Đường dẫn truy cập

Hiệp định hạt nhân Iran dự kiến không đạt được trước hạn chót


Từ trái: Ngoại trưởng Anh Philip Hammond, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp tại Vienna, Áo, ngày 28/6/2015.
Từ trái: Ngoại trưởng Anh Philip Hammond, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp tại Vienna, Áo, ngày 28/6/2015.

Cả hai bên trong cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân Iran đều dự kiến cuộc thương thuyết sẽ kéo dài quá thời hạn chót 30 tháng 6 để đạt được một thoả thuận toàn diện. Theo tường thuật của thông tín viên Pam Dockins của đài VOA tại Vienna, các giới chức Mỹ và Iran hôm chủ nhật cho biết các phái đoàn sẽ lưu lại Vienna sau ngày thứ ba để tìm cách giải quyết những điểm bất đồng then chốt.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm chủ nhật đã lên đường về nước để tham khảo ý kiến và theo dự liệu sẽ quay lại Vienna vào ngày thứ 3. Một giới chức cấp cao của Mỹ nói rằng chuyến đi của ông Zarif không phải là một vấn đề đáng lo ngại vì các đại biểu của các nước tham dự hội nghị vẫn thường rời Vienna trong thời gian diễn ra cuộc thương thuyết.

Cũng trong ngày chủ nhật, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết một số điều kiện cần được thỏa mãn để có một thoả thuận mà ông gọi là “một hiệp định mạnh mẽ”, trong đó có việc kiểm tra các địa điểm hạt nhân bị nghi ngờ.

Ngoại trưởng Anh, ông Philip Hammond, nói rằng chẳng thà không có thoả thuận chứ không nên có một thoả thuận xấu.

"Có những lằn ranh đỏ mà chúng tôi không thể vượt qua và có những quyết định rất khó khăn, những sự lựa chọn khó khăn, mà tất cả các bên phải thực hiện để có thể đạt được một thoả thuận trong vòng vài ngày sắp tới."

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố một thoả thuận tốt phải bao gồm việc dỡ bỏ ngay các biện pháp chế tài.

"Tất cả các biện pháp chế tài -- chế tài kinh tế và chế tài tài chánh, cần phải được loại bỏ ngay tức khắc. Và những biện pháp chế tài của hội đồng bảo an cũng cần phải được chấm dứt."

Tuy nhiên, các cường quốc thế giới muốn các biện pháp chế tài được dỡ bỏ theo giai đoạn để đổi lấy một hiệp định hạn chế khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran.

Theo bà Marie Harf, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về thông tin chiến lược, hiệp định toàn diện có phần chắc sẽ không đạt được vào ngày 30 tháng 6.

"Như chúng tôi đã nói, có lẽ chúng tôi sẽ cần có thêm vài ngày sau ngày 30 tháng 6, như chúng tôi đã làm tại Lausanne khi chúng tôi đúc kết thoả thuận khung hồi tháng tư, để có được một hiệp định mạnh mẽ nhất có thể có."

Một số giới chức cho biết thời hạn chót có tính chất quan trọng hơn ở Vienna thật ra là ngày 9 tháng 7. Đó là lúc mà thời gian của một cuộc duyệt xét bắt buộc của quốc hội sẽ được triển hạn từ 30 ngày thành 60 ngày.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Emanuele Ottolenghi của Quỹ Bảo vệ Dân chủ, việc kéo dài cuộc đàm phán qua tới tháng 7 có thể tạo ra nhiều vấn đề.

"Vấn đề ở đây là những kinh nghiệm trong thời gian qua cho chúng tôi thấy rằng mỗi lần triển hạn là mỗi lần có thêm những sự nhượng bộ có lợi cho phía Iran."

Trong khi đó, theo Đại tướng James Cartwright, chuyên gia về chính sách hạt nhân của Mỹ, vấn đề ở đây là thế nào để đạt được một sự cân bằng.

"Chúng ta muốn dành cho Iran khả năng để bảo vệ chủ quyền của họ, nhưng chúng ta cũng muốn có một số luật lệ nào đó để chúng ta có thể tới Iran để kiểm tra nếu có một sự nghi ngờ hợp lý là một hoạt động lén lút đang diễn ra ở đó."

Ông Cartwright cho rằng trong trường hợp các nhà thương thuyết có thể có được một thoả thuận bao gồm một sự giám sát đầy đủ đối với mức độ tinh luyện uranium và khoảng thời gian mà Iran cần có để chế tạo bom hạt nhân thì đó sẽ là một thoả thuận tốt đẹp, mang lại một sự cải thiện đáng kể cho tình hình an ninh của vùng Trung Đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG