Tuần này, Hoa Kỳ và Philippines khởi sự các cuộc tập trận chung ở vùng Biển Ðông. Thông tín viên VOA Simone Orendain tường thuật từ Vịnh Subic rằng với một hiệp ước quân sự vừa ký kết giữa hai nước đồng minh, Philippines, nước đang lâm vào một cuộc tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải, nay tập trung ráo riết vào việc tăng cường khả năng hàng hải.
Các cuộc tập trận tuần này có sự tham gia của hai tàu chiến mới nhất và lớn nhất của Philippines. Tư lệnh hạm đội Philippines, phó đề đốc Jaime Bernadino nói Philippines đang phải đối phó với nhiều “mối đe dọa” vào một thời điểm mà việc nâng cấp quân sự “khiêm tốn” của họ đang thành hình.
Ông Bernardino nói quân đội Philippines cần phải huấn luyện ráo riết và đặt tàu bè vào thế sẵn sàng. Ông cho rằng các tàu tuần duyên cũ hàng chục năm trước đây của Hoa Kỳ đang bị “cố ý thử thách” vào lúc chúng được chuyển thành các chiến hạm. Ông nói:
“Quý vị có thấy những chiếc tàu này không? Khả năng của chúng là phát hiện máy bay, phát hiện tàu ngẩm, phát hiện những phương tiện trên mặt biển và tìm cách lên tàu và truy lùng.”
Các chiến hạm, đậu tại căn cứ hải quân cũ của Hoa Kỳ ở Vịnh Subic, đang được trang bị lại bằng súng đại bác và có những trực thăng hộ tống mới tinh của Italia mà các giới chức nói là sẽ có tác dụng như một cặp mắt thứ hai từ trên không. Ông Bernardino nói các máy bay trực thăng cũng sẽ có khả năng đáp xuống các tàu khác, đưa các toán nhân viên để truy tầm hàng cấm trên tàu.
Trung úy Rommel Rodriguez là phát ngôn viên Hải quân Philippines đặc trách các cuộc tập trận được đặt tên là CARAT (là mẫu tự đầu của cụm từ tiếng Anh Cooperation Afloat Readiness and Training - Huấn luyện và Chuẩn bị Hợp tác trên tàu). Ông thường xuyên tham gia công tác huấn luyện hỗn hợp và nói ông đã nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt với việc có khả năng sử dụng các cơ cụ mới. Trung úy Rodriguez cho biết:
“Các máy bay trực thăng này có khả năng rà soát một vùng biển rộng trong một khoảng thời gian chớp nhoáng, cung cấp thông tin và tọa độ cho các tàu đang hoạt động trong vùng, giúp chúng ta đạt được thêm hiệu năng. Nó làm giảm bớt chi phí hoạt động, và vì thế đỡ tốn kém hơn.”
Các giới chức nói họ đang tập trung vào việc theo dõi các vùng biển xung quanh tốt hơn. Với ngân sách 1,9 tỷ đôla, quân đội Philippines tập trung vào việc xây dựng “vị thế phòng vệ khả tín tối thiểu” trong khi phải đối diện với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền vùng Biển Ðông.
Với tuyên bố dự chi 132 tỷ đôla cho quân đội trong năm nay, Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển, dựa vào các bản đồ cổ xưa và sổ sách lịch sự. Trong mấy tháng vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động lấn đất tại nhiều hòn đảo, mà các giới chức nghi là sẽ hỗ trợ cho hoạt động quân sự. Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Ðài Loan cũng nhận chủ quyền vùng biển được cho là chứa nhiều trữ lượng dầu khí này.
Phân nửa quân lực Philippines có căn cứ trên bộ, trong khi khoảng 1 phần 4 tập trung vào biển và 1 phần 4 còn lại vào không phận. Tại một quốc gia mà sự chú trọng vào quân đội từ nhiều chục năm nhắm vào cuộc nổi dậy và phiến quân trong nước, chuyển qua việc bảo vệ chủ quyền có nghĩa là hiện đại hóa và phải thực hiện điều đó một cách mau chóng. Cách đây 2 năm, Tổng thống Benigno Aquino đã loan báo tăng 1,7 tỷ đôla cho chương trình hiện đại hóa quân đội, trải ra trong 5 năm.
Chuyên gia về an ninh Rommel Banlaoi là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố của Philippines. Ông nói hiệp ước quân sự vừa ký kết giữa Hoa Kỳ và Philippines sẽ đem lại một sự tăng cường mạnh cho khả năng hàng hải:
“Thông qua các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, Philippines cũng trông đợi chuyển đối không những các kỹ năng mà cả một số kỹ thuật, nhất là kỹ thuật thám báo.”
Hiệp ước bao gồm các cuộc viếng thăm của binh sĩ Hoa Kỳ, các cuộc tập trận bổ sung, dự trữ chất liệu Mỹ và các cơ sở do Mỹ xây dựng bên trong các căn cứ của Philippines.
Nhưng ông Carl Baker của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược nói ngay lúc này, Philippines nên tập trung vào việc kiểm tra thay vì chiếm lãnh thêm hải phận.
“Nó trở thành một vấn đề các nước tranh chấp đòi quyền hợp pháp và Hải quân không phải là tổ chức thích đáng để thực thi các quyền đó trong các hải phận.”
Philippines đã đặt mua 10 tàu tuần duyên của Nhật Bản và dự kiến sẽ nhận hàng trước năm 2017.
Các cuộc thao diễn hải quân hỗn hợp năm nay diễn ra tại vùng nước ngay phía nam Bãi cạn Scarbourough, nơi vào năm 2012, một cuộc giằng co giữa Philippines và Trung Quốc đã kết thúc với việc Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn. Ðịa điểm giàu thủy sản này nằm cách Philippines khoảng 225 kilomet về phía tây và cách Trung Quốc khoảng 400 kilomet.
Các giới chức cho biết việc huấn luyện trong vùng bãi cạn này là thường lệ.