Việt Nam và Trung Quốc tiến hành cuộc tuần tra liên hợp nghề cá tại khu vực hai nước đánh cá chung trong vịnh Bắc bộ.
Đây là cuộc tuần tra thứ hai trong năm nay kéo dài 3 ngày được thực hiện từ ngày 1/11/2017 với sự tham dự của 2 tàu cảnh sát biển của mỗi bên.
Tân Hoa Xã, thuật lời một chức sắc cơ quan Hải Cảnh, nói cuộc tuần tra hỗn hợp “giúp tạo môi trường ổn định để đánh cá, xây dựng niềm tin lẫn nhau giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và làm sâu sắc hơn tình bạn giữa người dân giữa hai quốc gia”.
Tân Hoa Xã đưa ra thống kê nói từ năm 2006 đến nay, hai bên đã tổ chức 14 cuộc tuần tra hỗn hợp ở vùng đánh cá chung của hai nước trên vịnh Bắc bộ.
Chưa thấy TTXVN, báo Quân Đội Nhân Dân hay trang mạng Cảnh sát Biển Việt Nam đề cập gì đến cuộc tuần tra hỗn hợp nghề cá vừa bắt đầu diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chỉ thấy tờ Đất Việt hôm 31/10/2017 cho hay Việt Nam cử một tàu cảnh sát biển là chiếc CSB 8003 tham gia. Đây là tàu do Hàn Quốc viện trợ và hiện là chiếc tàu tuần tra có trọng tải lớn hàng thứ hai (1,400 tấn) của Cảnh sát biển Việt Nam, sau mấy tàu DN-2000 do Việt Nam đóng lấy theo kỹ thuật của Hòa Lan. Nó là tàu cũ được đóng năm 1983, do Công ty đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173) cải tiến và trang bị lại.
“Chuyến kiểm tra lần này, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hai nước tiến hành kiểm tra qua 11 điểm trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ, tổ chức phối hợp luyện tập tìm kiếm cứu nạn trên biển. Quá trình kiểm tra, Cảnh sát biển Việt Nam hai nước sẽ kiểm tra các tàu cá hoạt động trong vùng đánh cá chung.” Tờ Đất Việt kể.
Cuộc tuần tra hỗn hợp diễn ra trên biển trong ngày ông Tống Đào, trưởng ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến Hà Nội thông báo kết quả đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc mà mọi người biết tin ông Tập Cận Bình tái cử nhiệm kỳ thứ hai chủ tịch Trung Quốc.
Ngay hôm sau, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Hà Nội để “trao đổi các ý kiến về những cuộc thăm viếng cấp cao đã được sắp xếp, các mối quan hệ, các vấn đề thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm”. Tân Hoa Xã thuật lời phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh.
Trong một bản tin dài, Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói về cuộc gặp mặt vừa kể “Trong không khí chân thành, thẳng thắn, hai bên đã trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm”.
Theo bản tin vừa kể của Bộ Ngoại Giao Hà Nội, về vấn đề trên biển, “Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên nghiêm túc tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; phát huy các cơ chế đàm phán và hợp tác hiện có để xây dựng lòng tin; kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”
Đoạn tin dài dòng này vẫn chỉ là những điều được các cơ quan thông tin chính thức của Việt Nam lập đi lập lại khi có cuộc gặp mặt cấp cao của hai bên.
Cuộc tuần tra hỗn hợp về đánh cá chung trong vịnh Bắc bộ diễn ra song hành với các chuyến đi Hà Nội của hai chức sắc cấp cao của Trung Quốc, Tống Đào và Vương Nghị, như một cử chỉ nhằm chứng tỏ mối quan hệ chính trị giữa hai nước đang trên đường trở lại bình thường sau mấy tháng rắc rối về vấn đề Việt Nam khoan tìm dầu khí tại bãi Tư Chính Vũng Mây vướng cái “Lưỡi Bò” tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc ký hai bản hiệp định gồm Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Trần Đức Lương.
Cả hai bản hiệp định liên quan với nhau và hai bên đã mất nhiều năm đàm phán dằng dai suốt từ năm 1993 đến năm 2000 qua 7 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên cho Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ mà một số người trong nước cáo buộc nhà cầm quyền đã nhường lại cho Bắc Kinh một diện tích trên biển quá lớn.
Trong khi đó, cuộc đàm phán về nghề cá chỉ được hai bên tiến hành từ tháng 4 năm 2000 với kết quả lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ từ vĩ độ 20o xuống đường đóng cửa Vịnh. Vùng này có chiều rộng là 30.5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phía và có tổng diện tích là 33,500 km2, tức là khoảng 27.9% diện tích Vịnh.
Theo cách phân chia này, vùng đánh cá chung cách bờ biển của mỗi nước khoảng 30 hải lý. Điều cần lưu ý ở đây là thời hạn thỏa thuận của vùng đánh cá chung trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được ấn định là 15 năm, trong đó có 12 năm chính thức và 3 năm gia hạn.
Như vậy, thỏa thuận về vùng đánh cá chung giữa hai nước đã hết hạn từ gần hai năm qua nhưng không thấy có tín hiệu gì cho biết hai bên đàm phán trở lại hay đồng ý... cứ như cũ mà thi hành, coi thỏa hiệp đã hết hiệu lực vẫn được áp dụng.
Không hề thấy có các bản báo cáo, thống kê về số lượng lượt tàu đánh cá của hai bên bị bắt vì vi phạm thỏa hiệp trong vùng đánh cá chung. Trong khi đó, hàng năm, người ta thấy có các báo cáo nói hàng đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khai thác trộm thủy sản mà chỉ bị tàu tuần của Việt Nam “đẩy đuổi” rất khó khăn , chẳng nói gì đến bị phạt.
Ngược lại, các tàu đánh cá của Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ gần quần đảo Hoáng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” , hoặc bị đâm chìm, hoặc bị bắn cháy, ngư dản bị hành hung, hải sản bị tich thu, trang bị hải hành và ngư cụ bị phá hủy.
Ngày 29/4/2014, báo chí nhà nước đưa tin “Sau quá trình đàm phán, chiều nay (29/4), Lễ ký chính thức Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh, giữa Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Ngọc Hồng, đại diện Chính phủ Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Tề Cảnh Phát.”
Nghị định thư được mô tả là “tạo điều kiện để Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc đã ký có hiệu lực. Đồng thời, giúp cho việc quản lý, duy trì ổn định lâu dài trên Vịnh Bắc Bộ, góp phần tăng cường sự tin cậy và sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, mở ra sự hợp tác về nghề cá giữa Việt Nam - Trung Quốc.”
Cho đến nay, hai bên vẫn tiến hành các cuôc đàm phán về thi hành hai hiệp định ký cuối năm 2000 nhưng không thấy có tiến bộ nào được loan báo ngoài những lời viết rất tổng quát như kể ra cho có đàm phán diễn ra.