Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành nghị quyết số 11 về ‘hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN)’ hôm 3/6, nhưng các chuyên gia nói rằng mô hình này vẫn lặp lại những bế tắc, mâu thuẫn nội tại.
Từ Sài Gòn nhà báo An Dân nói với VOA – Việt ngữ rằng mô hình “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” không có gì mới, tư duy cũ và ngay trong nhận thức của giới lãnh đạo Việt Nam, cũng có vấn đề:
“Nghị quyết mới nhưng vẫn là ‘tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng XHCN’. Rõ ràng là ngay trong nhận thức của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, của Đảng, cũng có vấn đề - về việc chọn mô hình, đường lối phát triển kinh tế.”
Rõ ràng là ngay trong nhận thức của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, của Đảng, cũng có vấn đề - về việc chọn mô hình, đường lối phát triển kinh tế.Nhà báo An Dân
Giới lãnh đạo Hà Nội đinh nghĩa ‘nền kinh tế thị trường định hướng XHCN’ là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’”.
Khái niệm ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ được định nghĩa trong nội dung dự thảo Báo cáo chính trị đại hội 12, Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 3/2015. Khái niệm này đã được đưa ra lần đầu tiên ở Việt Nam trong thập niên 1990.
Nghị quyết mới của Ban chấp hành Trung ương Đảng còn nhấn mạnh mục tiêu là đến năm 2030, phải “hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở Việt Nam, và trước mắt đến năm 2020, sẽ “hoàn thiện một bước đồng bộ hơn” hệ thống thể chế này.
Giới lãnh đạo Việt Nam cũng từng đề ra mục tiêu tương tự là đến năm 2020, sẽ trở thành “một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại,” nhưng vào năm ngoái, họ đành nhìn nhận là sẽ “không đạt được” mục tiêu này.
Nhà báo An Dân nói rằng khái niệm ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’ chỉ dùng trong nước, còn đối với quốc tế, Việt Nam không quảng bá khái niệm này.
Nhà báo độc lập này nhận xét rằng khi công du nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không hề đề cập đến “kinh tế thị trường định hướng XHCN” mà chỉ nói đến “nền kinh tế thị trường” mà thôi:
“Ở cấp thủ tướng mà ông ta không nhắc tới kinh tế thị trường định hướng XHCN khi tiếp xúc với báo đài, với chuyên gia nước ngoài, và cả chuyến công du đi Mỹ.”
Giáo sư Nguyễn Phước Tương, một nhà nghiên cứu xã hội học được nhiều người biết đến, cũng chia sẻ nhận định trên, ông nói khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” chỉ để sử dụng trong nước:
“Khi ra nước thì ông Thủ tướng, cũng như ông Tổng Bí thư Trọng trước đây đến Mỹ có nói một câu nào về kinh tế thị trường định hướng XHCN đâu. Nhưng mà khi về Việt Nam, và trên tất cả các văn kiện của Việt Nam, bao giờ họ cũng nhấn mạnh “kinh tế thị trường định hướng XHCN.”
Việt Nam vẫn mong đợi được Hoa Kỳ cấp “quy chế kinh tế thị trường.” Chính vì thế, trong tuyên bố chung về tăng cường đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, công bố sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hôm 31/5, có nêu: “Phía Hoa Kỳ ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam muốn đạt quy chế kinh tế thị trường và hai bên đồng ý tiếp tục tham vấn một cách hợp tác và toàn diện thông qua việc đẩy mạnh nhóm làm việc song phương.”
Giáo sư Nguyễn Phước Tương phân tích rằng giới lãnh đạo Hà Nội vẫn cương quyết đeo đuổi “định hướng XHCN” vì quyền lợi và “cái ghế” của họ, dẫu biết rằng hai khái niệm “kinh tế thị trường” và “định hướng XHCN” triệt tiêu lẫn nhau:
“Thực chất khi giải thích về ‘cái đuôi’ XHCN thì XHCN triệt tiêu thể chế kinh tế thị trường theo cách văn minh và như cách thế giới mong muốn. Một mặt thì đòi hỏi thế giới công nhận Việt Nam có một nền kinh tế thị trường thực thụ và đầy đủ, nhưng mặt khác, trong nước thì nhấn mạnh ‘định hướng XHCN’. Đấy là một sự mâu thuẫn, bế tắc, và bị động, mà chính bản thân người ta cũng thấy là nó vô duyên. Có những người có trách nhiệm đã nói thẳng ra rằng ‘làm gì có XHCN’ mà định hướng, nhưng người ta không thể không làm vì nó gắn liền với cái ghế của người ta đang ngồi.”
Có những người có trách nhiệm đã nói thẳng ra rằng ‘làm gì có XHCN’ mà định hướng, nhưng người ta không thể không làm, vì nó gắn liền với cái ghế của người ta đang ngồi.Giáo sư Nguyễn Phước Tương
Nghị quyết mới của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam “kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta.”
Nghị quyết mới nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng để đảm bảo đúng định hướng, vì đây là một vấn đề “quan trọng”: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.”
Nhân dịp nghị quyết này được ban hành, hôm 6/6 báo Thanh Niên trích lời Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, nói rằng: “Từ khi lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN được nghiên cứu và triển khai ở Việt Nam đến nay, đã có nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí có ý kiến còn phê phán, bác bỏ. Nhưng các thành tựu phát triển đất nước trong các năm qua đã chứng minh thể chế kinh tế của chúng ta là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam, phù hợp với con đường đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn.”
Tuy nhiên, trong bài viết có tựa đề “Kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo ra phát triển ngoạn mục cho đất nước” trên báo Thanh Niên, ông Tuấn nhìn nhận một thực tế rằng: “Trong một số cuộc trao đổi học thuật và trên một số diễn đàn, nhiều người cho rằng kinh tế thị trường - KTTT định hướng XHCN chưa có tiền lệ trong lịch sử, khó tránh khỏi sai lầm, vấp váp, cho nên phải “dò đá qua sông”. Có người thì nói, KTTT mang giá trị phổ quát của nhân loại, không cần thiết phải thêm “cái đuôi” XHCN. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, CNXH và KTTT không thể dung nạp lẫn nhau, nên gắn KTTT với CNXH là khiên cưỡng…”