Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, vị trưởng lão nổi tiếng uyên bác, thông tuệ của Phật giáo Việt Nam đồng thời được xem là lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vừa viên tịch sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Báo Giác Ngộ, tờ báo của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã viên tịch vào lúc 16 giờ chiều ngày 24/11 năm 2023 tại chùa Phật Ấn, tỉnh Đồng Nai, nơi ông về cư ngụ trong những năm cuối đời.
Hòa thượng đã ngã bệnh kể từ đầu tháng 9 và đã được đưa vào Bệnh viện Quốc tế Mỹ ở Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh để điều trị.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã công bố di chúc của Đức Đệ Ngũ Tăng thống – Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ - về việc tái lập Hội đồng Giáo phẩm Trung ương. Sau khi tái lập, cơ quan này đã suy cử ông làm Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – tổ chức không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
Kể từ đó, ông đã lãnh đạo và điều hành mọi công việc của Giáo hội, trong đó chủ yếu là chọn lọc và bổ sung thêm thành viên cho Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh để tiếp tục công việc dịch kinh điển Đại thừa. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hội đồng đã dịch và in xong 29 tập của bộ Thanh Văn Kinh, một phần của Đại Tạng Kinh, và đã cho công bố hồi đầu năm nay.
Sinh năm 1943 tại Paksé, Lào, có nguyên quán tại tỉnh Quảng Bình, Hòa thượng Tuệ Sỹ có con đường tu học trải từ Sài Gòn đến Huế và Nha Trang. Ông thọ giáo với những vị trưởng lão hàng đầu của Phật giáo Việt Nam như Thích Thiện Siêu và Thích Trí Thủ.
Ông được biết đến là một trong những vị cao tăng thông tuệ nhất của Phật giáo Việt Nam với những công trình nghiên cứu, khảo luận về Thiền học và Phật học. Cả cuộc đời ông chủ yếu tập trung vào các sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy và dịch kinh điển Phật giáo ra tiếng Việt.
Hòa thượng tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn và sau đó là Viện Đại học Vạn Hạnh khi mới 22 tuổi, và được Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, đặc cách bổ nhiệm làm giáo sư khi mới 27 tuổi – giáo sư trẻ nhất vào lúc đó – và làm tổng thư ký tạp chí Tư Tưởng của Viện.
Bên cạnh là nhà nghiên cứu, nhà giáo, dịch giả, Hòa thượng Tuệ Sỹ còn là nhà thơ, nhà văn có nhiều tác phẩm đã xuất bản, trong đó nổi bật như ‘Triết học về tánh Không’, ‘Đại cương về thiền quán’, ‘Tổng quan về nghiệp’, ‘Thiền định Phật giáo’, ‘Huyền thoại Duy-ma-cật’, ‘Du-già Bồ-tát giới’, ‘Tô Đông Pha, Những phương trời viễn mộng’ và những tập thơ như ‘Giấc mơ Trường Sơn’, ‘Thiên lý độc hành’, ‘Hoàng cầm tình khúc’…
Các bộ kinh mà Hòa thượng đã dịch và được phổ biến rộng rãi đến các Phật tử trong đó chủ yếu tạng kinh A-hàm bao gồm các bộ Trường A-hàm, Trung A-hàm và Tạp A-hàm. Ông thông thạo tiếng Phạn, tiếng Tạng, tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức…
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ từng bị chính quyền cộng sản bắt vào năm 1984 tại chùa Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp và bị kết án tử hình 4 năm sau đó về tội ‘Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ cùng với Hòa thượng Thích Trí Siêu. Nhưng đến năm 1998, nhờ áp lực quốc tế, ông được thả.
Ông từng bất đồng với tôn sư của ông là Hòa thượng Thích Trí Thủ - người dẫn đầu công cuộc vận động thống nhất Phật giáo vào năm 1981và sau này trở thành Chủ tịch Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước thành lập.
Hòa thượng Thích Minh Tâm, viện chủ chùa Phật Ấn và là người gần gũi săn sóc Hòa thượng Tuệ Sỹ lúc cuối đời, từng kể với VOA rằng ông ‘luôn trăn trở về sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn còn nội ma ngoại chướng nhiều’.
Diễn đàn