Đường dẫn truy cập

Hiệu ứng bàng quan


Hiệu ứng bàng quan
Hiệu ứng bàng quan

Liên quan đến vấn đề vô cảm ở Việt Nam hay Trung Quốc, ngoài các lý do chính trị, xã hội, luật pháp và văn hóa mà chúng ta đã bàn, còn một lý do khác thuộc tâm lý xã hội cần được biết: hiệu ứng bàng quan (bystander effect) hay còn được gọi là hội chứng Genovese (Genovese syndrome).

Hai thuật ngữ này đồng nghĩa vì ý niệm hiệu ứng bàng quan được nảy sinh ra từ vụ án Catherine Kitty Genovese ở New York vào năm 1964. Genovese là một cô gái 28 tuổi, đi làm đến 3 giờ sáng mới về nhà trong một chung cư khá đông đúc. Từ chiếc xe đậu dọc đường lên phòng mình, Genovese bị một gã đàn ông tấn công và hãm hiếp. Sự việc xảy ra khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ ngay trước chung cư. Mặc cho Genovese kêu cứu thảm thiết, không có ai cứu giúp cả. Cô bị thương, nằm gục bên lề đường. Mười phút sau, thủ phạm quay trở lại, đâm cô thêm mấy nhát nữa. Vẫn không có ai ra tay.

Cái chết của Genovese, qua sự tường thuật của báo New York Times vào ngày 27 tháng 3 năm 1964, gây chấn động dư luận nước Mỹ thời bấy giờ. Không phải vì bản thân vụ án. Chuyện hãm hiếp hay giết người không xa lạ gì đối với người dân Mỹ. Điều khiến mọi người bàng hoàng kinh ngạc và băn khoăn chính là sự thờ ơ của những người chung quanh. Nhất là sau khi được biết, theo tường thuật của báo chí, lúc ấy, có khoảng 38 người trong chung cư nghe tiếng gào thét của Genovese nhưng vẫn bất động. Sau này, kết quả các cuộc điều tra khác cho thấy con số 38 nhân chứng này có phần hơi phóng đại, bao gồm cả những người chỉ nghe kể lại hơn là nghe tận tai hay nhìn tận mắt những gì xảy ra đêm hôm ấy. Dù vậy, vấn đề vẫn cứ gây nhức nhối: Tại sao những người ấy lại không làm gì cả?

Câu hỏi tại sao ấy theo đuổi nhiều nhà nghiên cứu Mỹ, trong đó, nổi bật nhất là hai nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng John Darkley và Bibb Latané. Từ năm 1968 đến 1980, nghĩa là suốt 12 năm, họ thực hiện hơn bốn chục cuộc thí nghiệm khác nhau (ví dụ dàn cảnh cướp bóc hay đánh đập) để xem phản ứng của người qua đường. Tất cả các cuộc thí nghiệm đều được quay phim. Sau đó họ phân tích phản ứng của những người chung quanh. Năm 2008, hai nhà nghiên cứu khác, Mark Levine và Simon Crowther, lại tiếp tục đề tài đã được Darkey và Latané khởi xướng. Năm 2011, một cuộc điều tra khác, với một quy mô lớn, do giáo sư Peter Fisher và một số đồng nghiệp ở Đức thực hiện (The Bystander-Effect: A Meta-Analytic Review on Bystander Intervention in Dangerous and Non-Dangerous Emergencies), soi sáng nhiều góc cạnh của vấn đề hơn.

Kết quả các cuộc thí nghiệm và điều tra ấy cho thấy có khá nhiều nguyên nhân khiến người ta dửng dưng trước người bị nạn. Trong đó có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là ảnh hưởng xã hội, hoặc còn được gọi là sự “vô tri đa nguyên” (pluralistic ignorance): Tâm lý của con người là, khi chứng kiến một tai nạn, thường nhìn quanh xem phản ứng của người khác. Nếu những người khác ấy không làm gì, người ta cũng nghĩ là bản thân mình cũng không cần làm gì cả. Việc “không làm gì cả” được xem là một lựa chọn tối ưu. Thứ hai là sự khuếch tán trách nhiệm (diffusion of responsibity): Càng có đông người chứng kiến một tai nạn, người ta càng dễ có khuynh hướng cho trách nhiệm cứu giúp là thuộc về ai đó, một người nào khác, chứ không phải mình. Nhất là, người ta dễ nghĩ, trong đám đông, có những người có khả năng và thích hợp hơn (ví dụ: cảnh sát, bác sĩ hay y tá). Cuối cùng, vì ai cũng nghĩ thế, nên không ai làm gì. Thành ra dửng dưng.

Điều cần chú ý là hiệu ứng bàng quan không chỉ xảy ra khi người ta đối diện với những tai nạn cụ thể, ngay trước mắt. Nó còn được áp dụng cho những trường hợp lớn hơn, mang tầm vóc thế giới: Khi chứng kiến những tai nạn hay những tội ác lớn ở một quốc gia nào đó, như nạn đói khiến cả hàng ngàn, thậm chí, hàng trăm ngàn người chết (như ở nhiều quốc gia Phi châu) hay nạn diệt chủng cũng như họa độc tài dẫn đến cái chết tập thể của hàng triệu người, phần lớn nhân loại vẫn có tâm lý bàng quan, xem những việc đó thuộc trách nhiệm của ai khác. Của các chính khách. Của các tổ chức nhân đạo. Còn mình thì vẫn có thể án binh bất động mà không hề thấy lương tâm áy náy chút nào cả.

Người ta gọi đó là thứ tính cách hay chủ nghĩa bàng quan (bystanderism).

Ở Việt Nam, tâm lý bàng quan chủ nghĩa ấy rõ ràng là càng ngày càng bành trướng mạnh mẽ và trở thành một nguy cơ không những đối với đạo đức mà còn trong lãnh vực chính trị, ảnh hưởng đến an nguy của cả quốc gia. Tâm lý ấy xem mọi vấn đề của đất nước, từ các vấn đề giáo dục với hiện tượng bằng giả và chất lượng xuống cấp đến các vấn đề xã hội với sự lan tràn của tham nhũng và tội phạm, vấn đề kinh tế với ảnh hưởng đến mức đe dọa của Trung Quốc, và quan trọng nhất, nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc, không những ở các hòn đảo xa xôi mà còn ở rừng núi cho thuê, ở các dự án có ý nghĩa quốc phòng nằm trong tay Trung Quốc...đều thuộc về trách nhiệm của ai khác.

Giới lãnh đạo càng củng cố tâm lý bàng quan chủ nghĩa ấy bằng cách tước bỏ trách nhiệm của mọi người dân, giành hết trách nhiệm về phần mình. Nhưng ở phần họ, dưới danh nghĩa lãnh đạo tập thể, hầu như không ai có trách nhiệm gì rõ ràng cả. Cuối cùng, những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia đều bị bỏ mặc.

Tương đương với khái niệm hiệu ứng bàng quan hay chủ nghĩa bàng quan trong tiếng Anh, tiếng Việt có một chữ rất hay, được phổ biến từ lâu trong dân chúng: chủ nghĩa mackeno.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG