Nhiều người trên thế giới hy vọng chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất, vốn có lẽ đã kéo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 xuống còn 3% thay vì 3,8%, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Việt Nam chắc cũng có cùng hy vọng như vậy, tuy nhiên vẫn có những lý do cho thấy nếu cuộc thương chiến tiếp diễn có thể sẽ tốt hơn cho Việt Nam.
Đầu tiên và rõ ràng nhất, đó là thuế quan của Hoa Kỳ áp đặt lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh các khoản thuế quan này. Kết quả là xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2019 đã tăng 28% trong ba quý đầu năm.
Thứ hai, Hoa Kỳ có thể bị phân tâm bởi cuộc chiến thương mại. Đây có thể là một lợi ích đối với Việt Nam vì không bị nhắc đến nhiều trong các cuộc thương thảo.
“Việt Nam hy vọng Trung Quốc sẽ kéo dài các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ”, Luật sư Fred Burke của công ty luật Baker & McKenzie Vietnam đưa ra nhận định này vào cuối năm ngoái.
Nói cách khác, nếu Washington quá bận rộn đàm phán với Bắc Kinh, họ sẽ có ít thời gian và nhân lực hơn để chú ý đến Hà Nội.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người tự gọi mình là “Gã Thuế Quan”, từng thể hiện sự quan tâm tới việc tăng thêm thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng việc đối phó với Trung Quốc đã chiếm hầu hết sự quan tâm của ông liên quan đến vấn đề thương mại.
Phàn nàn chính của ông Trump về Việt Nam là quốc gia này có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. Đây có thể đơn giản là kết quả của việc khách hàng Mỹ thích mua hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng phản ứng quen thuộc của ông Trump vẫn là áp đặt thuế quan.
Việt Nam có lý do để cảnh giác. Trong quá khứ, Hoa Kỳ từng áp đặt thuế quan đối với hàng kim loại và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Có vẻ như Hoa Kỳ cũng có thể liệt Việt Nam vào danh sách các nước “thao túng tiền tệ”, như một biện minh cho việc đưa ra nhiều hình phạt thương mại đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Tuy nhiên vào tuần trước, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo rằng họ đơn giản sẽ giữ Việt Nam, trong số các quốc gia khác, trong danh sách cần phải theo dõi về thao túng tiền tệ. Vì vậy, Việt Nam hiện nay coi như đã tránh được một đòn trừng phạt.
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tức ngân hàng trung ương của nước này, đã trả lời trong một tuyên bố chính thức rằng họ sẽ làm việc với Bộ Tài chính Hoa Kỳ “theo cân bằng kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường và các mục tiêu về chính sách tiền tệ, để không tạo ra một lợi thế cạnh tranh quốc tế không công bằng”.
Hoa Kỳ cảnh báo rằng các quốc gia nước ngoài có thể giữ mức tiền tệ của họ thấp một cách giả tạo để làm cho sản phẩm có giá rẻ hơn, từ đó tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Một lý do chính khác khiến Hoa Kỳ có thể trừng phạt Việt Nam về gian lận thương mại là khi nước này để cho các công ty chuyển hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang đất nước của họ rồi dùng những thủ đoạn đến gắn mác Việt Nam để tránh thuế quan Mỹ– thường được gọi là quá trình “chuyển vận”.
ING, một công ty dịch vụ tài chính ngân hàng, nói rằng thật thú vị khi Bộ Tài chính Mỹ không chỉ trích Việt Nam về việc “chuyển vận” này trong báo cáo của Bộ.
“Một lập trường như vậy đối với Việt Nam có lẽ cho thấy chính phủ Hoa Kỳ
không muốn phá vỡ chuỗi cung ứng châu Á của các công ty Mỹ”, Chris Turner và Francesco Pesole, chiến lược gia của ING, nhận định trong một đánh giá chung về báo cáo thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ.
“Hoa Kỳ dường như hài lòng với nỗ lực hiện tại của chính phủ Việt Nam trong việc chống gian lận thương mại”, các chuyên gia nói thêm.
Hai chiến lược gia này nằm trong số nhiều người tin rằng nếu Hoa Kỳ thực sự dừng lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, họ có thể chuyển sự chú ý tiếp theo sang châu Âu.
Các chuyên gia nói rằng về các hình phạt thương mại của Mỹ, Việt Nam hiện vẫn an toàn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Tất nhiên không ai biết khi nào thì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ chính thức kết thúc.