Đường dẫn truy cập

Hãy dừng chuyện ‘đụng đập phá’ với công trình trăm tuổi


Cả tuần nay dư luận Cần Thơ nói riêng và cộng đồng mạng cả nước nói chung xôn xao về việc sắp đến năm học mới 2015 - 2016, Trường THPT Châu Văn Liêm (tiền thân là Collège de Can Tho xây dựng năm 1917 và đưa vào sử dụng năm 1921) bị đập bỏ để xây mới.

Những giá trị tinh thần trăm tuổi

Theo website của trường, đến năm 1924 việc xây cất trường mới hoàn tất, đến tháng 8-1945 trường mang tên Trung học Phan Thanh Giản và từ tháng 11-1995 mang tên Trường THPT Châu Văn Liêm cho đến nay. Dư luận cho rằng Collège de Can Tho là công trình có kiến trúc đặc trưng nằm trong tổng thể kiến trúc đô thị đầu thế kỷ 20 và các nhà nghiên cứu đánh giá: “Xét về mặt lịch sử văn hóa, sự hình thành của ngôi trường đã ghi lại một dấu ấn khá đậm nét trong quá trình hình thành và phát triển của Cần Thơ”.

Nói trên báo Tuổi Trẻ, một giảng viên Trường đại học Cần Thơ cho rằng ngôi trường có bề dày lịch sử đáng tự hào này đã đào tạo ra hàng vạn thanh niên có học thức, tài năng, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển Cần Thơ. Mọi người đều nhận thấy rằng ngôi trường rất xứng đáng được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Ngoài ra, nhiều người còn đề xuất nên giữ lại trường như một di tích, còn Trường Châu Văn Liêm thì xây mới ở nơi khác.

Giá trị của một ngôi trường trăm tuổi như thế không chỉ là những mô tả mang tính lịch sử, mà còn là giá trị ký ức, tính biểu tượng hằn trong tâm trí của biết bao con người đất Cần Thơ. Biết bao thế hệ lớn lên, ngã xuống, rồi đến thế hệ mới ra đời và tiếp nối. Đời sống và vận mệnh con người nối tiếp nhau đi xa, riêng ngôi trường vẫn cố nán lại để người đời sau còn nhớ về người đời trước, về cả những sai lầm lẫn những thành công, về những nụ cười hay cả những dòng nước mắt.

Vẫn lối tư duy ‘đập bỏ quá khứ’

Chuyện “đập cũ xây mới” không phải là chuyện hiếm thấy ở Việt Nam. Năm ngoái, việc dở bỏ Thương xá Tax tại Thành phố Hồ Chí Minh – một biểu tượng trăm tuổi của đất Sài Gòn, gắn liền với biết bao sự kiện lịch sử, thăng trầm của hàng triệu người Sài Gòn – cũng gây tranh cãi dữ dội. Rất nhiều người dân cho rằng “tại sao cứ phải giải tỏa, đập phá những công trình trăm tuổi, trong khi giá trị lịch sử của chúng đáng được bảo tồn ngay cả khi việc sử dụng là không còn nữa?”

Ngồi nhìn từng dãy hành lang, cửa sổ, bảng đen, hàng cây, ghế đá,... và tưởng tượng cảnh ngôi trường bị từng chiếc xe cần cẩu khổng lồ, bất cứ ai nghĩ đến cũng thấy chạnh lòng. Chúng khiến tôi nhớ lại hàng trăm, ngàn cây cầu khỉ ở miền tây cũng bị xóa sạch và không giữ lại bất kỳ một dấu vết nào. Người nước ngoài họ bảo chẳng ai khéo léo như người Việt, xinh xắn như người Việt, tảo tần như người Việt...Tất cả gắn liền với hình ảnh những cô gái, bà mẹ với gánh hàng rong bên cây cầu lắc lẻo bắt qua kênh. Đành rằng chúng không còn phù hợp và không an toàn, nhưng xóa sạch quá khứ kiểu như vậy sao lại chẳng chạnh lòng? Sao không nghĩ cách giữ lại một số cây cầu đặc trưng và xây bên cạnh cây cầu khỉ một cây cầu bê tông?

Tương tự với các công trình cổ điển trăm tuổi tại Việt Nam, nếu đã cũ sao không nghĩ đến việc trùng tu thay vì đập bỏ? Sao không tính đến giải pháp bảo trì và lưu giữ, xây công trình mới nơi khác để phục vụ cho dân? Việc đập bỏ những công trình trăm tuổi không chỉ đơn thuần là dọn dẹp một đống bê tông đổ nát, mà quan trọng hơn, nó đập luôn cả niềm tin và ký ức của người dân. Nó còn thể hiện một quá trình phát triển không bền vững, thiếu tính toán trong quy hoạch và xây dựng đô thị. Quan trọng và đáng buồn nhất chính là cái tâm của những người phát triển hạ tầng, đô thị. Đập cũ, phá bỏ và xây mới thì dễ, nhưng tìm người lãnh đạo có tâm cố gắng gìn giữ những giá trị thật sự của quốc gia dân tộc đồng thời tìm giải pháp hiện đại hóa công trình quốc gia dường như rất khó?

Không can thiệp là ‘hỏng’

Đến lúc này dường như vẫn chỉ có Sở Giáo dục Cần Thơ lên tiếng về việc đập và xây mới trường Châu Văn Liêm. Các vị lãnh đạo tỉnh “hứa” sẽ xem xét, nhưng thực tế vẫn chưa có những dấu hiệu khả quan cho những ngày sắp tới. Với những công trình trăm tuổi, các đơn vị bảo tồn cấp quốc gia phải nhanh chóng vào cuộc thẩm định và tìm ra các kịch bản mang tính giải pháp chứ không phải im lặng đến đáng sợ và đáng lo như hiện tại.

Việc để các tỉnh thành độc lập trong quản lý công là hợp lý, nhưng với nhưng công trình có ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc, có mang theo cảm xúc của đông đảo người dân thì chính những vị lãnh đạo cấp cao phải lưu ý điều chỉnh sao cho hợp tình, hợp lý. Người dân hoàn toàn có kiên nhẫn để chờ đợi việc tìm kiếm một địa điểm mới để xây dựng những ngôi trường mới, khang trang và hiện đại. Nhưng mấy ai đủ kiên nhẫn đợi chờ những quyết định mang tính sống còn cho cả một công trình trăm tuổi vốn đang nằm dưới lưỡi đập của hàng tá cái máy phá bê tông cao cấp.

Nhớ lại những hàng cây cổ thụ trăm tuổi lần lượt ngã xuống những con phố từng xanh mướt thơ mộng của Hà Nội. Chỉ thoáng trong một ngày, cả một con đường Nguyễn Chí Thanh rợp bóng cây trở thành hoang tàn, xơ xác, điêu linh. “Người ta” huy động quân lính nhanh lắm, ra tay mạnh chớp nhoáng, dẫn đến cây trăm tuổi trên nhiều con phố cứ ngã ầm ầm trong một buổi sáng nắng cháy da cháy thịt vì mất bóng cây. Để rồi khi dân chúng phản ứng dữ dội mới có “người phát hiện” và yêu cầu tạm dừng, đình chỉ mọi công tác đốn chặt.

Nghĩ tới đó mà lòng thấy nôn nao và lo sợ cho số phận của ngôi trường trăm tuổi tại Cần Thơ. Chẳng biết có một ngày đẹp trời nào đó, khi chưa có cơ quan nhà nước nào quyết định các giải pháp thay thế thì công trình trường đã thành bãi bê tông vô giác vô tri, chỉ còn biết khiến người khác nặng lòng đau xót. Chẳng ai còn đủ sức vác từng mảng bê tông về để còn có dịp nhớ lại những ngày xưa.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG