Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thính giả Nguyễn Bình ở bang Nebraska về: Glucosamine và bệnh gout
Bệnh gout gây ra những cơn đau khớp cấp tính, thường là khớp xương ở gốc ngón chân cái, nối liền bàn chân và xương ngón chân. Ngón chân sưng to, đỏ và nóng, và cơn đau có thể thức bệnh nhân dậy lúc đang ngủ, đến mức tấm chăn đắp nhẹ đụng vào cũng làm đau đớn thêm. Các khớp xương khác của bàn chân, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay đều có thể bị đau. Khoảng 4-12 giờ đau khi khởi đầu là lúc đau nhất. Sau đó đau dai dẳng có thể kéo dài vài ngày hay vài tuần. Đàn ông bị nhiều hơn phái nữ, tuy nhiên sau khi tắt kinh, phụ nữ dễ bị gout hơn.
Purine là một chất có bình thường trong cơ thể chúng ta cũng như có nhiều trong một số thức ăn như steak thịt đỏ, các nội tạng thú vật (gan, thận), hải sản. Những purine này lúc bị cơ thể chuyển hoá thì sinh ra chất uric acid tuần hoàn trong máu. Bình thường, uric acid sẽ được thận thải qua nước tiểu, tuy nhiên nếu cơ thể sản xuất uric acid nhiều quá, hay thận bài tiết ra uric acid ít quá, mức uric acid trong máu sẽ quá cao. Một số nước uống như rượu (nhất là bia), nước ngọt có chứa nhiều chất đường fructose (từ trái cây) cũng làm cho mức uric acid trong máu cao hơn. Nếu mức uric acid quá cao, các tinh thể urate đọng lại trong khớp xương và gây ra viêm khớp, gồm những triệu chứng sưng, đỏ và đau, là những triệu chứng của bệnh gout.
Yếu tố cơ nguy và biện pháp phòng ngừa:
1. Những bệnh như bệnh mập, bệnh tim, bệnh thận, áp huyết cao, hội chứng chuyển hoá (gồm bệnh mập nhiều mỡ bụng + cao áp huyết + lượng cholesterol tốt thấp + nhiều mỡ triglycerides trong máu);
2. Thuốc men: thuốc lợi tiểu loại thiazide, aspirin (vd aspirin liều thấp hay "baby aspirin" một số người lớn tuổi uống hàng ngày để ngừa bệnh tim mạch);
3. Nam giới nhiều hơn nữ giới. Phụ nữ sau khi tắt kinh mức uric acid cao hơn, gần bằng nam giới;
4. Yếu tố gia đình, di truyền;
5. Chấn thương, hậu giải phẫu;
6. Corn syrup được dùng phổ biến hiện nay trong công nghệ thực phẩm chứa rất nhiều fructose, kể cả formula trẻ em, bánh kẹo, vì corn syrup ngọt hơn và rẻ hơn đường mía. Fructose được chứng minh liên hệ với mức uric acid trong máu cũng như áp huyết tăng lên đáng kể ở các thanh niên dùng nước uống ngọt- như nước trái cây, nước sinh tố nhiều. Tóm lại, tránh ăn và uống đồ ngọt;
7. Nên uống nước đầy đủ để có đủ lượng nước tiểu đẩy các tinh thể uric acid ra ngoài, tránh sự thành hình các sạn trong thận. Sạn có thể làm hư hại thận, làm nghẽn đường thoát của nước tiểu, gây ra điều kiện thuận tiện cho nhiễm trùng đường tiểu; kết quả là giảm cơ năng thận, làm việc lọc uric acid kém đi, và lại làm bệnh gout nặng hơn nữa.Nói chung ở Mỹ, người ta khuyên nên uống 64 0z nước/ 24 giờ, tương đương với chừng 2 lít nước, hay 8 ly nước (x8 oz).
Biến chứng: gout không chữa có thể tái hồi (recur), urate lâu ngày đọng dưới da làm những chỗ sưng gọi là tophi nổi lên ở bàn chân, bàn tay, khuỷu tay, gân Achille sau gót chân, lâu ngày các tophi có thể đau đớn. Urate có thể đọng trong thận và đường tiểu thành sạn.
Bác sĩ định bệnh căn cứ trên các triệu chứng, có thể thử nghiệm mức uric acid và creatinine trong máu; rút nước từ khớp xương (arthrocentesis) để tìm các tinh thể urate hình kim; chụp X quang; MRI; CT scan; siêu âm khớp và tophi nếu cần. Tuy nhiên, người có mức uric acid cao có thể không đau nhiều, trong lúc người viêm khớp nhiều cũng có thể có mức uric acid không cao.
Chữa trị:
1. Thuốc giảm viêm không phải corticoid (NSAIDS) như ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve); mạnh hơn và cần toa như indomethacin, celecoxib (Celebrex). Dùng những thuốc này phải cẩn thận có thể là xót hay chảy máu đường tiêu hoá (bao tử, ruột).
2. Colchicine lúc đau cấp tính, sau đó liều thấp hơn để chặn các cơn đau trở lại. Phản ứng phụ: ói mửa, tiêu chảy.
3. Corticoid: nếu không dùng được các thuốc trên.
4. Những người bị nhiều lần/năm có thể cần dùng .
5. Thuốc giúp cơ thể bớt sản xuất ra uric acid (allopurinol; phản ứng phụ nổi mẩn ngoài da, giảm tế bào máu).
6. Thuốc giúp thận thải uric acid nhiều hơn (probenecid). Phản ứng phụ: nổi mẩn, đau bao tử, sạn thận.
7. Glucosamine là một loại "bổ sung dinh dưỡng" (nutritional supplement) bán không cần toa rất thịnh hành để "cải thiện sức khoẻ sụn" trong các khớp xương. Vì chưa có bằng chứng dứt khoát là chất này chữa được các bệnh viêm khớp, ở Mỹ FDA không cho phép quảng cáo chất này là "dược phẩm" (drug) dùng để trị liệu. Dạng có lẽ hữu hiệu nhất là glucosamine sulfate, có thể chung với "nutritional supplement" khác như chondroitin sulfate.
8. Glucosamine được sản xuất từ vỏ của shellfish gồm những con vật có "bộ xương ngoài" (exoskeleton ) như tôm, cua, tôm hùm, sò hến. Exoskeleton chứa nhiều chất chitin, từ đó trích ra glucosamine bằng thuỷ phân. Tuy nhiên, glucosamine được chế biến từ exoskeleton chứ không phải từ thịt các con vật shellfish này nên không chứa purine. Do đó glucosamine không ảnh hưởng đến gout mà cũng không chữa được bệnh này.
9. Có những sản phẩm glucosamine "chay" (vegetarian) chế biến:
i. từ nấm, không phải từ tôm cua, và dành cho những người ăn chay hoặc tránh tôm cua (Do Thái cần thức ăn đúng tiêu chuẩn Kosher diet) như Regenasure (từ nấm Aspergillus niger) hay JointAstin (do Cyanotech sản xuất);
ii. từ bắp (corn): GreenGrown glucosamine (do Ethical Naturals).
Tham khảo: (http://www.nutraingredientsusa.com/Suppliers2/AnothervegetarianglucosaminelaunchedinUS)
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
--------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.