Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp y học: "Ngón tay bóp cò" bẩm sinh


Ngón tay bóp cò bẩm sinh.
Ngón tay bóp cò bẩm sinh.
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.


Thính giả Vũ Phúc, ở Việt Nam, gởi thư đến câu hỏi như sau:

"Chào Bác sĩ

Con trai tôi năm nay 8 tuổi. Khi mới sinh, ngón tay giữa, bên phải của cháu bị co rút rất cứng, không mở ra được. Tôi thường xuyên xoa bóp ngón tay cho cháu, đến nay tay cháu tự mở thẳng ra được, không bị đau, và bàn tay phải hoạt động bình thường. Tuy nhiên qua một đêm đến sáng thì ngón tay cháu có hơi bị cứng, và phải dùng tay trái để mở ngón tay phải ra – chỉ một lần vào buổi sáng, sau đó thì tay cháu co ra vào bình thường.

Thưa Bác sĩ, vậy cháu có cần phải phẩu thuật không? Hoặc nếu không phẩu thuật, sau này tay cháu có bị ảnh hưởng gì không? Tôi cần phải làm gì để tốt cho sức khỏe cháu về sau. Rất mong Bác sĩ giúp đỡ, cho tôi lời khuyên hợp lý.

Rất chân thành cảm ơn Bác sĩ.”


please wait

No media source currently available

0:00 0:10:02 0:00
Tải xuống


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

"Ngón tay bóp cò bẩm sinh" (Congenital trigger finger)

Các ngón bàn tay chúng ta được điều khiển bởi những cơ bắp nằm trên cẳng tay, cùng với một số cơ nhỏ hơn của bàn tay. Lúc chúng ta co ngón tay lại, vận động những cơ co ngón tay (flexor digitorum) hay cơ co ngón cái (flexor pollicis longus.) Phía lưng bàn tay và cỗ tay, có những cơ phụ trách kéo các ngón tay ngược lại, làm chúng duỗi ra (extensor digitorum, extensor pollicis).
Từ bắp cơ nằm trên cẳng tay, những dây gân chạy xuống lòng bàn tay. Qua khỏi lòng bàn tay, gân các cơ duỗi ngón (flexor tendons) chui trong một đường hầm, trên là mô sợi dưới là xương (fibro-osseous tunnel), rồi bám vào các khúc xuơng ngón tay, như một sợi dây chạy qua nhiều con ròng rọc (pulley), làm chuyễn hướng lực cơ co rút phía trên cẳng tay, đổi thành cử động các ngón tay co vào theo đường cung, như lúc chúng ta vẫy tay ngoắc ai đến gần.
Những sợi gân này chạy lui tới trơn tru. Nếu trong hành trình này, ở một nơi nào đó sợi gân cơ flexor quá to, hay đường hầm xương và xơ (fibro-osseous tunnel) eo hẹp làm con ròng rọc (pulley) quá chật, sợi gân bị kẹt (lock), ngón tay không duỗi ra hoàn toàn được, và khi cơ duỗi cố gắng kéo ngón tay thẳng ra, ngón tay bật trở ra (“the finger straightens with a snap”), như lúc cò súng sau khi bóp vào, bật nhả ra cho nên được gọi là “trigger finger” hay là "ngón tay cò súng ." Có thể phải cần dùng bàn tay kia phụ vào, khắc phục chỗ gân bị kẹt, kéo mạnh hơn, mới kéo ngón tay thẳng ra được. Các khảo cứu bằng siêu âm ở trẻ em chỉ cho thấy đường kính sợi gân quá to so với đường kính đường hầm xương và xơ nó đi qua, và không ghi nhận hiện tượng viêm (khác với bệnh người lớn.)
Trong chứng ngón tay bóp cò bẩm sinh, thường nhất ở ngón tay cái. Chừng 300 trẻ mới có một trường hợp, hoặc hiếm hơn nữa và triệu chứng xuất hiện trong năm đầu. Bé không duỗi ngón tay ra được, và ở dưới gốc ngón tay, có thể sờ thấy được một cái hạt nhỏ gọi là hạt Atta (Atta’s nodule.) Thường các ngoài ngón cái tự phục hồi dễ hơn. Trên 30% trường hợp tự nó sẽ khỏi. Những khảo cứu gần đây còn lạc quan hơn nữa. Trong một công bố gần đây của Hàn quốc (Baek), người ta theo dõi 71 ngón tay cái của 53 bệnh nhân (nhiều trẻ bị hai tay) bệnh trong 2 năm mà không chữa trị gì cả. Kết quả cho thấy 45 ngón tay (63%) trở nên bình thường. Trong 26 trẻ chưa hết hẳn, 22 trẻ có tiến bộ rõ rệt.Nói chung, trên 60 ngón tay tự khỏi sau 24 tháng, và đa số ca còn lại tiếp tục cải thiện với thời gian. Nên nhớ trigger finger trẻ em hoàn toàn khác bệnh ở người lớn.
Nếu cần, bác sĩ có thể quyết định giải phẫu, lúc bệnh nhân 1-3 tuổi. Bác sĩ rạch một đường nhỏ ở gốc ngón tay,giải phóng sợi gân ở chỗ hẹp nơi con ròng rọc. Ngón tay được bất động chừng 1 tuần, sau đó sinh hoạt bỉnh thường. Ít khi bệnh tái lại. Kỹ thuật và khả năng bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tay quan trọng, để tránh hư hại các dây thần kinh kế cận.
Ở người lớn trigger finger liên hệ đến những điều kiện khác như bệnh xương khớp, thoái hoá khớp, bệnh co rút gân bàn tay (dupuytren contracture), chấn thương và cần trị liệu mạnh mẽ hơn (như bất động, đắp đá, chích thuốc corticoid, giải phẫu nếu cần.)

Trường hợp của con vị thính giả, cần bác sĩ khám và quyết định có cần và có đáng mổ hay không, lợi nhiều hơn hại hay không vì em đã hồi phục phần lớn, ngón tay không bị co rút và đã tám tuổi. Có lẽ trong giai đoạn này, cho em dùng các ngón tay bình thường là tốt hơn cả, nếu cần thì giúp em giãn (stretch) ngón từ từ lúc buổi sáng. Nếu thấy đau, sưng hay giới hạn co duỗi nên theo dõi với bác sĩ của em.

Chúc bệnh nhân may mắn,

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

----------------------------------------

References:
1) Baek GH, Kim JH, Chung MS, Kang SB, Lee YH, Gong HS. The natural history of pediatric trigger thumb. J Bone Joint Surg Am. 2008;90(5):980.
2) Bruce C Anderson. Trigger finger (stenosing flexor tenosynovitis).(UpTo Date)

----------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

********
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG