Đường dẫn truy cập

Heineken cắt giảm dự báo tăng trưởng ở Việt Nam trong lúc xuất khẩu của quốc gia suy giảm


Bia Heineken được uống tại một quán ăn ở Hà Nội. Loại bia của Hà Lan được tiêu thụ nhiều nhất so với các nhãn hàng khác ở Việt Nam.
Bia Heineken được uống tại một quán ăn ở Hà Nội. Loại bia của Hà Lan được tiêu thụ nhiều nhất so với các nhãn hàng khác ở Việt Nam.

Nhà sản xuất bia lớn thứ hai thế giới, Heineken, cắt giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận cho năm nay sau khi nền kinh tế Việt Nam suy thoái trong khi xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á sụt giảm dài nhất trong hơn 1 thập niên qua, theo Reuters và Bloomberg.

Heineken, công ty bia Hà Lan hiện đang sở hữu các thương hiệu gồm Tiger và Sol, cho Reuters biết họ dự báo tăng trưởng lợi nhuận hoạt động trong năm nay là 0-5%. Mức tăng trưởng này giảm so với dự báo hơn 5% trước đây.

Trong nửa đầu năm nay, theo Reuters, lượng bia bán ra của Heineken, thương hiệu bia bán chạy nhất châu Âu, đã giảm 5,6% với sự sụt giảm ở tất cả các khu vực, trong đó hơn một nửa mức sụt giảm là do Việt Nam, một trong các quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới, và Nigeria, quốc gia Tây Phi đang đối mặt với bất ổn kinh tế và xã hội.

Việt Nam xếp hạng 9 trên thế giới và là quốc gia Đông Nam Á duy nhất trong top 10 các nước có mức tiêu thụ bia nhiều nhất toàn cầu, trong đó Trung Quốc là số 1, theo thống kê của Visual Capitalist về các quốc gia “Uống nhiều bia nhất” được đưa ra vào năm ngoái. Theo dữ liệu của công ty Canada chuyên đánh giá về các xu hướng mới nhất trong kinh doanh và đầu tư, Việt Nam tiêu thụ hơn 3,8 triệu lít mỗi năm, chiếm hơn 2,2% thị phần toàn cầu, trong khi Trung Quốc có mức tiêu thụ cao nhất, với hơn 36 triệu lít mỗi năm.

Heineken là loại bia được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất ở Việt Nam, theo thống kê của Statista. Theo đó loại bia của Hà Lan chiếm đến 44,4% thị phần của thị trường tiêu thụ bia ở quốc gia Đông Nam Á.

Heineken cho biết kết quả kinh doanh của họ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam, một trong những thị trường lớn nhất của công ty, nơi đang phải đối mặt với nhu cầu toàn cầu sụt giảm đối với hàng xuất khẩu ra thế giới, theo Reuters.

Cùng lúc, Bloomberg cho biết xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 7, đánh dấu đợt sụt giảm dài nhất trong 14 năm qua, khiến nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ không đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê công bố hôm 28/7 được Bloomberg trích dẫn cho thấy xuất khẩu của Việt Nam giảm 3,5% trong tháng 7 trong khi nhập khẩu giảm 9,9%. Các nhà kinh tế được hãng tin chuyên về kinh tế tài chính có trụ sở ở Mỹ dự đoán lượng hàng xuất khẩu ra nước ngoài của Việt Nam sẽ giảm 6% và lượng hàng nhập khẩu giảm 13%.

Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 27/7 đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra các biện pháp vào cuối tháng để cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng trong khi nhắc lại lời kêu gọi hạ lãi suất cho vay để thúc đẩy hoạt động kinh doanh giữa lúc có cảnh báo rằng Việt Nam có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bốn lần cắt giảm lãi suất cho vay và cho thấy tín hiệu sẽ giảm tốc việc nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lo ngại về nợ xấu, áp lực lên hệ thống ngân hàng và tác động đến tiền tệ, theo Bloomberg.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023, theo nhận định của Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries, “sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG