Hoa Kỳ hôm 23/7 cùng với Litva, Latvia và Estonia phản đối nỗ lực của Nga nhằm “viết lại lịch sử” sau khi Tổng thống Vladimir Putin nói rằng các nước Baltic đã đồng ý sáp nhập vào Liên Xô vào năm 1940.
“Chúng tôi kiên quyết chống lại mọi nỗ lực của Nga trong việc viết lại lịch sử nhằm biện minh cho sự chiếm đóng và sáp nhập các quốc gia vùng Baltic vào năm 1940 của Liên Xô”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo viết trong một tuyên bố chung với các bộ trưởng ngoại giao của ba quốc gia vùng Baltic.
Tuyên bố đánh dấu kỷ niệm 80 năm của tuyên bố năm 1940 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Sumner Welles lên án việc Liên Xô sáp nhập ba nước Baltic.
Bộ Ngoại giao Estonia hôm 23/7 cho biết nước này đã triệu tập đại sứ Nga để phản đối “những tuyên bố gần đây nhằm tìm cách miêu tả sự chiếm đóng Estonia và sáp nhập vào Liên Xô là hợp pháp”.
Tháng trước, ông Putin viết rằng việc kết nạp Litva, Latvia và Estonia vào Liên Xô đã được thực hiện trên cơ sở hợp đồng, với sự đồng ý của các giới chức dân cử”.
“Điều này phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế thời bấy giờ”, lãnh đạo Nga viết trong bài viết cho tạp chí Mỹ The National Interest.
Liên minh châu Âu và NATO cáo buộc Nga tiến hành một chiến dịch bóp méo thông tin để gây bất ổn cho phương Tây bằng cách khai thác sự chia rẽ trong xã hội. Phía Nga phủ nhận mọi chiến thuật như vậy.
Hồi tháng 1, Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng họ sẽ không dung thứ cho việc bóp méo các sự kiện lịch sử sau khi ông Putin đề nghị Ba Lan phải chịu trách nhiệm cho việc bắt đầu Thế chiến thứ hai vì nước này liên quan đến các kế hoạch của Đức Quốc xã vào năm 1938 trong việc chia cắt Tiệp Khắc.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lên án ông Putin về “những lời nói dối lịch sử”.
Năm 1989, trong thời kỳ “Công khai hoá” dưới thời nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, Moscow bác bỏ hiệp ước bí mật 1939 giữa Liên Xô và Đức Quốc xã là nhằm khắc chế Ba Lan và các nước Baltic, cho phép Liên Xô sáp nhập khu vực.
Litva, Estonia và Latvia đều giành lại độc lập khi Liên Xô sụp đổ và hiện là thành viên của cả EU và NATO.