Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp y học: Nước trong phổi


Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Mai Lê gởi Email đến câu hỏi như sau:

“Kính gửi Bác sĩ,

Tôi hiện nay đang ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ.

Xin hỏi Bác sĩ là tôi có một người bạn (nữ) không hút thuốc, không uống rượu nhưng đã phát hiện có nước trong phổi, và chữa cả năm nay. Bác sĩ cho biết là bị ung thư phổi. Sau khi phát hiện Bác sĩ điều trị chemotherapy, nay chuyển sang trị radiation therapy, nên thường xuyên phải tới bệnh viện để rút nước ra sau đó được trích thuốc vào?

Như vậy theo Bác sĩ điều trị như vậy có đúng cách không, và chữa như vậy có thể khỏi bệnh không? Bệnh này có lây không, và nếu lây sẽ truyền qua người khác bằng cách nào? Mọi người có cần tránh xa bệnh nhân không?

Cũng cách nay vài năm tôi có một người bạn (nam), không hút thuốc, không uống rượu, ăn uống rất cẩn thận; sau thấy sức khỏe sa sút nên đã đi khám bác sĩ thì phát hiện là bị ung thư phổi, bệnh đã di căn quá nặng vì biết quá trễ nên đã qua đời sau đó vài tháng, tuổi đời lúc đó trên sáu mươi. Vậy để biết ngừa trước bệnh phổi có nước hay ung thư phổi xin Bác sĩ cho lời khuyên là phải làm gì để sớm biết triệu chứng có dấu hiệu trong phổi có nước, và trong phổi có nước có phải là bệnh ung thư phổi không?

Xin cám ơn Bác sĩ rất nhiều về sự giúp đỡ này và chúc Bác sĩ và toàn gia quyến thân tâm thường an lạc.

Mai Lê.”

please wait

No media source currently available

0:00 0:18:01 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Trước hết tôi xin nói rõ là tôi không thể có ý kiến về một trường hợp bệnh nhân cá biệt nào, nhất là nếu người bệnh nhân đó ở bên Mỹ, với đầy đủ những phương tiện tân tiến nhất có thể có. Tôi chỉ xin góp ý về một số tin tức chung chung, để chúng ta cùng học hỏi.

(1) Khi chúng ta nói đến ung thư phổi (UTP), chúng ta muốn nói đến một bệnh trong đó các tế bào phổi bất bình thường phân chia, sinh sản không kiểm soát được, và gây tổn hại cho phổi hay lan rông ra cho phần còn lại của cơ thể. Do đó ung thư phổi (UTP) có nhiều loại, tuỳ theo tế bào loại nào bị liên hệ.

Thường người ta chia ung thư phổi ra 2 loại chính:

1) Loại ung thư tế bào nhỏ (UTPTBN hay còn gọi là small cell lung cancer):

Loại này chiếm 15% các UTP ở Mỹ, bệnh mọc nhanh hơn, lan ra các bộ phận nhanh hơn loại kia, liên hệ với hút thuốc lá nhiều hơn, nhưng lại đáp ứng với hoá trị liệu (chemotherapy) dễ dàng hơn.

Trị liệu: hoá trị là chính, cùng với xạ trị

Có 2 stages (giai đoạn):

a) Limited stage: giai đoạn còn giới hạn một bên ngực, trong lá phổi và các hạch lâm ba (lymph nodes).

b) Extensive stage: gia đoạn lan rộng, ra khỏi vùng một bên ngực, đi ra các bộ phân khác.

Trị liệu: chỉ dùng hoá trị.

Có thể dùng xạ trị (radiotherapy) cho những trường hợp di căn (metastasis) đến não bộ.

2) Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (non-small cell lung cancer):

- Chiếm 85% các UTP.

- Do những tế bào tuyến (adenocarcinoma), tế bào vẩy (squamous cell carcinoma) nằm trong lòng các khí quản, và nhóm thứ 3 không thuộc hai nhóm trước.

- Chia làm 4 giai đoạn (stage):

● Stage 1: UT chỉ ở trong phổi.

● Stage 2: UT lan ra các hạch lâm ba kế cận.

● Stage 3: UT lan ra các hạch ở mediastinum.

● Stage 4: Nặng nhất, UT đã lan đến cả 2 lá phổi, lan đến những dịch (fluids) gần phổi, hay đến các bộ phận khác như gan.

Trường hợp UTP đã hiện diện trong dịch màng phổi (pleural fluid) có thể thuộc vào gia đoạn 4 này.

Trị liệu:

1) Giải phẫu: cắt u UTP trong giai đoạn 1 - 2.

2) Hoá trị liệu để giúp UT không trở lại sau giải phẫu (giai đoạn 1 - 2 - 3 nhẹ) (adjuvant chemotherapy).

3) Hoá trị liệu + xạ trị liều cao cho giai đoạn 3 nặng, không mổ được.

4) Hoá trị là chính cho giai đoạn 4, xạ trị chỉ để cầm chừng thôi.

Bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương thức khác nhau, ví dụ như cho hoá trị để u UTP teo lại, rồi mới giải phẫu, hoặc xạ trị.

(2) Ung thư phổi và tràn dịch màng phổi (pleural effusion) là hai đề tài khác nhau.

Chung quanh hai lá phổi có màng phổi (pleura), gồm hai lớp mỏng cọ xát với nhau một cách trơn tru. Giống như lúc chúng ta lấy một cái bao nylon chưa mở ra và bọc chung quanh nắm tay: giữa hai lớp nylon có một không gian ảo (virtual space), nếu chúng ta đổ nước vào cái bao, lúc đó sẽ có một lớp nước bao quanh bàn tay của chúng ta.

Không gian ảo này tồn tại chung quanh hai lá phổi, trong không gian đó bình thường chỉ có chừng 15-20 ml dịch lỏng (pleural fluid), để cho trơn tru lúc phổi co vào, giãn ra lúc hô hấp. Nếu vì một lý do nào đó, một chất lõng như huyết thanh (serum), chất dịch rỉ (transudate), hay máu tràn vào không gian ảo đó, chúng ta sẽ có hiện tượng gọi là tràn dịch màng phổi (pleural effusion). Tràn dịch càng nhiều thì càng gây trở ngại cho cơ năng tim và phổi, vì nó sẽ bóp chặt phổi lại trong lồng ngực, không cho phổ giãn nở ra.

Nếu nguyên nhân tràn dịch màng phổi là một bệnh nhiễm trùng (pleurisy); ví dụ như bệnh lao (tuberculosis) làm viêm màng phổi (sưng, làm mủ, exudate), thì đây là một trường hợp bệnh lây do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis.

Nếu một người bệnh suy tim (heart failure), xơ gan (liver cirrhosis), các chất dịch trong phổi không lưu thông tốt, bị ứ đọng (transudate) trong màng phổi (hydrothorax), thì đây lại không phải là bệnh lây.

Nếu người bệnh UTP nặng, tế bào UT lan tận trong không gian màng phổi, thì cũng không lây; trừ trường hợp phổi người bệnh UT bị nhiễm thêm vi trùng nào nữa.

Về câu hỏi làm thế nào để biết sớm là trong phổi có nước, do ung thư hoặc do nguyên nhân khác:

Tràn dịch màng phổi có thể gây những triệu chứng báo hiệu như nóng sốt, đau ngực (nếu là nước trong phổi do nhiễm vi khuẩn, pleurisy), nhất là lúc hít sâu vào, khó thở (dyspnea, có nghĩa là người bệnh ý thức về cố gắng hô hấp của mình, khác với bình thường chúng ta thở ra hít vào một cách tự nhiên), ho.

Nói chung, lúc qua triệu chứng chúng ta phát hiện được "nước" trong phổi thì lượng "nước" này đã nhiều rồi. Có lẽ thực tế hơn hết là khám định kỳ (“check up”) với bác sĩ, và ghi rõ, cho bác sĩ biết những triệu chứng mình đặc biệt quan tâm để bác sĩ chú ý.

Mình nên nêu rõ mình ưu tư về bệnh gì, ví dụ bệnh gan cho người uống rượu nhiều, từng bệnh viêm gan siêu vi B (HBV phổ biến ở người Việt, chừng 13%), bệnh suy tim (heart failure) nếu mình từng bệnh tim, hay gia đình có người bệnh tim; bệnh lao phổi (pulmonary tuberculosis) nếu nóng sốt, ho nhiều, từng thử phản ứng lao tố dương (positive tuberculin skin test, Mantoux test), hay bệnh viêm như lupus (lan sang) làm sưng các mạch máu (vasculitis); bệnh ung thư phổi nếu chúng ta hút thuốc nhiều, dù đã cai nhiều năm.

Nên nhớ nhiều người bị tác hại thuốc lá thụ động (passive smoking) do người khác nhả khói ra, mình hít vào. Ví dụ có 5 chữ "B" có thể gây ung thư : bowling alleys, billiard halls, betting establishments, and bingo parlours (the “5 B’s”); các quán rượu, các sòng đánh cá cược, các quán chơi bi da, các tiệm bowling, các tiệm chơi xổ số bingo đều có mức nicotine và khói trong không khí cao hơn mức bình thường.

Do đó, những người làm việc hầu như là suốt ngày suốt đêm ở những nơi đó bị nguy cơ bệnh phổi cũng như ung thư phổi cao hơn, dù là bản thân không hút thuốc lá. Chưa kể đến khía cạnh đấy thường là những nơi đông người, không thoáng khí, làm dễ truyền nhiễm đường hô hấp. Mới đây có khảo cứu trên hồ sơ 25.000 người cho thấy 3 bệnh: viêm phổi kinh niên (mạn tính, chronic bronchitis), khí thũng (không khí ứ đọng quá nhiều trong phổi; emphysema) và viêm phổi (pneumonia), có thể là một yếu tố góp phần gây UTP.Tuy nhiên, bệnh lao phổ (pulmonary tuberculosis), suyễn (asthma) thì lại không phải cơ nguy gây ra UTP (Ann Olsson, IARC, Pháp).

Cho nên, tốt hơn hết là nhờ bác sĩ khám định kỳ, cho bác sĩ biết những yếu tố cơ nguy của mình, những triệu chứng (symptoms) mà mình ghi nhận để bác sĩ tuỳ đó mà theo dõi hoặc dùng các phương tiện chẩn đoán thích hợp như thử máu (ví dụ đo cơ năng gan, thận), đo tim (EKG), siêu âm (ultrasound), CT scan, MRI nếu cần. Nên theo dõi, ghi nhớ kết quả các thử nghiệm của mình. Nếu bs không liên lạc cần phải hỏi để không sơ sót ("fall between the cracks").

Tất cả những bệnh vừa kể đều có thể gây tràn dịch trong phổi, nhưng bệnh chính cần giải quyết không phải là nước trong phổi mà là bệnh gốc gây ra triệu chứng.

Chúc bệnh nhân và thính giả may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

********

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG