Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ mở rộng chương trình trợ giúp Lào


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tại Vientiane, ngày 25/1/2016.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tại Vientiane, ngày 25/1/2016.

Hoa Kỳ đang tăng cường nỗ lực giúp Lào đối phó với những vấn đề như nạn đói, mìn chưa nổ, và tiếp cận kỹ thuật vùng hạ lưu sông Mekong.

Ngoại trưởng John Kerry phác thảo các chương trình vừa kể trong một chuyến thăm thủ đô Vientiane của Lào hôm nay. Ông Kerry cũng nói về những thách thức bên ngoài châu Á, trong đó có những cuộc hòa đàm Syria đã được hoạch định.

Ông Kerry đưa nhận định với các phóng viên sau khi gặp các giới chức, trong đó có Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong và Ngoại trưởng Thongloun Sisoulith của Lào.

Các cuộc hội đàm đặt nền tảng cho một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt của ASEAN, tức Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, vào tháng tới ở California dưới sự chủ trì của Tổng thống Barack Obama.

Ông Kerry cho biết Hoa Kỳ đang phát động một chương trình 6 triệu đôla giúp Lào cung cấp các bữa ăn ở các trường học khắp Lào, nhằm chống tình trạng đói kém, đã là trẻ em ở Lào chậm lớn.

Ông Kerry cảm ơn thủ tướng Lào đã giúp giải quyết những vấn đề có liên quan đến cuộc Chiến tranh Việt Nam, trong đó có hàng tấn bom mìn chưa nổ do các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ thả xuống lãnh thổ Lào.

Có ước chùng 30 phần trăm bom mìn chưa nổ, gây tử vong cho hàng chục ngàn người trong nhiều năm kể từ khi đó.

Ông Kerry nói Hoa Kỳ đang cứu xét gia tăng thêm ngân khoản hiện thời là 19,5 triệu đôla tài trợ cho Lào trong công cuộc tháo gỡ mìn. Ông Kerry nói trong khi con số người bị thương hay tử vong vì mìn đạn chưa nổ đã giảm sút đáng kể, đó vẫn là một vấn đề ở Lào.

Ông cũng nói Hoa Kỳ đang hợp tác với Lào về kỹ thuật có thể giúp gia tăng khả năng của vùng hạ lưu sông Mekong, một trong những con sông dài nhất Châu Á chảy qua Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Lào.

Ông Kerry nói, “Đây là một con sông vô cùng quan trọng, một trong những con sông lớn nhất thế giới.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết ông đã nêu lên những mối quan ngại về nhân quyền và quyền tự do phát biểu trong các cuộc đàm phán với các giới chức, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch, nói: “Chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry đến Lào, nơi có một trong những chính phủ áp bức nhân quyền nhiều nhất trong khối ASEAN ắt phải là khởi đầu cho một sự thúc đẩy mạnh mẽ và bền vững của Hoa Kỳ đòi hỏi chính phủ Lào phải tiết lộ tung tích của nhà lãnh đạo NGO Sombath Somphone và chấm dứt tình trạng ngày càng đe dọa đối với xã hội dân sự.”

Lào là chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du 3 quốc gia châu Á của Ngoại trưởng Kerry, trong đó có các chặng dừng khác ở Campuchia và Trung Quốc.

Hòa đàm Syria dự kiến sẽ khởi động nay mai

Ông Kerry nói ngoài việc thảo luận các vấn đề đáng quan tâm trong khu vực, ông cũng đã nói chuyện qua điện thoại với các đối tác của các nước, trong đó có Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, về các cuộc đàm phán theo dự kiến về một cuộc chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu giữa chính phủ Syria và phe đối lập thoạt tiên được định sẽ bắt đầu vào ngày hôm nay ở Geneva. Nhưng các bất đồng về thành phần của phe đối lập đã làm trì hoãn tiến trình.

Ngoại trưởng Kerry nói Hoa Kỳ đang cứu xét tăng thêm ngân khoản hiện thời là 19,5 triệu đôla tài trợ cho Lào trong công cuộc tháo gỡ mìn.
Ngoại trưởng Kerry nói Hoa Kỳ đang cứu xét tăng thêm ngân khoản hiện thời là 19,5 triệu đôla tài trợ cho Lào trong công cuộc tháo gỡ mìn.

Ông Kerry cho biết ông cũng đã nói chuyện với đặc sứ LHQ ở Syria Staffan de Mistura, và nói rằng ông dự kiến sẽ có tiến bộ về vấn đề khi nào các cuộc đàm phán sẽ khởi sự trong vòng 2 ngày sắp tới.

Ông nói, nguyên văn như sau,“Điều chúng tôi tìm cách thực hiện là bảo đảm rằng chúng tôi tuyệt đối chắc chắn rằng khi các cuộc đàm phán khởi sự, mọi người sẽ biết rõ về các vai trò và những gì đang xảy diễn, ngõ hầu không đến phó hội trong tình trạng thắc mắc hay thất bại.”

Ông Kerry cũng cho biết Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria, từng ủng hộ nỗ lực của LHQ, đã dự kiến họp lại vào ngày 11 tháng 2.

Trước khi gặp ông Thammavong, ông Kerry đã đi thăm chùa Stupa ở That Luang, là ngôi chùa Phật giáo quan trọng nhất ở Lào, được cho là chứa di tích một mảnh xương ngực của Đức Phật.

Lào vừa tiếp nhận chức chủ tịch ASEAN. Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN do Hoa Kỳ chủ trì cũng sẽ là một trọng điểm đối với ông Kerry trong chặng dừng tiếp theo là Campuchia, một nước khác trong khối ASEAN.

Vào cuối năm nay, Tổng thống Obama cũng sẽ đến Lào dự một cuộc họp thượng đỉnh khác của ASEAN, và ông sẽ là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Lào.

Bắc Triều Tiên là một trọng điểm khác

Ông Kerry cũng sẽ đi thăm Bắc Kinh trong chuyến công du này, diễn ra ngày sau khi Bắc Triều Tiên bị quốc tế lên án trong tháng này vì đã thử nghiệm cái họ gọi là một thiết bị hạt nhân, lần thứ tư kể từ năm 2006.

Ông Scott Snyder, một chuyên gia phân tích về Triều Tiên thuộc Hội đồng Đối ngoại, nêu nhận định: “Một điều lạ lùng là mỗi lần Bắc Triều Tiên tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân, thì đó lại là một thời cơ để Hoa Kỳ tìm cách thuyết phục Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn trong việc trừng phạt Bắc Triều Tiên.”

Hoa Kỳ vẫn hối thúc Trung Quốc, là một cái phao kinh tế đối với Bắc Triều Tiên, vận dụng ảnh hưởng của mình để đòi Bình Nhưỡng đình chỉ điều mà các nhà lãnh đạo thế giới coi là hành động khiêu khích. Ngoài ra, Hội đồng Bảo an LHQ, mà Trung Quốc là một thành viên, cũng đang cứu xét việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Ông Kerry cho biết ông trông đợi sẽ có một cuộc đối thoại “vững vàng” và “nghiêm túc” với các đối tác Trung Quốc về vấn đề này.

Ông nói, “Đó là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trên hành tinh ngày nay, một mối đe dọa an ninh rõ ràng là nguy hiểm và vượt ra ngoài tầm kiểm soát đang diễn biến trong tay của một kẻ đáng nghi ngờ về mặt phán đoán.”

Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng mưu tìm một giải pháp ôn hòa cho một vụ tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.

Trước đây trong tháng này, căng thẳng khu vực đã bùng ra khi Trung Quốc thử nghiệm một phi đạo trên một trong các hòn đảo nhân tạo trong khu vực. Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Đài Loan, Việt Nam và Philippines, có những khẳng định chủ quyền chồng chéo trong vùng Biển Đông này.

Châu Á là chặng dừng thứ hai trong chuyến công du 5 quốc gia của ông Kerry, với các chặng dừng khác ở Thụy Sĩ và Ả Rập Xê-út.

VOA Express

XS
SM
MD
LG