Tình trạng không rõ ràng về tung tích của ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái đẩy sự bất bình leo thang vào ngày 19/11 khi Hiệp hội Quần vợt nữ quốc tế (WTA) cho biết họ sẵn sàng rút các giải đấu của mình ra khỏi Trung Quốc vì vấn đề này, khiến một biên tập viên có ảnh hưởng của truyền thông nhà nước Trung Quốc lên tiếng chỉ trích tổ chức này là sử dụng “giọng điệu cưỡng chế”.
Người ta không nhìn thấy hay nghe thấy cựu cây vợt đôi số một thế giới Bành Soái ở chốn công khai kể từ khi cô nói trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 2/11 rằng cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ đã ép buộc cô quan hệ tình dục và sau đó thi thoảng họ đã có một mối quan hệ đồng thuận.
Cả ông Trương lẫn chính phủ Trung Quốc đều không bình luận gì về cáo buộc của cô.
Bài đăng trên mạng xã hội của Bành Soái nhanh chóng bị xóa và chủ đề này đã bị chặn khỏi các cuộc thảo luận trên mạng internet bị kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc.
Cộng đồng quần vợt toàn cầu và những người khác ngày càng lo lắng về sự an toàn và tung tích của Bành Soái kể từ sau cáo buộc của cô, với việc WTA kêu gọi phải có một cuộc điều tra.
Một số vận động viên quần vợt hàng đầu thế giới, bao gồm Serena Williams và Naomi Osaka, cũng như Ủy ban Olympic Đức, đã đăng lên trang Twitter hagtag #WhereIsPengShuai.
Vụ việc nổi lên khi Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2 giữa bối cảnh các nhóm nhân quyền toàn cầu và những tổ chức khác kêu gọi tẩy chay sự kiện vì hồ sơ nhân quyền của nước này.
Ủy ban Olympic quốc tế đã từ chối bình luận về vụ việc của Bành Soái, nói rằng họ tin “ngoại giao im lặng” mang lại cơ hội tốt nhất cho một giải pháp.
Liz Throssell, một phát ngôn viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi bằng chứng về nơi ở và sức khỏe của Bành Soái cũng như cần có một cuộc điều tra minh bạch về các cáo buộc của cô.
Giám đốc điều hành WTA Steve Simon nói với nhiều hãng tin Mỹ hôm 18/11 rằng sẽ xem xét rút các giải đấu trị giá hàng chục triệu đô la ra khỏi Trung Quốc.
Đáp lời ông Simon, Hu Xijin, biên tập viên của Global Times – tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nói trên Twitter hôm 19/11 rằng “chớ có sử dụng giọng điệu ép buộc khi bày tỏ bất kỳ mối quan ngại nào đối với Trung Quốc”.
Trung Quốc là trọng tâm mở rộng hoạt động mạnh mẽ nhất của WTA trong thập niên qua, và hiệp hội này đã tổ chức 9 giải đấu vào mùa giải 2019 với tổng số tiền thưởng là 30,4 triệu đô la.