Việt Nam và Liên Hiệp Âu Châu sẽ có hai năm để chuẩn bị trước khi hiệp định thương mại tự do đạt được trước đây trong tháng này có hiệu lực, theo trang mạng Fibre2Fashion hôm nay trích tin từ một trang mạng tin tức Việt Nam.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (VEFTA) được ký kết tại Bruxelles hôm 2/12 sau 14 vòng thương thuyết kéo dài gần 3 năm. Một khi được thi hành, hiệp định này sẽ tháo gỡ hầu hết các thuế quan đối với hàng nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu.
Phát biểu tại Hà Nội, Đại sứ Liên Hiệp Âu Châu tại Việt Nam Bruno Angelet nói rằng hiệp định này thể hiện mong muốn của Liên Hiệp Châu Âu là trở thành một đối tác quan trọng trong sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong năm nay, Liên Hiệp Âu Châu đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, so với vị thế số 6 trong năm 2014.
Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu gồm có điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác, giày dép và vải sợi cũng như nông phẩm, gồm cà phê, gạo và hải sản.
Hàng nhập khẩu từ các nước Châu Âu gồm máy móc và thiết bị điện tử, máy bay, xe hơi và dược phẩm.
VEFTA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên đạt được giữa EU và một nước đang phát triển. Theo hiệp định này, 99% thuế quan đánh trên các mặt hàng trao đổi giữa hai bên sẽ được loại bỏ trong vòng 7 năm.
Việt Nam có 10 năm để loại bỏ các thuế quan cho EU và theo ông Angelet đây là một cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam chuẩn bị tốt hơn để tiến vào thị trường Âu Châu.
Ông Angelet nói ông hy vọng rằng VEFTA sẽ cho phép Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh của mình so với các nước khác trong khối ASEAN.
Trang mạng của CCFgroup nói rằng VEFTA được đánh giá là một trong các hiệp định thương mại đầy đủ nhất. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 0.5% mỗi năm, hàng xuất khẩu sẽ tăng từ 4 tới 6% mỗi năm.
Nếu xu hướng này tiếp tục thì tới năm 2020, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Liên Hiệp Âu Châu sẽ tăng lên 16 tỉ đôla, và tới năm 2025, dự kiến hiệp định thương mại tự do sẽ đẩy GDP của Việt Nam lên thêm từ 7 tới 8% trên đà tăng trưởng hiện nay.
Nguồn: Fibre2fashion, ccfgroup