Đường dẫn truy cập

Hình ảnh Cờ Vàng và dân quyền


سری لنکا میں بارشوں اور مٹی کے تودے گرنے سے ہلاکتوں کی تعداد 200 ہو گئی ہے۔
سری لنکا میں بارشوں اور مٹی کے تودے گرنے سے ہلاکتوں کی تعداد 200 ہو گئی ہے۔

Chiều ngày 14/7 vừa qua, Đại sứ Mỹ Ted Osius đã đến San Jose gặp gỡ cộng đồng người Việt và có một sự việc khiến một người tham dự bất bình là cô Đỗ Minh Ngọc.

Theo lời cô Ngọc, khi đến dự buổi thảo luận với Đại sứ Osius, trước khi vào phòng họp của hội đồng thành phố, tại cửa cô đã bị một nhân viên yêu cầu cởi bỏ và tịch thu dây vải có hình cờ vàng ba sọc đỏ và cờ Mỹ mà cô đang đeo trên người.

Trong buổi hội luận, khi có cơ hội nêu câu hỏi, cô Ngọc lấy trong xách tay ra một dây khác giống như dây đã bị tịch thu và hỏi rằng nhân viên của Nghị viên Ash Kalra – người điều hợp chương trình – khi yêu cầu cô cởi dây đó ra rồi mới cho vào cửa, như thế có vi phạm nhân quyền của cô hay không? Vì biểu tượng đó đã được nhiều đơn vị hành chánh tại Mỹ và ngay cả thành phố San Jose công nhận đó là biểu tượng của người Việt tự do tại đây.

Cô đưa ra thí dụ, là người công giáo nên cô luôn mang trên người những biểu tượng của đạo này. Vì lúc nào cũng nghĩ mình là người Việt tự do nên cô cũng thường mang trên mình biểu tượng là hình ảnh cờ vàng.

Cô trình bày thắc mắc của mình bằng tiếng Việt, Đại sứ Ted Osius hiểu rõ và cũng đã trả lời ngay bằng tiếng Việt rằng việc cô đeo trên mình biểu tượng và lá cờ đó không có vấn đề gì, ông tuyệt đối tôn trọng biểu tượng đó.

Sau đó ông giải thích bằng tiếng Anh cho mọi người tham dự hiểu rằng chính ông đã yêu cầu không treo lá cờ vàng ba sọc đỏ trong phòng họp, vì theo lời ông, nếu khi chụp hình ông với lá cờ đó ở phía sau hay phía trước của bục diễn thuyết thì ông sẽ bị cho về nước, vì ông là đại diện ngoại giao được ủy nhiệm đại diện cho Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam.

Nghe ông đại sứ giải thích như thế, có một người đã bỏ phòng họp ra về là bác sĩ Phạm Đức Vượng, thành viên trong ban chấp hành Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa tại hải ngoại.

Sau khi cô Đỗ Minh Ngọc lên tiếng về vụ việc, cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở San Jose có nhiều quan tâm.

Ông Đỗ Thành Công, một ứng cử viên đang tranh chức dân biểu tiểu bang, tuy không tham dự buổi gặp gỡ với Đại sứ Ted Osius, sau khi biết được sự kiện ông đã trả lời phóng viên Nguyễn Xuân Nam của đài truyền hình Calitoday và chỉ trích cách giải thích như thế của Đại sứ Osius là điều chứng tỏ ông không xứng đáng làm đại diện cho Hoa Kỳ hay cho công dân Mỹ, trong đó có công dân gốc Việt, tại Hà Nội.

Ông Công nói, nếu hôm đó ông đi tham dự và vì trên áo lúc nào cũng đeo huy hiệu vận động tranh cử của ông, trên đó có cờ vàng, nếu bị yêu cầu gỡ ra, ông sẽ bỏ về ngay.

Tiến sĩ Đỗ Hùng, Chủ tịch của Little Saigon San Jose Foundation, trong một điện thư gửi cho Dân biểu Zoe Lofgren đã phản đối việc làm của đại sứ Mỹ và yêu cầu bà dân biểu lên tiếng với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để làm sáng tỏ vụ việc.

Vấn đề đang được chú ý là ai là người đã yêu cầu cô Đỗ Minh Ngọc cởi bỏ dây đeo và việc làm của người này có vi phạm quyền tự do phát biểu của cô Đỗ Minh Ngọc hay không?

Trong một thư khiếu nại đề ngày 20/7 gửi đến Nghị viên Ash Kalra, là người điều hợp buổi thảo luận, cô Ngọc cho rằng nhân viên của Nghị viên Kalra đã làm cô “rất ngạc nhiên, đau đớn và cảm thấy bị xúc phạm khi phụ tá của ông yêu cầu tôi tháo ra và thậm chí tịch thu chiếc dây đeo cổ của tôi có ký hiệu của cờ Hoa Kỳ và Cờ Vàng.”

Nghị viên đã Kalra trả lời ngay thư của cô Ngọc, cho biết ông không ra lệnh cho ai làm việc đó và không một nhân viên nào của ông đã yêu cầu cô cởi bỏ sợi dây đang đeo.

Thư trả lời của Nghị viên Kalra xác nhận một cách mạnh mẽ rằng ông tôn trọng biểu tượng cờ vàng và trong nhiều dịp ông đã tôn vinh biểu tượng này của cộng đồng người Việt. Ông xác quyết rằng không phải Thị trưởng Sam Liccardo hay bất cứ nhân viên nào của thành phố đã yêu cầu gỡ bỏ biểu tượng cờ vàng mà chính thành phố San Jose đã công nhận và thường treo trong khuôn viên tòa thị chính.

Sau khi đọc thư phúc đáp của Nghị viên Ash Kalra, cô Đỗ Minh Ngọc lại viết thêm một thư nữa. Cô nói vì khi Nghị viên Kalra viết như thế, những ai không tham dự buổi hội thảo có thể cho rằng cô là người nói dối về vụ việc.

Tác giả bài này khi bước vào cửa phòng họp hôm đó và có thấy cô Ngọc đang tháo sợi dây vải ra. Sau khi đọc được thư khiếu nại của cô gửi Nghị viên Kalra, đồng kính chuyển đến thị trưởng Sam Liccardo và toàn thể hội đồng thành phố San Jose, người viết bài đã điện thoại hỏi cô để biết rõ hơn vụ việc.

Trả lời phỏng vấn, cô nói những ai có mặt hôm đó thì thấy một phụ nữ đưa mi-crô cho cô nêu câu hỏi, người phụ nữ này chính là người đã yêu cầu cô tháo dây ra trước khi cho vào cửa. Cô kể thêm chi tiết: “Sau khi nêu thắc mắc và nghe ông đại sứ trả lời xong, cô ngồi xuống thì chính người phụ nữ đó đã đến nói nhỏ với cô là khi xong buổi thảo luận cô ấy sẽ trả lại sợi dây.”

Cô Ngọc cho rằng việc yêu cầu cô tháo dây đeo và tịch thu nó là vi phạm nhân quyền và cô kể lại vài kinh nghiệm:

“Mười mấy năm trước Ngọc có đi dự phiên toà của bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (Ghi chú: một phụ nữ Việt từ Pháp đến Hoa Kỳ với ý định tấn công Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cách đây hơn 10 năm và bị kết án tù tại Mỹ), khi bước vô toà án hay nhà tù thì những lá cờ bằng giấy, bằng vải họ [an ninh] tịch thu hết. Nhưng những chiếc khăn choàng đan bằng len, một bên cờ Mỹ một bên cờ Việt [cờ vàng], mười mấy người đi qua hết, họ không chặn lại, không nói gì hết. Mới đây, hôm lên thủ phủ Sacramento cả trăm người đeo cái dây đó không có trở ngại gì mà ở đây người ta lại yêu cầu Ngọc cửi ra.”

Chiều ngày 23/7, Tiến sĩ Edwin T. Tan từ văn phòng của Dân biểu Liên bang Mike Honda đã trả lời cô Đỗ Minh Ngọc rằng Nghị viên Ash Kalra không liên quan gì đến việc cô bị yêu cầu tháo dây đeo trên người.

Cô Đỗ Minh Ngọc, mặc áo dài, nói người phụ nữ cầm mi-crô đứng cạnh là người đã yêu cầu cô tháo dây đeo và tịch thu trước khi cho cô vào tham dự thảo luận (ảnh Bùi Văn Phú)
Cô Đỗ Minh Ngọc, mặc áo dài, nói người phụ nữ cầm mi-crô đứng cạnh là người đã yêu cầu cô tháo dây đeo và tịch thu trước khi cho cô vào tham dự thảo luận (ảnh Bùi Văn Phú)

Sau khi xác nhận Đại sứ Ted Osius, Dân biểu Mike Honda và Nghị viên Ash Kalra luôn tôn trọng biểu tượng cờ vàng là biểu tượng của người Việt tự do, thư của Tiến sĩ Tan cho biết buổi gặp gỡ giữa cộng đồng với Đại sứ Ted Osius là một công tác do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chịu trách nhiệm và văn phòng Dân biểu Mike Honda – người đứng ra tổ chức buổi gặp gỡ với đại sứ – đã “được Bộ Ngoại giao cho biết là ông đại sứ không thể chụp hình chung với bất cứ biểu tượng nào của Lá cờ của Người Việt Tự do. Điều này không có nghĩa là đại sứ không tôn trọng nó, nhưng vì ông là một nhà ngoại giao.”

Theo thư này, vì có nhiều người chụp ảnh trong buổi hội luận, việc ông đại sứ tình cờ chụp hình mà có cờ của người Việt tự do trong đó rất có thể làm hỏng quan hệ giữa ông với chính quyền Việt Nam.

Giải thích từ văn phòng Dân biểu Mike Honda cũng tương tự như những gì Đại sứ Ted Osius đã trả lời cô Đỗ Minh Ngọc trong buổi thảo luận.

Ngày 24/7 Dân biểu Mike Honda và Dân biểu Zoe Lofgren cũng đã đồng ký tên vào một thư gửi cho Ngoại trưởng John Kerry yêu cầu Bộ Ngoại giao giải thích rõ vì sao người dân khi đến tham dự buổi hội thảo với Đại sứ Ted Osius hôm 14/7 không được mang biểu tượng cờ vàng.

Lá thư viết: “Chúng tôi hiểu rằng chính sách hiện nay của Hoa Kỳ là không công nhận cờ vàng và không cho phép treo cờ đó tại các cơ sở thuộc về liên bang, tuy nhiên buổi họp cộng đồng hôm 14/7 không diễn ra tại một cơ sở liên bang. Chúng tôi cũng được biết rằng tại những buổi gặp gỡ công cộng với cộng đồng người Việt trước đây ở Quận Cam và ở San Jose, cựu Đại sứ David Shear đã có hình chụp ông với hình ảnh của lá cờ vàng.”

Hai dân biểu yêu cầu Ngoại trưởng Kerry giải thích rõ vì sao, theo những yêu cầu của viên chức Bộ Ngoại giao, cử tri của khu vực đã bị cấm đoán trưng bày hoặc mang trên người lá cờ vàng khi đến tham dự buổi gặp gỡ hôm 14/7 tại phòng họp của hội đồng thành phố San Jose.

Qua vụ việc xảy ra với cô Đỗ Minh Ngọc, nhiều người trong cộng đồng đã lên tiếng và các dân cử đã phải quan tâm. Cốt lõi của vấn đề là dù quan điểm của chính phủ Mỹ ra sao trong quan hệ với nhà nước Việt Nam – hay với bất cứ một chính quyền nào trên thế giới – sự việc một người dân đến tham dự buổi thảo luận công khai với một giới chức Mỹ mà đeo trên người biểu tượng của một cộng đồng và đã bị tịch thu, chỉ vì nó có thể không đem lại điều tốt đẹp cho quan hệ hai nước, như thế quyền tự do phát biểu của người dân, như ghi trong Tu chính án Số 1 có đã bị vi phạm hay không?

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG