Đường dẫn truy cập

Hiệu ứng gợn sóng về kinh tế của chính sách tiền tệ Mỹ trong năm 2015


Vòng cuối cùng của việc nới lỏng định lượng, còn gọi là QE3, của Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, đã kết thúc vào tháng 10 năm nay. Nhưng tác động của sự kích cầu tiền tệ của ngân hàng trung ương dường như sẽ tạo nên các gợn sóng trong nền kinh tế toàn cầu vào năm 2015. Trong khi hầu hết các chuyên gia nói rằng chương trình mua cổ phiếu hàng loạt đã giúp ổn định nền kinh tế Mỹ, việc này cũng đã đưa hàng tỷ đô la vào các nền kinh tế đang trỗi dậy. Nhưng vào lúc năm 2014 sắp khép lại, một số nguồn tiền đó đang quay trở lại nước Mỹ.

Kề từ năm 2008, ngân hàng trung ương Mỹ đã bơm gần 4.000 tỷ đôla vào nền kinh tế toàn cầu. Ngoài việc tăng cường thanh khoản, sự nới lỏng định lượng cũng đã làm giảm lãi suất của Hoa Kỳ xuống tới các mức thấp kỷ lục. Nhưng thay vì gây ra một sự tăng đột biến về lạm phát như nhiều người đã lo sợ, một số nguồn tiền này đã bắt đầu tuôn vào các quốc gia có mức lời cao. Bà Catherine Mann là kinh tế gia trưởng của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (gọi tắt là OECD). Bà nói:

“Các thị trường đang trỗi dậy là những người hưởng lợi của sự tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư.

Trong số các quốc gia hưởng lợi có các nước thuộc khối BRIC – gồm có Brazil, Russia, Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng giờ đây với lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ tăng cao trong năm tới, theo ông Brad McMillan của Mạng Lưới Tài Chính Thịnh Vượng Chung, một số nguồn tiền này sẽ bắt đầu quay trở lại Hoa Kỳ. Ông nói với VOA qua Skype như sau:

"Do lãi suất của Mỹ bắt đầu tăng, sự hấp dẫn của Mỹ như một điểm đầu tư tiếp tục tăng. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều nguồn tiền đã đổ vào các thị trường đang trỗi dậy có thể quay trở về."

Đó không hẳn là một điều xấu theo ý kiến của bà Catherine Mann của tổ chức OECD:

"Một phần của nguyên nhân tại sao đó là trường hợp xảy ra là vì giảm tốc đã diễn ra trong quá trình tăng tốc của nền kinh tế Mỹ. Do đó các thị trường đang trỗi dậy, thậm chí cả khi nguồn vốn được tái phân bổ, cuối cùng đã hoạt động tốt hơn về mặt xuất khẩu."

Đó là vì một đồng đô la mạnh hơn sẽ làm cho các mặt hàng xuất khẩu của nước ngoài rẻ hơn. Mặt khác, nó dường như cũng sẽ tạo ra độ bất ổn định tăng cao, sự lên xuống trong các thị trường tài chính. Ông Mahamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính Allianz, cho biết như sau:

"Tại sao sự bất ổn định lại trở lại thị trường ngoại hối? Bởi vì chúng ta đang đi từ một thế giới của dịch vụ ngân hàng trung ương đa tốc độ sang dịch vụ ngân hàng trung ương đa nhánh. Trước đây mọi người cùng làm giống nhau, chỉ là ở mức độ khác nhau. Giờ đây chúng ta có 2 ngân hàng trung ương đang giảm tốc độ: đó là ngân hàng trung ương của Anh - Bank of England - và Quỹ Dự Trữ Liên Bang Mỹ, và chúng ta có 2 ngân hàng trung ương khác đang tăng tốc: đó là Ngân hàng Trung Ương Châu Âu ECB và Ngân hàng trung ương Nhật Bản Bank of Japan."

Các chuyên gia nói giá cả trôi nổi là một phần không thể tách rời của sự bình thường hóa kinh tế. Cố vấn tài chính quốc tế, ông James Berkeley nói nó có thể chứng minh một bước ngoặt cho nền kinh tế toàn cầu. Ông nói qua Skype như sau:

"Tôi nghĩ các chính phủ nên thực sự chú tâm vào việc tìm cách tối đa hóa thương mại quốc tế và thực sự tận dụng giai đoạn hồi phục vượt xa hơn này. Chúng ta hiện đang ở trong giai đoạn mà tôi gọi là sự phát triển thật sự bền vững."

Mặc dù còn có khủng hoảng kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới, các chuyên gia nói một nền kinh tế Mỹ mạnh hơn với giá dầu thấp hơn dường như sẽ thúc đẩy sự tiêu thụ. Và khi người tiêu dùng mua nhiều hơn, các nền kinh tế mới nổi hiện đang sản xuất hơn 35% lượng hàng hóa trên toàn thế giới sẽ là những người thắng cuộc trong năm 2015.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG