Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Nhiễm kim loại nặng


Đất đai, nước, và lúa mọc trong vùng ô nhiễm đều có thể gây độc cho người.
Đất đai, nước, và lúa mọc trong vùng ô nhiễm đều có thể gây độc cho người.
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Diệp Thị Liên ở Việt Nam, có câu hỏi về chứng nhiễm kim loại nặng.

Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
please wait

No media source currently available

0:00 0:17:46 0:00
Tải xuống

Nhiễm kim loại nặng - Heavy Metal Toxicity

Thính giả hỏi về chứng mệt, mỏi tay chân, bàn tay và chân da nhạy cảm cần mang găng tay vớ mới chịu được, đo áp huyết máu thì biên độ thấp (pulse pressure, có nghĩa là khoảng cách áp huyết thay đổi lúc tim bóp (systolic pressure) và lúc tim hứng máu (diastolic)không thay đổi nhiều. Các thử nghiệm khác (ECG, thử máu, siêu âm ) đều tốt. Bác sĩ đã cho uống thuốc bổ nhưng không khỏi.

Chúng ta đã bàn nhiều về chứng mỏi mệt mãn tính (chronic fatigue) trong nhiều lần trước. Hôm nay, vì một vị dược sĩ có nhắc đến ngộ độc kim loại nặng, tôi xin sơ lược về vấn đề này. Không phải là tôi nghĩ vị thính giả bị chứng này, lý do giản dị là định bệnh chính xác phức tạp, cần bác sĩ truy tầm về dịch học, bệnh học, thử nghiệm khá phức tạp thì mới đi đến kết luận là một người cá biệt nào đó thật sự bị nhiễm kim loại nặng, và nhiễm kim loại nào, và chữa trị phù hợp cho kim loại đó. Nếu không thì chỉ làm cho bệnh nhân lo lắng thêm mà thôi.

Đây là một lĩnh vực còn nhiều tranh tối tranh sáng nên bệnh nhân không nên quá dễ tin, cẩn thận trước khi tin tưởng các quảng cáo, và quyết định dùng những biện pháp trị liệu tốn kém, hoặc không cần thiết.

Tôi chỉ xin trình bày vấn đề này để chúng ta ý thức thêm về vấn đế. Vì đây là một loại bệnh mà các giới ngoài y khoa thường nhắc tới, nhất là những hãng bán vitamin, thuốc bổ. Bệnh nhân nếu có những triệu chứng chung chung không khoẻ, bứt rứt, bác sĩ khám nghiệm chưa giải thích, định bệnh thoả đáng thì dễ bị người khác gán cho định bệnh là “nhiễm độc kim loại nặng.”

Giới khoa học ưu tư về bảo vệ môi trường cũng nhắc tới nhiều, nhất là đối với những vùng như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh nơi mà các công nghệ chế biến đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Khác với những xứ phương Tây, nhiễm kim loại nặng là một đe doạ thường trực và thật sự cho người dân ở các nước chung quanh Việt nam.

Tốt hơn hết bệnh nhân hỏi bác sĩ của mình xét đến khả năng mình bị ngộ độc kim loại nặng có hợp lý hay không trước khi lo lắng về vấn đề này.

“Kim loại nặng” là gì?

Là những kim loại có tỷ trọng (specific gravity) trên 4-5 (nặng hơn nước 4-5 lần) và có tác dụng độc cho cơ thể. Đây chỉ là một định nghĩa đại khái, vì không phải kim loại nặng nào cũng độc, kim loại độc nào cũng nặng, và không phải càng nặng thì càng độc.

4 kim loại nặng thường được nhắc đến là:

Chì (lead): ói mửa, tiêu chảy, viêm óc, tiểu đường bệnh da, ung thư da
buồn nôn, viêm óc, viêm dây thần kinh, thiếu máu, mỏi mệt, trẻ em chậm phát triển.

Thuỷ ngân (mercury): ói mửa, tiêu chảy, lở miệng, viêm thận (nephrotic syndrome), run rẫy, yếu đuối.

Cadmium: viêm phổi, bệnh thận, tiểu ra protein, bệnh xương (osteomalacia).

Arsenic: ói mửa, tiêu chảy, viêm óc, tiểu đường, bệnh da, ung thư da.


1) Ngộ độc chì (lead poisoning, plumbism)

(1) Chì (lead) rất phổ biến trong môi trường sống của những xã hội kỹ nghệ hóa. Trước cuộc cách mạng kỹ nghệ (industrial revolution) xảy ra cách đây mấy trăm năm, có thể chúng ta chỉ chứa chừng 2 milligram chì, hiện nay thì trung bình lượng chì trong cơ thể chúng ta cao gấp 100 lần. Chì hầu như ở khắp nơi. Chỉ mới gần đây thôi, xăng chạy xe hơi đều có chì rất nhiều, nay thì phần lớn được thay thế bằng xăng không có chì (lead-free gasoline). Do đó khói xe hơi xịt một lớp bụi chì khắp nơi, nhất là những vùng dọc theo các trục lộ giao thông chính có xe cộ lưu thông nhiều. Sự ô nhiễm này có lẽ đã giảm, tuy nhiên lượng chì lẫn trong đất vẫn còn đó tuy chỉ trong không khí có giảm đi. Nguồn ô nhiễm thứ là là các lớp sơn của những ngôi nhà cũ, xây cách đây trên 30-40 năm. Những lớp sơn này có lượng chì rất cao. Lâu ngày sơn rã ra rơi xuống đất. Các cháu bé 7-8 tháng bò la bò lết, bạ gì ăn ấy, vô tình nuốt vào bụng một lượng chì đáng kể.

(2) Một số điểm chúng ta cũng nên để ý tránh ngộ độc chì :

• Ở Mỹ, từ năm 1985, chì không còn được dùng chế mực in báo nữa. Tuy nhiên sờ vào, hoặc đốt lò sưởi sách báo cũ hơn vẫn có thể làm nhiễm độc chì. Một số gỗ vẫn có sơn cũ có thể có chì và cũng không nên dùng làm củi đốt; lúc sửa nhà cửa nếu là lớp sơn rất cũ phải cạo ra, nên dọn dẹp cẩn thận.

• Trong quá khứ, một số nơi trên thế giới người ta lén cho chì vào rượu để làm cho rượu ngọt, và những người đó bị trừng trị rất nặng nề.

• Hiện nay, một số rượu thuốc ở Trung Quốc cũng như một số thuốc cổ truyền vẫn thịnh hành ở Trung Ðông (Middle East) đều có chứa một lượng chì đáng kể, nhất là ở Trung Ðông ngộ độc chì vẫn xảy ra thường xuyên ở trẻ em vì những món thuốc gia truyền đó. Nhất là đối với trẻ em, nếu không hiểu thuốc xuất xứ ở đâu và chứa những gì, tốt hơn hết nên tránh vì có thể lợi không bằng hại.

(3) Một nguồn gốc ngộ độc chì khác là các chén bát, bình chứa bằng đồ gốm tráng men có chì (lead-glazed pottery). Nói chung những đồ gốm nhập cảng vào Mỹ phần lớn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng nào đó, tuy nhiên một số đồ gốm trên thị trường được sản xuất ở nội địa Trung Hoa hoặc ở Mexico tại những lò gốm nhỏ không đúng tiêu chuẩn quốc tế.

(4) Một số làng miền Bắc VN vẫn sống bằng nghề khai thác các bình ắc qui (car battery) để lấy chì bán. Trong những làng này, khói chì bay mù mịt suốt ngày đêm, đến đổI ngườI ta phảI thay phiên nhau làm ca đêm và ngày cho đỡ tốI và ngộp. Các triệu chứng dị dạng trẻ sơ sinh và bệnh lý ngườI lớn do ngộ độc chì xảy ra rất thường. Hiện nay, ở VN đã bắt đầu dùng xăng không chì, hy vọng đây sẽ là một yếu tố giảm chì trong môi trường, ngược lạI, do kỹ nghệ hóa gấp rút, các hình thức ô nhiễm môi trường khác sẽ tăng. (*1)

(5) Năm 2009, 2000 trẻ em Trung Quốc bị ngộ độc chì do sống gần các lò nấu chì, gây nên một số bạo động trong quần chúng phản đối.

(6) Theo báo Nhân Dân, trong 3-4 tháng đầu năm 2012, có đến 80 trẻ em nhiễm độc chì được đem vào điều trị ở Bệnh Viện Bạch Mai, nguyên nhân là dùng thuốc cam bôi trị tưa lưỡi, với triệu chứng tương tự như việm họng, viêm não. (*2)

2) Ngộ độc thuỷ ngân (mercury)

Năm 1961, tại Vịnh Minamata, Nhật Bản, bị ô nhiễm môi trường do kỹ nghệ, một số dân chúng bị mắc những chứng thần kinh như: tay chân run (tremors), mất cảm giác(sensory loss), mất thăng bằng, mất phối hợp củ động (ataxia), tầm nhìn mắt bị giới hạn (thị trường bị co rút lại / constriction of visual field). Những người Nhật này từng ăn cá rất nhiều. Nếu mẹ bị ngộ độc lúc có thai, phát triển của óc thai nhi bị ảnh hưởng và trẻ sơ sinh có thể bị những chứng giống như liệt não (cerebral palsy), bị điếc, bị mù hoặc đầu quá nhỏ (microcephaly), lớn lên thì tâm trí phát triển chậm.

Riêng tại Mỹ, ăn cá vẫn là yếu tố quan trọng nhất làm chúng ta có thể bị ngộ độc methyl mercury. Phải khẳng định cá là một nguồn dinh dưỡng quan trọng trong một thực đơn quân bình. Cá cung cấp những protein có chất lương cao, những chất mỡ, vitamin có ích khác, nhưng theo FDA ’’lượng cá và loại cá bạn ăn cần được thay đổI’’ nếu bạn thuộc về những nhóm dễ bị nguy cơ (‘’at risk’’): phụ nữ đang có bầu, đàn bà trong tuổi có thể có bầu hoặc là trẻ em nhỏ tuổi.

3) Cadmium được dùng nhiều trong kỹ nghệ: tráng bằng điện (electroplating), sơn kỹ nghệ, pin điện. Khói toả ra trong kỹ nghệ hàn có thể làm thợ hàn ngộ độc nếu không được bảo vệ trong môi trường làm việc. Đất đai, nước, và lúa (từng xảy ra ở Nhật) mọc trong vùng ô nhiễm đều có thể gây độc cho người.

4) Ngộ độc do arsenic (thạch tín, asen) (ói mửa, tiêu chảy, viêm óc, tiểu đường bệnh da, ung thư da): Ở Bangladesh và một số nơi khác trong lục địa Ấn Độ, xảy ra nhiều dịch ngộ độc arsenic do uống nước giếng đào thật sâu dưới lòng đất để tránh những mặt nước nông hơn bị nhiễm trùng. Tuy nhiên những mặt nước sâu này nằm gần những vùng đất đá chứa nhiều arsenic.

Ở Việt Nam, arsenic là một đe doạ lớn cho nước uống, nhất là nước giếng ống, nông (shallow tube-wells) do chính phủ khuyến khích đào (1996-2000). Hàm độ arsenic cao do đất chứa nhiều arsenic, cộng thêm arsenic do thuốc diệt sâu bọ dùng trong nông nghiệp. Mức arsenic trong nước dùng ăn uống và tưới cây có thể cao đến 300 lần mức an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức y tế quốc tế (WHO), 60 lần cao hơn mức chính phủ VN quy định (50 microgram/lit). (*3)

Theo tài liệu của ĐH Harvard, chừng 10 triệu người ở miển bắc VN (kể cả thành phố Hà Nội), nửa triệu cho đến 1 triệu người trong đồng bằng sông Cửu Long có thể bị nguy cơ ngộ độc mãn tính arsenic. Vì các dấu hiệu ngộ độc thạch tín mãn tính chỉ xuất hiện sau khi nhiễm độc cả chục năm, người ta tiên đoán trong những năm tới các bệnh này sẽ xuất hiện nhiều hơn hiện nay (2006).
(‘The population at risk of chronic arsenic poisoning is estimated to be 10 million in the Red River delta and 0.5–1 million in the Mekong delta”) (*4)

5) Thông tin thêm:

Ngộ độc do cyanide: Trong củ sắn (khoai mì) chưa được chế biến đúng cách, còn sống, hiện diện một chất đường có cyanide (CN) (cyanoglucoside) tên là linamarin. Qua quá trình tiêu hóa, cyanoglucoside thải ra hydrogen cyanide (HCN) gây ngộ độc. Chỉ cần 0.5 đến 3 milligram cyanide cho mỗi ki lô cân nặng là có thể chết người (lethal dose: 0.5-3mg/kg of body weight). Bởi vậy một đứa trẻ chừng 20 pound ăn 100 gram củ sắn chưa được chế biến có chứa 5 milligram cyanide là có thể chết được. Cyanide trong hai củ sắn đủ để làm chết người lớn.

Trong những xứ nghèo ở Châu Phi, người ta đang phổ biến một phương pháp đơn giản và nhanh chóng được mô tả trong tài liệu của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO). Khoai mì được đem ra bào nát, xong ngâm nước bốn tiếng đồng hồ, dùng lá làm phểu nhét cho khoai mì vắt nước có chất độc bỏ đi, xong đem phơi nắng, tất cả chỉ thực hiện trong vòng một ngày là có bột củ khoai mì (sắn) ăn được.

Tài liệu tham khảo:

(*1) “Làng nhiễm chì” dưới chân núi Phja Khao
http://www.sggp.org.vn/SGGP12h/2007/6/103138/
(*2) (http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/suc-khoe/coi-ch-ng-tr-b-nhi-m-c-chi-do-dung-thu-c-1.340147)
(*3) Ly, Thuy M., "Arsenic Contamination in Groundwater in Vietnam: An Overview and Analysis of the Historical, Cultural, Economic, and Political Parameters in the Success of Various Mitigation Options" (2012). Pomona Senior Theses. Paper 41. http://scholarship.claremont.edu/pomona_theses/41
(*4) Berg, M. and al, “Magnitude of arsenic pollution in the Mekong and Red River Deltas — Cambodia and Vietnam”
http://users.physics.harvard.edu/~wilson/arsenic/references/Mekong_Red_river_pollution.pdf


Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền
Hien V. Ho, MD, FAAP)

---------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG