Đường dẫn truy cập

Hòa đàm Afghanistan phơi bày sự chia rẽ giữa các thủ lĩnh Taliban


Chính phủ Afghanistan cáo buộc chiến binh Taliban dùng biên giới Pakistan để chỉ huy và nâng đỡ phe nổi dậy.
Chính phủ Afghanistan cáo buộc chiến binh Taliban dùng biên giới Pakistan để chỉ huy và nâng đỡ phe nổi dậy.

Có những dấu hiệu cho thấy chia rẽ đào sâu thêm trong phe Taliban ở Afghanistan sau khi một người phát ngôn phủ nhận rằng các cuộc hòa đàm giữa các giới chức Afghanistan và các thủ lãnh cao cấp của Taliban được sự cho phép của nhóm này.

Tuần này, cố vấn an ninh quốc gia Pakistan Sartaj Aziz, xác nhận rằng các nhà thương thuyết đã họp tháng trước ở Urumqi, Trung Quốc và sẽ họp lại vào cuối tháng này để giúp chấm dứt tình trạng thù nghịch ở Afghanistan và phục hồi tiến trình hòa bình quốc gia.

Tuy nhiên hôm nay nhóm chủ chiến đã hạ giảm tầm quan trọng của các cuộc họp.

“Nếu một điều gì như thế xảy ra hay được hoạch định cho tương lai thì chính là sự vi phạm cá nhân, mà không thể đại diện cho Tiểu vương quốc Hồi giáo (danh xưng phe Taliban dùng cho chính phủ đã bị lật đổ của mình)” Đó là nội dung thông cao của cái gọi là Hội đồng Lãnh đạo của phe Taliban gửi bằng điện thư cho giới truyền thông, gồm cả VOA.

Cố vấn an ninh quốc gia Pakistan, Sartaj Aziz,k tuần này ra điều trần trước ủy ban ngoại vụ Quốc Hội, hạ viện, khai rằng Islamabad đã sắp xếp một cuộc họp mật hồi tháng trước giữa các nhà thương thuyết hòa bình Afghanistan và các thành viên của nhóm Hồi giáo ở thành phố Urumqi miền tây bắc Trung Quốc.

Song phe Taliban trong thông cáo hôm nay giải thích rằng giói lãnh đạo của họ không cho phép cuộc họp ở Trung Quốc. Phe này nói các giới chức làm việc ở “văn phòng chính trị” của họ ở Qatar chỉ được phép tiến hành chính sự và mở các cuộc họp nhân danh phe nổi dậy.

‘Điều cũng hết sức rõ ràng là Tiểu vương quốc Hồi giáo có một văn phòng chính trị dành cho các vấn đề chính trị, chịu trách nhiệm xử lý tất cả các hoạt động chính trị nội bộ và bên ngoài có liên quan đến Tiểu vương quốc Hồi giáo.

Phe Taliban đã xác nhận những cuộc giao tiếp mới đây với các nhà lập pháp Afghanistan, các nhà hoạt động nhân quyền và hòa bình xã hội dân sự cũng như các giới chức Liên Hiệp Quốc ở Qatar, Na Uy và Dubai. Nhưng cho đến giờ này phe Taliban vẫn chưa bình luận về cuộc họp ở Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương nhiều bất ổn của Trung Quốc giáp ranh với cả Pakistan và Afghanistan.

Phái đoàn của Kabul tại các cuộc đàm phán 2 ngày được lãnh đạo bởi Mohammad Masoom Stanikzai, cho đến lúc đó vẫn là một thành viên chính của Hội đồng Hòa bình Tối cao có trách vụ thương nghị hòa bình với phe Taliban.

Ông Stanikzai sau đó đã được Tổng thống Ashraf Ghani bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng và đang chờ được quốc hội phê chuẩn.

Tin cho hay các giới chức Taliban, trong đó có Mullah Mohammad Hassan, Rahmani, Mullah Abdul Razak và Mullah Abdul Jalil, đã dự cuộc họp. Tất cả đều làm việc ở Pakistan. Có tin cơ quan gián điệp Pakistan cũng có đại diện trong các cuộc đàm phán.

Cuộc họp ở Urumqi cũng nêu bật công tác ngoại giao được tăng cường để thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở Afghanistan, mặc dù các giới chức ở Bắc Kinh không bình luận về cuộc họp này.

Sự tiếp xúc của Tổng thống Afghanistan, ông Ghani, nhằm xác lập lại bang giao với nước Pakistan láng giềng sau nhiều năm nghi ngờ và mất lòng tin lẫn nhau đang được cho là có công góp phần vào loạt hội họp mới đây với các nhà lãnh đạo của phe nổi dậy. Sự hỗ trợ của Islamabad được coi là cấp thiết cho việc thúc đẩy hòa bình Afghanistan bởi vì phần lớn giới lãnh đạo Taliban đều có cơ sở ở Pakistan kể từ khi nhóm Hồi giáo này bị lật đổ vào năm 2001. Phía Afghanistan cáo buộc chiến binh Taliban đã dùng biên giới Pakistan để chỉ huy và nâng đỡ phe nổi dậy.

Tuy nhiên, các giới chức Pakistan nói việc Taliban gia tăng bạo động mới đây ở Afghanistan tiêu biểu cho “trở ngại lớn nhất” trên đường tiến đến hòa bình.

Các giới chức cấp cao chính phủ nói với VOA rằng với thời gian, ảnh hưởng của Pakistan với các phần tử nổi dậy Taliban cũng “dần dần co cụm lại bởi vì sự xuất hiện của một loạt chỉ huy chiến trường mới.” Họ nhấn mạnh rằng nhiều viên chỉ huy Taliban này “hành động độc lập đối với giới lãnh đạo chính trị Taliban do đó khó mà đưa tất cả bọn họ vào một khối để đàm phán với chính phủ ở Kabul.

Tuần này, các giới chức Afghanistan nói với Liên Hiệp Quốc ở New York rằng một luồng chiến binh nước ngoài khoảng 7.000 người đổ vào Afghanistan đang gây khó khăn cho lực lượng an ninh trong nước. Các giới chức Liên Hiệp Quốc và Afghanistan cho rằng luồng chiến binh này là hậu quả của chiến dịch quân sự Pakistan nhắm vào các cứ địa của Taliban ở bên kia biên giới.

Hôm thứ ba, các nhà lập pháp Afghanistan cáo buộc cơ quan gián điệp Pakistan ISI là đứng sau vụ tấn công của Taliban trong tháng này nhắm vào quốc hội Afghanistan. Họ tố cáo rằng viện lập pháp bị trừng phạt vì chống đối một thỏa thuận chia sẻ tình báo mà Cơ quan An ninh Quốc gia Afghanistan vừa ký kết với ISI. Pakistan chưa bình luận về những cáo buộc nhưng đã gay gắt lên án vụ tấn công của Taliban vào quốc hội ở Kabul là một vụ tấn công khủng bố.

Các nhà phân tích nói việc Pakistan tiết lộ các nỗ lực bí mật để đưa phe Taliban đến bàn thương nghị có thể là kết quả của sự chỉ trích ngày càng tăng ở Afghanistan cho rằng Islamabad không đáp lại “những cử chỉ và bước đi lịch sử” của ông Ghani nhằm quảng bá quan hệ song phương không có căng thẳng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG