Đường dẫn truy cập

Tại sao và vì sao?


Một hội nghị của Trung Ương Đảng CSVN.
Một hội nghị của Trung Ương Đảng CSVN.

Theo tin tổng hợp truyền thông quốc tế và quốc nội Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) trong ba tháng liên tiếp (Tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2017) vừa qua, đã ào ạt bắt giam và truy tố theo các điều 79 (Tuyên truyền chống phá nhà nước…) và 88 (Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân…) của Bộ Luật HSVN, đã xử phạt bằng những bản án nặng nề đối với các nhà bất đồng chính kiến hàng đầu tại Việt Nam.

Đó là việc nhà cầm quyền CSVN bắt giam và kết án nặng nề Bloger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Nha Trang thuộc Trung phần Việt Nam, với án 10 năm tù giam, 5 năm quản chế; Bloger Thúy Nga tức Trần Thị Nga ở Hà Nam thuộc Bắc Phần Việt Nam, với án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế.Nhưng gần nhất là vào những ngày cuối tháng 7-2017 vừa qua, Bộ Công an CSVN đăng tin hôm 30/7 nói bộ bắt tạm giam các ông Phạm Văn Trội, 45 tuổi; Nguyễn Trung Tôn, 45 tuổi; Trương Minh Đức, 57 tuổi; và Nguyễn Bắc Truyển, 49 tuổi, căn cứ vào Điều 79 Bộ luật Hình sự.

Bộ Công an nói 4 người kể trên bị khởi tố và bắt tạm giam vì có vai trò trong vụ án mà bộ gọi là “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo lời bộ này, vụ việc “xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương khác”, có tổng cộng 6 bị can trong vụ án. Ngoài 4 người mới bị bắt, nhà chức trách Việt Nam đã bắt hai người khác hồi cuối năm 2015, là ông Nguyễn Văn Đài, 48 tuổi; và bà Lê Thu Hà, 35 tuổi.

Đứng trước các sự kiện trên, nhân dân trong nước rất bất bình và phẫn nộ, các chính phủ dân chủ đứng đầu là hoa Kỳ,các tổ chức quốc tế bảo về nhân quyền đã đồng loạt lên án nghiêm khắc và quyết liệt đòi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do tức khắc, vô điều kiện cho những người chỉ vì bầy tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hòa với chế độ đã bị kết án nặng nề hay đang bị giam giữ chờ ngày xét xử.

Đến đây một câu hỏi được nhiều người đặt ra: Tại sao đảng và nhà cầm CSVN lại dám có các hành động coi thường nhân dân và thách thức công luận quốc tế đến như thế?

Câu trả lời theo nhận định của chúng tôi là:

Đảng và nhà cầm quyền CSVN đang đứng trước nhiều khó khăn phức tạp về đối nội cũng như đối ngoại; nội bộ đảng cầm quyền thì có những mâu thuẫn đối kháng (một mất một còn) giữa các nhóm lợi ích đã và đang diễn ra dưới chiêu bài chống và tiêu diệt tham nhũng để loại trừ nhau. Vì thế cần giữ vững an ninh chính trị nên đảng và nhà cầm quyền CSVN cần triệt hạ mọi mầm mống có thể gây bạo loạn lan rộng đe dọa đến sự tồn vong của đảng và chế độ CSVN. Việc bắt giữ hàng loạt các nhà dấu tranh cho các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền vốn có sức thu hút quần chúng trong nước, chính là một trong những nỗ lực hàng đầu vừa có tính răn đe, vừa có mục đích tiêu trừ hậu hoạn từ trong trứng nước.

Đây rõ ràng là những hành động vi phạm trắng trợn các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền, không chỉ xét theo chuẩn mực công pháp và tư pháp quốc tế, mà vi phạm chính bản Hiến pháp hiện hành của chế độ liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân.

Vậy tại sao đảng và nhà cầm CSVN lại dám có các hành động coi thường nhân dân và thách thức công luận quốc tế đến như thế?

Về mặt chủ quan, dám coi thường nhân dân có thể là vì đảng và nhà cầm quyền CSVN đã tự tin một cách sai lầm rằng, với những công cụ “chuyên chính vô sản” (bịp, chuyến chính tư sản “Đỏ vỏ xanh lòng” mới đúng) trong tay (quân đội, công an,mật vụ, Tòa án, nhà tù, pháp trường…); lại không có một lực lượng đối trọng nào khả dĩ lật đổ được chế độ; nhân dân thì mang thân phận “cá nằm trên thớt”, ô hợp, thiếu lãnh đạo nên không thể tập hợp được thành sức mạnh đe dọa đến sự tồn vong của chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị “đỏ vỏ xanh lòng” hiện nay. Đo đó “Đảng ta” muốn làm gì thì làm, dân phải chịu thôi.

Nhưng đã tự tin một cách sai lầm,vì dường như đảng và nhà cầm quyền CSVN đã quên hay cố tình quên những luận điểm Mác-Lênin về đấu tranh giai cấp (giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị;và rằng ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh…) và sức mạnh của quần chúng (cách mạng là sự nghiệp của quần chúng mà) một khi phát triển đến biên độ “tức nước vỡ bờ”( kinh điển cộng sản gọi là “Tình thế cách mạnh chín muồi” ấy mà). Nói thế chắc “các đồng chí cộng sản” của “Đảng ta” nhớ lại những luận điểm này khi chưa cướp được chính quyền và nay hiểu ra rồi chứ?

Về mặt khách quan đảng và nhà cầm quyền CSVN dám thách thức công luận quốc tế đến như thế, là vì áp lực quốc tế trên các hồ sơ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bao lâu nay chỉ có hiệu quả hạn chế nếu có tác hại hay vì lợi ích nào đó buộc được nhà cầm quyền CSVN phải tạm thời lùi một bước, để sau đó lại “tiến hai bước” vi phạm nhân quyền.Thực tế,dương như nhà cầm quyền CSVN cố tình tạo ra nhiều “thành tích” vi phạm nhân quyền, càng nhiều càng tốt để có điều kiện mà cả hầu đạt những lợi ích nào đó trong quan hệ quốc tế song phương cũng như đa phương?

Trong khi đó, bao lâu nay áp lực quốc tế song phương cũng như đa phương thường chỉ tỏ ra quyết liệt trên nguyên tắc và ngôn từ; tỷ như chỉ lên án mạnh mẽ các vụ vi phạm nhân quyền, kèm theo đòi hỏi phải trả tự do tức khắc, vô điều kiện cho những người bị bắt bớ tù đầy vì các hoạt động đấu tranh ôn hòa cho các quyền dân sinh, dân chủ và nhân quyền... Thế nhưng đã không đi kèm những biện pháp trừng phạt các hành động vi phạm nhân quyền có hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp nhãn tiền đến quyền lợi của cá nhân lãnh đạo hàng đầu (các cán bộ đảng viên cấp cao của đảng và nhà nước CSVN) và tập đoàn thống trị độc quyền là đảng CSVN.

Chính những quyền lợi thiết thân này vốn được những người lãnh đạo các cấp của đảng CSVN coi trọng hơn quyền lợi của đất nước và nhân dân. Điển hình mới nhất là việc “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh ở Đức đem về Việt Nam xét xử tội tham nhũng, vi phạm chủ quyền, luật pháp nước Đức cũng như công pháp quốc tế. Hành vị phi pháp này được thực hiện bất kể những hậu quả nhiều mặt cho đất nước, mà chỉ vì nhu cầu cấp bách đánh tham nhũng đang được người đứng đầu đảng CSVN phát động, mà thực chất có thể chỉ là bình phong để các phe nhóm lợi ích loại trừ nhau. Do đó, nếu tác động được vào quyền lợi thiết thân của giai cấp độc quyền thống trị của chế độ, mới hy vọng ngăn chặn và đẩy lùi được từng bước các hành động vi phạm nhân quyền của đảng và nhà cầm quyền CSVN, làm cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam tăng tốc, ngõ hầu sớm có được một chế độ dân chủ pháp trị như mong ước của toàn dân Việt Nam bấy lâu nay.

Luật Magnisty của Hoa kỳ trong đó có các điều khoản chế tài các viên chức của bất cứ quốc gia nào có “thành tích vi phạm nhân quyền” khi đến Hoa Kỳ, dường như tạo thêm áp lực hữu hiệu theo chiếu hướng vừa nêu. Tuy nhiên, trong cuộc gặp Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mấy tháng trước đây ở Florida, Tổng Thống Hoa kỳ Donald Trump đã không có lời nhắc nhở nào về tình trạng vi phạm nhân quyên ở Việt Nam mà chỉ quan tâm đến cái lợi kinh tế, với 3 tỷ dollar ông Phúc hứa là sẽ mua khí tài quân sự của Hoa Kỳ. Sự thể này khiến nhiều người cho rằng, cũng là yếu tố khách quan để đảng và nhà cầm quyền CSVN mạnh tay bắt bớ hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến trong 3 tháng qua, không sợ công luận quốc tế.

Dẫu sao trên đây cũng chỉ là cách trả lời bằng sự suy đoán chủ quan của người viết, nên độ chính xác không thể bằng chính câu trả lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phe cánh của ông trong nội bộ đảng CSVN; rằng “Tại sao đảng và nhà cầm quyền CSVN dám coi thường nhân dân và thách thức công luận quốc tế đến như thế?”; khi bắt giam hàng loạt và xử án nặng nề hàng chục năm những phụ nữ chân yếu tay mềm như các Blogers Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga và những người khác. Tất cả họ chỉ dùng ngòi bút đấu tranh ôn hòa, hợp pháp, cho các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền cho nhân dân, không có vũ khí gì trong tay, sao có thể “lật đổ được chính quyền” của đảng CSVN được bảo vệ “vững chắc”bởi các lực lượng “Chuyên chính vô sản” (đỏ võ xanh lòng) là quân đội, công an, mật vụ, Tòa án, hà tù và pháp trường?

Như vậy là đảng CSVN cầm quyền hiện nay chỉ có tài bắt nạt dân, trách chi dân gian mới có câu “Đảng Cộng sản Việt Nam hèn với giặc, ác với dân” thật không oan trái chút nào.

  • 16x9 Image

    Thiện Ý

    Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston. Các bài viết của Thiện Ý là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG