Đường dẫn truy cập

Hồi ký 'Vượt tù, Vượt biển'


Huỳnh Công Ánh trình diễn trong chương trình "Tất Cả Cho Tinh Thần Tuổi Trẻ Yêu Nước" tại quận Cam, tháng 12 năm 2013 (ảnh của Nguyễn Thiều Minh)
Huỳnh Công Ánh trình diễn trong chương trình "Tất Cả Cho Tinh Thần Tuổi Trẻ Yêu Nước" tại quận Cam, tháng 12 năm 2013 (ảnh của Nguyễn Thiều Minh)

Sau buổi ra mắt cuốn hồi ký “Tình yêu, ngục tù và vượt biển” của vợ chồng cựu phóng viên chiến trường Vũ Thanh Thủy/Dương Phục tại Virginia ngày Chủ Nhật 23 tháng tháng 10 năm ngoái, vùng Washington D.C và phụ cận, ngày 18 tháng 6 tới đây sẽ chứng kiến buổi ra mắt cuốn hồi ký “Vượt tù, vượt biển” của ca-nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh được xuất bản dưới dạng song ngữ Việt- Anh dày 806 trang.

Hồi ký 'Vượt tù, Vượt biển'
please wait

No media source currently available

0:00 0:06:15 0:00
Tải xuống


Tác giả Huỳnh Công Ánh cho biết:

“Sau khi tôi ở tù với người miền Bắc rồi thì tôi thấy chế độ đó là một chế độ đối xử với người và người không được tốt, không như cuộc nội chiến Bắc Nam của Mỹ trong đó tù binh được đối xử khác hơn tù binh Việt Nam. Tôi cứ đắn đo mãi và bây giờ tôi quyết định viết ra mong rằng tuổi trẻ họ đọc, họ thấy rằng thế hệ của chúng tôi thực sự chiến đấu, chúng tôi không phải khiếp nhược nhưng chúng tôi chiến đấu. Trong cuốn sách tôi kể rất công bình, rất thoải mái vì 37 năm tôi để lòng tôi bình xuống rồi, tôi không để hận thù vào đó, tôi không thể để những ý thức hệ nói rằng bên mình là đúng, bên kia là sai ảnh hưởng. Tôi chỉ kể đoạn đường tôi đi qua, gặp cái gì, làm cái gì trong tù, và đoạn đường tôi trốn tù gặp cái gì. Đó là lý do tại sao tôi viết cuốn hồi ký này.”

Ít có tù nhân tại các trại miền Bắc trốn thoát được. Một phần vì không thông thạo địa hình địa vật, phần khác vì các trại được thành lập tại các vùng sâu vùng xa ở miền thượng du Bắc Việt hoặc miền Bắc Trung Việt nơi đa số các sắc tộc thiểu số như người Tày, người Mường, người Lô lô .. sinh sống. Và các trại chỉ cần treo giải thưởng vài ký muối và những phẩm vật thiết yếu khác thì các người sắc tộc sẽ ra sức bắt những người tù vượt ngục để lãnh thưởng. Tại các trại miền Bắc, muốn vượt ngục thành công phải có sự giúp đỡ của người dân địa phương như trường hợp của Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh.

Ông Ánh chia sẻ:

“Tôi thoát được, tôi trốn được là nhờ có nhiều người giúp lắm. Cuộc vượt biên đẫm máu cũng vậy, bị cướp bóc nầy kia thì cũng có người giúp nên tôi lại trốn thoát một lần nữa ở dưới biển, nếu không thì có thể nói là không thoát được.”

Hồi ký “Vượt tù, vượt biển”
Hồi ký “Vượt tù, vượt biển”


Trong cuốn hồi ký “Vượt tù, Vượt biển”, nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh kể lại chi tiết về hai nhân vật đã giúp ông trốn khỏi trại tù Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh là người tù hình sự Nguyễn Đình Chiến, bộ đội Bắc Việt đào ngũ, và cô gái trẻ Hà Tĩnh Trần Thị Hoa.

Nguyễn Đình Chiến phụ trách giữ xẻng cuốc để cấp phát cho 50 người tù trong đội văn nghệ của nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh trước khi đi lao động cũng như thu lại vào buổi chiều khi tù trở về trại. Anh này có cảm tình với Huỳnh Công Ánh nên vẫn thường giúp đỡ nhạc sĩ Ánh ngay cả sau khi hết hạn tù trở về.

Nhạc sĩ Ánh thuật lại:

“Sau này được thả rồi, cậu ấy vẫn lên lại nhiều lần để liên lạc với tôi và bảo là trốn thì cứ đi trên sông thì em sẽ đón. Tôi trốn từ sáng đến chiều thì cậu đón tôi bên bờ sông rồi anh em chạy trong rừng vì cậu là bộ đội, cậu biết đường. Cũng nhờ cậu cùng đi với tôi, cùng nhảy tàu với tôi nên tôi mới thoát được. Sau này khi vượt biên, chuyến thứ nhất thất bại, chuyến thứ nhì tôi đưa cậu vượt biên luôn rồi cậu qua Pháp, có gia đình, có 3 đứa con. Sau này tôi làm ăn thành công, tôi bảo trợ cả gia đình cậu từ Pháp qua Houston.”

Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh thuộc đội văn nghệ của trại và thường được cử đi trình diễn văn nghệ cho dân chúng địa phương chung quanh trại. Ông đàn giỏi hát hay nên được dân làng mến mộ, trong đó có cô Trần Thị Hoa, lúc bấy giờ mới 18 tuổi thuộc gia đình liệt sĩ.

Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh nhớ lại:

“Đội tôi từ chỗ lao động đi hàng dọc ra bờ sông tắm, thì một hôm bỗng trong đám bắp, có một cô gái nhảy ra dúi trong tay tôi một miếng giấy. Khi ra sông, tôi mới mở miếng giấy ra thì thấy cô viết nguệch ngoạc mấy chữ: ‘Em tên Hoa, em muốn làm quen với anh Ánh’. Cá nhân tôi tôi có cảm giác tôi không thấy đói nữa. Tù đói lắm nhưng khi có tờ giấy đó tôi thấy no. Hình như tinh thần mình thấy sung sướng nên no. Cũng nhờ sự yêu thương của cô và nhờ cậu Chiến là hai người trực tiếp giúp nên tôi mới vượt thoát được. Trong lòng tôi luôn luôn nhớ tới cổ. Nhớ không phải vì chuyện yêu thương, tình cảm nhưng mà nhớ tới công ơn của cô đã hệ lụy vì mình, đã giúp mình, và mối tình đó mới thật sự là mối tình cho mà biết chắc sẽ không nhận được một cái gì.”

Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh cho biết là sau này, dù đã ra công tìm kiếm và vài lần, ngay cả nhờ Nguyền Đình Chiến trở về tìm lại cô Trần Thị Hoa, nhưng tới nay vẫn chưa tìm ra tung tích, chỉ biết cô đã đi bộ đội. Tìm đến nhà cũ cũng không ai biết cô Hoa lưu lạc phương nào.

Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh được đào tạo về âm nhạc trong thời gian ông học Trung học tại các trường của các sư huynh La San ở Komtum, Nha Trang, và Saigon nên ông rất vững vàng về nhạc lý. Những năm tháng tù này đã khiến ông trở thành một trong những con chim đầu đàn của Phong trào Hưng ca tại Hải ngoại.

Cuốn hồi ký “Vượt tù, Vượt biển” của ông đã đóng góp thêm vào kho tàng văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại, ghi dấu một giai đoạn lịch sử bi thảm của dân tộc Việt Nam mà dấu mốc là ngày 30 tháng 4 năm 1975.

VOA Express

XS
SM
MD
LG