Cá nhân tôi không phải là lính không quân, nghĩa là không phải lính dưới quyền tướng Kỳ, tuy nhiên, tôi có điều kiện là một nhà báo để có được cuộc phỏng vấn tướng Kỳ 4 lần tại Quận Cam, California, với sự đồng ý của hai phía.
Tôi không “mời” ông Kỳ, ông Kỳ cũng không “mời” tôi. Thông thường các cuộc gặp gỡ các nhân vật để tạo ra cuộc phỏng vấn hết sức tế nhị. Riêng vụ tướng Kỳ, do thân hữu dàn xếp, tôi và ông Kỳ gặp nhau rất hài lòng.
Cuộc phỏng vấn lần thứ nhất diễn ra bất ngờ tại nhà riêng của một thân hữu tướng Kỳ tại Golden West, Huntington Beach. Đó vào năm 1997. Lời mở đầu của ông Kỳ kèm theo ly rượu chát, ông nói rất vui gặp một số nhà báo, ký giả, phóng viên trẻ, mà ông có dịp để ý bấy lâu nay trên các hệ thống truyền thông.
Nội dung cuộc họp mặt chưa phải là cuộc phỏng vấn, chỉ là mạn đàm. Ông Kỳ nói chuyện suốt trong mạn đàm. Ông kể về cuộc đời của ông từ thời trẻ, thời quân ngũ, thời lái máy bay, bay đêm ra Bắc đi thả biệt kích, thời ông bỏ bom xuống các căn cứ quân sự Bắc Việt, xuống làng mạc.
Sau đó về tôi có viết vài bài ngắn với tựa đề: “Nguyễn Cao Kỳ, Biệt Kích Bay Đêm” trên tạp chí Văn Hóa. Tuyệt đối, tôi không đề cập đến chuyện chính trị, thời sự hay chuyện gia đình riêng của ông.
Lần thứ hai, cũng tại nhà riêng một thân hữu của ông tại Quận Cam. Chúng tôi đề cập đến chuyện thời sự. Ông Kỳ tỏ ra lắng nghe chăm chú. Ông nói ít hơn lần trước, nhưng bày tỏ rất rõ ràng về tâm tư của một người lưu vong: yêu nước, yêu quê hương, và bứt rứt về những hận thù trong quá khứ chiến tranh.
Tôi có ý chờ ông muốn gì nơi nhà báo. Nhưng tôi vẫn chưa nghe ông đề cập đến chuyện về nước thăm nhà.
Lần thứ ba, đích thân ông mời và dành cho tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt. Địa điểm lần này là “tư thất” của ông trên vùng La Puente.
Trong mươi phút nghỉ xả hơi để cho cameraman đổi phim, xạc điện, tôi và ông Kỳ thả bước ra ban công … hút thuốc. Thừa dịp, tôi ngắm nghía ngôi nhà và chụp vài tấm hình ông Kỳ đi đi lại lại.
Tôi và ông Kỳ trở lại trước hai ống kính camera. Thời đó, tôi phải sử dụng phim nhựa. Tôi phải thuê hai cameraman tương đối nhà nghề quay phim trong cuộc phỏng vấn. Ông Kỳ và tôi đồng ý thực hiện cuộc phỏng vấn này thành phim. Với sự đồng ý của ông Kỳ, tôi sẽ sao bản phim chính ra băng nhựa khoảng một ngàn cuốn. Tôi có quyền đem bán, nhưng thể theo lời yêu cầu của ông Kỳ, sau khi trừ chi phí thực hiện, số tiền bán được sẽ gởi về tặng anh em thương phế binh. Tôi đồng ý và rất vui với công việc này.
Hầu như toàn bộ câu chuyện giữa tôi với ông Kỳ đều đề cập đến chuyện Việt Nam. Ông Kỳ thố lộ, đã có nhiều nhân vật cao cấp của chính phủ Hà Nội đến nhà này và họ có đề cập đến chuyện mời ông Kỳ về nước thăm quê hương. Trong số các nhân vật đó có ông Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin.
Phải chăng do sự kiện này mà ông mới mời tôi thực hiện cuộc phỏng vấn. Tôi chưa nắm rõ vấn đề bên trong, nhưng tôi có đặt ra một số câu hỏi khá căng và có lẽ khá bất ngờ đối với ông Kỳ.
Tôi nhớ, có một câu hỏi: “Thưa Thiếu tướng, nếu Thiếu Tướng có dịp, có điều kiện về thăm quê hương, việc làm đầu tiên của Thiếu tướng là ông có đến thắp nén hương ở Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa để tưởng niệm những nguời lính đã nằm xuống trong cuộc chiến Việt Nam hay không?”
Lúc đó, trong đầu tôi nghĩ, đối diện chênh chếch bên kia Nghiã trang Quân đội Biên Hòa là Nghĩa Trang Liệt sĩ. Tôi không nói về khu vực này với ông Kỳ nhưng tôi biết chắc chắn khi ông Kỳ về nước sẽ biết khu vực này.
Ông tướng trầm ngâm khá lâu. Một lúc sau ông nói, tôi sẽ nói chuyện này với lãnh đạo của họ. Cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra gần hai tiếng, đó là ngày 28 tháng 11 năm 2002.
Cuộc phỏng vấn lần thứ tư diễn ra cũng khá bất ngờ và khá căng thẳng. Chỉ trước đó một ngày, một thân hữu của tướng kỳ gọi phôn báo cho tôi biết tướng Kỳ đề nghị một cuộc phỏng vấn sau khi tướng Kỳ vừa ở Việt Nam về Mỹ. Tôi nhận lời ngay và mời tướng Kỳ đến tòa soạn báo Văn Hóa.
Tướng Kỳ không đến một mình, ông đi chiếc Ford đen theo sau là bốn thân hữu. Tôi ra tận cửa đón ông, nhìn quanh thấy cả vài người ngoại quốc đã đứng xa xa bốn góc, trông có vẻ như bảo vệ cho tướng Kỳ. Hơi ngạc nhiên, nhưng tôi vẫn mời tướng Kỳ vào tòa soạn.
Ngồi xuống ghế, tôi cám ơn ông đến thăm báo Văn Hóa, nhưng tôi đề nghị ngay: Tôi muốn thực hiện cuộc phỏng vấn này trực tiếp và công khai trên màn ảnh đài truyền hình Saigon TV, lúc ấy do ông Phan Ngọc Tiếu làm giám đốc. Tướng Kỳ vui vẻ nhận lời ngay.
Tôi tức tốc gọi phôn cho ông Tiếu về lời đề nghị này. Ông Tiếu vui vẻ nhận lời ngay. Cẩn thận, tôi mời thêm ký giả Hà Tường Cát báo Người Việt và ký giả Phan Tấn Hải báo Việt Báo tham dự cuộc phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn được Saigon TV thu hình toàn bộ, dài gần hai tiếng.
Ngày 23 tháng 7, 2011 vừa qua, nghe tin tướng Kỳ bất ngờ mất tại Kuala Lumpur, Malaysia, nhớ lại những gì tướng Kỳ “tâm sự”, trong bốn lần tôi gặp tướng Kỳ, nỗi lòng yêu nước của ông và hầu như suốt đời ông nghĩ đến quê hương, có lần ông nói ông ước ao được chết trên quê hương, nay ông lại chết trên xứ lạ quê người.
Tạo hóa thường oái ăm trêu ghẹo những con người có số mệnh gắn liền với vận mệnh quốc gia và lịch sử. Hãy để lịch sử phán xét về những con người nổi trôi với lịch sử. Khi tôi viết những dòng chữ này về tướng Kỳ, tôi không biết “Tro Cốt” của ông đi về đâu, có về với quê hương như lời ông mong ước không?
Nếu có được lời đề nghị, tôi xin đề nghị với bà Lê Hoàng Kim Nicole, các con trai của tướng Kỳ và cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, “Tro Cốt” của Tướng Nguyễn Cao Kỳ nên rải xuống Biển Đông.
Nếu vì lý do nào đó không rải xuống được ở Biển Đông, thì mang về Long Beach thuê chiếc Cessna bay ra bờ tây Thái Bình Dương rải xuống, sóng tây Thái Bình Dương sẽ đưa “Tro Cốt” tướng Nguyễn Cao Kỳ về Biển Đông. Biển Đông là nước của ông.
Tôi nghĩ rằng, Tướng Nguyễn Cao Kỳ sẽ hài lòng nơi chín suối.
Lý Kiến Trúc
Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí Quận Cam
California 27 tháng 7 năm 2011
*Blog Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn hữu là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.