Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) mới khởi động hai dự án ở Việt Nam để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Đại sứ quán Mỹ hôm 27/4 cho biết, dự án đầu tiên có tên gọi Quản lý Rừng bền vững, do DAI Global, công ty phát triển kinh tế và xã hội có trụ sở ở Hoa Kỳ, thực hiện, với “mục tiêu giảm phát thải khí carbon do mất rừng, suy thoái rừng và các hoạt động quản lý bất cập đối với công tác trồng rừng lấy gỗ tại 7 tỉnh”.
Theo cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội, dự án này “sẽ tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam trong việc chống lại tội phạm về rừng như khai thác gỗ trái phép” cũng như “cải thiện sinh kế cho 60.000 người trong các cộng đồng sống dựa vào rừng” và “cải thiện công tác quản lý đối với hơn 250.000 hecta rừng”.
Tin cho hay, dự án thứ hai gọi là Bảo tồn Đa dạng sinh học, do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế thực hiện, “sẽ bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu, duy trì và nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ và ổn định các quần thể động, thực vật hoang dã”.
Dự án này được phía Mỹ kỳ vọng “sẽ nâng cao năng lực cho các nhóm cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng nhằm phát hiện và ngăn chặn nạn buôn bán động, thực vật hoang dã, cải thiện cơ hội kinh tế cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và cải thiện công tác quản lý đối với 700.000 hecta rừng”.
Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết rằng hai dự án trên sẽ giúp bảo tồn hơn 950.000 hecta diện tích rừng tại 12 tỉnh của Việt Nam, và rằng “những khu rừng khỏe mạnh hơn, đầy đủ hơn cùng tính đa dạng sinh học cao có vai trò quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính”.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đối khí hậu do Tổng thống Joe Biden chủ trì tuần trước, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “tại Việt Nam, riêng trong 2020, thời tiết cực đoan đã cướp đi hàng trăm sinh mạng và xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng”.
Cổng thông tin chính phủ trích lời ông Phúc nói thêm rằng đến 2030, Việt Nam “cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương”.