nước lâu nay bị cho là kém hiệu quả, với nạn con ông cháu cha và đầy rẫy những công chức yếu năng lực.
Đề án về xây dựng đội ngũ các cấp được trình ra Hội nghị Trung ương 7 đã được chuẩn bị trong 1 năm qua, dưới sự chỉ đạo của một ủy viên Bộ Chính trị là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.
Nội dung đầy đủ của đề án không được đăng tải trên báo chí Việt Nam song tin cho hay đề án nhắm đến mục tiêu hàng đầu là cán bộ các cấp phải “đủ năng lực, phẩm chất và uy tín”.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị lần này, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng thừa nhận đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ “còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém”. Ông nói thêm rằng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị Việt Nam “đông nhưng chưa mạnh”.
Người đứng đầu đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam trong hàng thập kỷ đề nghị các đại biểu chủ chốt của đảng trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua đảng đã có rất nhiều chính sách về công tác cán bộ, nhưng khi thực hiện vẫn “còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp”.
Các báo Việt Nam cho biết đề án đưa ra một số giải pháp, trong đó nổi bật lên là “kiểm định chất lượng đầu vào công chức” và đáng chú ý hơn là “bố trí bí thư cấp tỉnh, huyện không là người địa phương”. Việc không bố trí người địa phương làm lãnh đạo ngay tại quê nhà cũng được khuyến khích thực hiện với chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân và các chức danh khác, theo báo chí.
Trong những năm gần đây, truyền thông đã đưa tin về nhiều trường hợp lãnh đạo địa phương bổ nhiệm hàng loạt người thân nắm các chức vụ trong cùng một hệ thống ở cùng một địa phương, gây nhiều bất bình trong công chúng.
Bố trí như vậy và có thanh lọc sẽ làm cho sự lạm dụng rồi là bổ nhiệm con cháu, họ hàng vào nó sẽ bớt đi. Tôi nghĩ có thực hiện lại các cái quy định trước kia thì đấy cũng là một quy định tốt.Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Nhiều chuyên gia, nhà quan sát bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ hy vọng đề xuất này sẽ trở thành một quy định giúp ngặn chặn nạn bổ nhiệm người nhà, họ hàng ở Việt Nam hiện nay. Đề xuất về không bổ nhiệm lãnh đạo cấp tỉnh, thành trở xuống là người địa phương được xem là điều đặc biệt mới được trình ra Hội nghị Trung ương 7, dù nó dường như là sự lặp lại một số điểm trong Luật Hồi tỵ của thời phong kiến Việt Nam cách đây gần 200 năm.
Một trong những chuyên gia, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nói với VOA rằng dù quay lại với luật phong kiến, song xét đến điều kiện đặc thù của Việt Nam, điều chỉnh này vẫn là “một bước tiến”:
“Bố trí như vậy và có thanh lọc sẽ làm cho sự lạm dụng rồi là bổ nhiệm con cháu, họ hàng vào nó sẽ bớt đi. Tôi nghĩ có thực hiện lại các cái quy định [thời phong kiến] trước kia thì đấy cũng là một quy định tốt”.
Theo tiến sĩ Doanh, việc kiểm soát quyền lực của các quan chức sẽ tốt hơn nếu thật sự có bộ máy do dân cử, không phải do đảng bổ nhiệm. Tuy nhiên, một cơ cấu như vậy có thể sẽ không trở thành hiện thực trong một tương lai gần, nên ông Doanh cho rằng đề xuất không bổ nhiệm người địa phương đứng đầu chính địa phương đó vẫn đáng hoan nghênh ở thời điểm này.
Đề án thứ hai được trông đợi tạo ra “sự đột phá” tại Hội nghị Trung ương đang diễn ra là “xây dựng chế độ tiền lương mới”.
Thông tin trên báo chí trong nước dẫn lại đề án cho hay bảng lương hiện hành đối với khu vực công “sẽ được bãi bỏ” để ban hành hệ thống bảng lương mới, dự kiến thực hiện từ năm 2021.
Trong bảng lương hiện hành, người làm việc trong hệ thống nhà nước nhận tiền lương là một mức lương cơ sở nhân với một hệ số tương ứng với vị trí việc làm hoặc chức vụ.
Theo đề án đang được hội nghị bàn thảo, bảng lương mới sẽ quy định số tiền tuyệt đối tương ứng với công việc hoặc chức danh và chức vụ lãnh đạo.
... nên có bản mô tả công việc rõ ràng. Và từ đó, tuyển dụng người vào. Thế còn nếu không đạt được yêu cầu đó thì dứt khoát phải thải họ ra khỏi vị trí. Chứ không có lý gì đã vào nhà nước một lần là coi như biên chế suốt đời.Chuyên gia Phạm Chi Lan
Việc cải cách lương sẽ bao gồm “điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất” và “mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường”.
Các báo Việt Nam nói sẽ có hai bảng lương riêng rẽ, một dành cho các lãnh đạo nắm các chức vụ từ trung ương đến cấp xã mà họ nắm được qua bầu cử hoặc bổ nhiệm, và một dành cho công chức, viên chức làm công việc chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người từng là thành viên tổ nghiên cứu của thủ tướng Việt Nam trước đây, bình luận với VOA:
“Cho họ hưởng tiền lương theo cách tính như thị trường thì tốt hơn nhiều. Phải học thị trường trước hết là cách tuyển dụng và sử dụng con người. Từ cách đây vài chục năm, chúng tôi cũng đề cập là nên có bản mô tả công việc rõ ràng. Và từ đó, tuyển dụng người vào. Thế còn nếu không đạt được yêu cầu đó thì dứt khoát phải thải họ ra khỏi vị trí. Chứ không có lý gì đã vào nhà nước một lần là coi như biên chế suốt đời”.
Nữ chuyên gia hình dung rằng khi áp dụng nguyên tắc thị trường, bộ máy nhà nước sẽ có nhân lực chủ yếu là các công chức, viên chức làm việc theo hợp đồng. Trong bộ máy này, từ thứ trưởng trở xuống sẽ là các nhà kỹ trị, được tuyển dụng, trả lương - và thậm chí có thể bị sa thải - tùy theo chất lượng thực hiện công việc.
Ngoài những người kỹ trị, chỉ có một số ít các quan chức là bộ trưởng hoặc đại biểu quốc hội là những chính trị gia, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, họ sẽ chịu sự giám sát, đánh giá của công chúng theo một hệ thống khác.
Sức mạnh của thể chế là ở chỗ khi nó vận hành tốt, khi nó trung thành với lợi ích của đất nước, đưa được công việc phát triển tốt lên, thì từ đó sẽ có được niềm tin trong dân chúng, và niềm tin trong công chúng mới là yếu tố quyết định nhất.Chuyên gia Phạm Chi Lan
Một khi áp dụng cơ chế như nêu trên, số thứ trưởng, quan chức cấp phó và công chức, viên chức sẽ giảm đi nhiều, theo bà Lan.
Liệu con số nhân sự trong bộ máy nhà nước bị giảm đi có kéo theo suy yếu về thể chế hay lòng trung thành của nhiều người Việt Nam với thể chế hiện nay hay không, bà Lan đưa ra nhận định:
“Sức mạnh của thể chế là ở chỗ khi nó vận hành tốt, khi nó trung thành với lợi ích của đất nước, đưa được công việc phát triển tốt lên, thì từ đó sẽ có được niềm tin trong dân chúng, và niềm tin trong công chúng mới là yếu tố quyết định nhất. Lãng phí lẫn tham nhũng, đó mới là những cái làm mất niềm tin. Còn khi tuyển dụng được một bộ máy đàng hoàng, làm ăn được đánh giá tốt, thì người ta sẽ cảm thấy thỏa mãn”.
Việt Nam đã cải cách tiền lương 4 lần trong vòng gần 60 năm qua vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003. Nhưng như đánh giá của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được báo chí trích dẫn, chính sách tiền lương hiện nay “còn mang nặng tính bình quân, cào bằng”, có nhiều “bất hợp lý” và “chưa tạo được động lực” để người có chức vụ và người lao động nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.
Từ kinh nghiệm và hiểu biết về Việt Nam, chuyên gia Phạm Chi Lan nói việc cải cách tiền lương tuy nhắm đến những mục tiêu tốt song việc thực hiện sẽ gặp hai trở ngại lớn nhất là số người hưởng lương trong khu vực công quá lớn, trong khi quỹ lương quá “eo hẹp”.
Báo chí dẫn số liệu từ các cơ quan khác nhau của Việt Nam cho hay có tới 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong tổng số 93 triệu dân, tính đến cuối năm 2017. So sánh với nhiều nước phát triển, tỉ lệ người hưởng lương từ ngân sách nhà nước của Việt Nam là cao hơn nhiều.
Con số 2,8 triệu kể trên còn chưa tính đến 7,5 triệu người hưởng lương hưu và các trợ cấp khác từ ngân sách.