Một cơ quan chuyên trách về phát triển quốc tế của Hoa Kỳ mới thông báo đã giúp tăng cường các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến cho trẻ em khuyết tật của Việt Nam trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết rằng dự án “Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật” do cơ quan này tài trợ “đã triển khai hoạt động hỗ trợ trực tuyến nhằm đảm bảo các dịch vụ chất lượng vẫn được cung cấp đều cho trẻ khuyết tật và gia đình các em tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai”.
USAID hôm 13/8 cho biết rằng việc tăng cường dự án trên được tiến hành vì các quy định về cách ly và phong tỏa để phòng chống COVID-19 nên các dịch vụ tại chỗ cho trẻ khuyết tật và hỗ trợ trực tiếp cho cha mẹ các em và người chăm sóc “đã bị gián đoạn”, trong khi việc “duy trì chăm sóc liên tục là một yếu tố rất quan trọng trong điều trị cho trẻ khuyết tật”.
Cơ quan của Hoa Kỳ nói thêm rằng một chuỗi tập huấn gồm 24 khóa học và hỗ trợ kỹ thuật về giáo dục đặc biệt, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu đã được cung cấp cho hàng trăm học viên là cha mẹ và người chăm sóc của các em thông qua các phiên học trực tuyến và điện thoại di động, kết nối trực tiếp với giảng viên để được hướng dẫn và hỗ trợ.
USAID cho biết tiếp rằng cơ quan này “đang tìm kiếm các giải pháp để cung cấp dịch vụ cho các gia đình không có kết nối Internet hoặc điện thoại di động”.
Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, với hỗ trợ từ USAID, các dịch vụ quan trọng đã được duy trì cho khoảng 1.600 trẻ khuyết tật, và rằng dưới sự giám sát chuyên môn và hỗ trợ của các chuyên gia và giảng viên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ khuyết tật có thể tham gia tích cực hơn và cung cấp chăm sóc can thiệp nhiều hơn.
“Những thành quả này cũng cho thấy hỗ trợ trực tuyến là một chiến lược hiệu quả và nên được thực hiện thường xuyên trong việc cung cấp các dịch vụ dành cho người khuyết tật”, USAID viết trong một thông cáo.
Bộ Y tế Việt Nam hồi tháng Tư năm ngoái thông báo ban hành Sổ tay “Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) đối với người khuyết tật tại cộng đồng”.
Bộ này nói rằng cộng đồng người khuyết tật là “nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội” và Việt Nam “đã không bỏ rơi họ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới và diễn biến ngày càng phức tạp”.
Trước khi tăng cường hỗ trợ trực tuyến cho trẻ khuyết tật Việt Nam, USAID cũng đã hỗ trợ cải thiện tiếp cận và quyền của người khuyết tật nói chung.
Với sự hợp tác của USAID cùng với các tổ chức phi chính phủ trong nước cũng như chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, dự án “Tăng cường cơ hội và Nâng cao vị thế cho người khuyết tật” đã giúp “nâng cao nhận thức về bình đẳng và hòa nhập người khuyết tật, hỗ trợ tăng cường thực thi chính sách về người khuyết tật và thành lập mô hình Nhà trung chuyển tại Việt Nam giúp người khuyết tật phục hồi chức năng và tăng cường kỹ năng sinh hoạt hàng ngày”.
Theo USAID, “dự án cũng hỗ trợ xây dựng và triển khai bộ tiêu chí thiết kế phổ quát trong giao thông và xây dựng, nhờ đó đã có nhiều nhà chờ xe buýt tiếp cận và đường dốc tiếp cận tại các công trình công cộng và tại nhà người khuyết tật”.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho biết rằng “hơn 6.000 người khuyết tật và gia đình của họ đã nhận được hỗ trợ của USAID và hưởng lợi từ việc tăng cường tiếp cận, dịch vụ phục hồi chức năng được cải thiện, tự tin và hòa nhập xã hội nhiều hơn”.
Năm 2019, Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc công bố kết quả Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật tại Việt Nam, trong đó cho biết rằng “hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật” và rằng “có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật”.
Tới nay, Mỹ là nước tài trợ nhiều nhất cho Việt Nam liên quan đến dịch COVID-19, với gần 21 triệu đôla, 5 triệu liều vắc-xin Moderna cũng như các hỗ trợ kỹ thuật. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hôm 5/8 tuyên bố trên trang Facebook rằng Hoa Kỳ "cam kết hỗ trợ Việt Nam chiến thắng COVID-19”.