Đường dẫn truy cập

Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai…


Quầy hàng của người Trung Quốc tại Lagos, Nigeria
Quầy hàng của người Trung Quốc tại Lagos, Nigeria

“Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào.” Đó là một câu danh ngôn mà có lẽ ai cũng biết. Và có lẽ, phần lớn đều đồng ý.

Vượt lên trên bình diện cá nhân, trong quan hệ đối ngoại của các quốc gia, người ta cũng có thể nói điều đó: quan hệ đối ngoại tiết lộ rất nhiều bản sắc và bản chất của một chế độ.

Trong bài này, tôi muốn nói đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc trong một hai thập niên vừa qua. Trên lý thuyết và về mặt tuyên truyền, Trung Quốc lúc nào cũng muốn trấn an thế giới: Sự phát triển của họ là một sự “phát triển hòa bình”. Họ không uy hiếp ai và cũng không có tham vọng bá quyền gì cả. Họ chỉ muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người.

Tuy nhiên, không mấy ai tin vào những lời lẽ tuyên truyền ấy. Có nhiều lý do. Một số lý do tôi đã nêu trong các bài trước: một, Trung Quốc không thể giấu giếm tham vọng làm bá chủ của họ qua việc không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng; hai, Trung Quốc cũng không thể lừa dối dư luận khi họ thường xuyên trấn áp Tây Tạng và cũng thường xuyên gây hấn với các nước láng giềng, từ Việt Nam đến Nhật Bản và Philippines. Cần thêm một lý do này nữa: cách thức tiến hành các chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trừ với Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Miến Điện, quả thật, phải công nhận là Trung Quốc hiếm khi can thiệp vào nội bộ các nước khác. Từ một hai thập niên vừa qua, họ gia tăng các mối hợp tác song phương cũng như nâng cao mức viện trợ cho rất nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Trung Á. Thường, họ không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì cả. Họ nhắm mắt làm ngơ trước tội ác của các chế độ độc tài, bất chấp việc các chế độ độc tài ấy nhũng nhiễu, thậm chí, giết hại dân chúng của họ như thế nào. Họ mặc kệ.

Đó chính là sự khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc và Tây phương.

Hầu hết các quốc gia Tây phương, khi đặt quan hệ với một nước khác, đặc biệt khi đóng vai trò kẻ gia ân, thường nêu lên một số điều kiện nhất định, bao gồm, thứ nhất, chính quyền các nước ấy phải tôn trọng nhân quyền và từng bước tiến tới dân chủ; thứ hai, chính quyền các nước ấy phải chứng tỏ họ có khả năng quản trị để tiền viện trợ không bị lãng phí hay thất thoát vì tham nhũng. Trong trường hợp một số nước không đáp ứng được hai điều kiện đó, Tây phương sẽ tuyên bố cúp viện trợ, thậm chí, đôi khi gây sức ép hoặc trực tiếp tiến hành các cuộc thay đổi chế độ.

Trung Quốc thì khác. Họ chỉ nhắm đến kinh tế. Các quốc gia họ tiến tới làm thân sớm và chặt chẽ nhất là các nước có nhiều dầu khí, từ Venezuela ở Nam Mỹ đến Nigeria và Sudan ở châu Phi, Kazakhstan ở Trung Á, Yemen ở Tây Á và Iran ở Trung Đông. Họ viện trợ và xóa nợ cho vô số các quốc gia Phi châu với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Mới đây, Trung Quốc tài trợ hoàn toàn cho việc xây dựng tổng hành dinh của Liên đoàn Phi châu (African Union) ở Ethiopia trị giá 200 triệu Mỹ kim; một ngôi đền Hồi giáo cực lớn đủ chỗ cho 120.000 tín đồ cầu nguyện ở Algeria, trị giá đến 1.3 tỉ Mỹ kim; một cái đập khổng lồ ở Ghana trị giá 700 triệu Mỹ kim; một trung tâm hội nghị mênh mông và tráng lệ ở Equatorial Guinea trị giá 800 triệu Mỹ kim; một khu phố rộng lớn bao gồm 710 căn hộ đủ chỗ ở cho 120.000 người, trường học, trung tâm thương mại và các bãi đậu xe ở Angola trị giá đến 3.5 tỉ Mỹ kim; một xa lộ dài 50 cây số (31 miles), được xem là rộng nhất Đông Phi, trị giá 300 triệu Mỹ kim ở Kenya.

Viện trợ một cách hào phóng như vậy, Trung Quốc đòi hỏi điều gì? Họ chỉ đòi hỏi hai điều kiện: Một, không đặt quan hệ chính thức với Đài Loan và hai, ủng hộ các tổ chức quốc tế của Trung Quốc. Hết.

Còn chuyện các nước ấy tham nhũng ư? – Họ không cần biết. Các nước ấy đàn áp dân chúng nước họ một cách dã man ư? – Họ cũng không cần biết. Cũng như họ ngoảnh mặt không cần biết chính phủ Iran âm mưu chế tạo bom nguyên tử có thể gây hiểm họa trong khu vực như thế nào, và chính phủ Syria tàn sát dân chúng nước họ trong cuộc tranh đấu đòi hỏi dân chủ như thế nào. Họ không cần biết. Vấn đề nhân quyền không nằm trong bảng từ vựng đối ngoại của họ.

Chính vì thế một số học giả mới nhận định: Các chính phủ thất bại (failed states, hiểu theo cả hai nghĩa, quản trị tồi và không có dân chủ), với Tây phương là một vấn đề; với Trung Quốc, là một cơ hội.

Sự khác biệt ấy cho thấy một số điểm quan trọng trong các chính sách của Trung Quốc:

Thứ nhất, họ chỉ nhắm đến các lợi ích kinh tế chứ hoàn toàn không có một bảng giá trị nhân văn nào cả. Thậm chí, họ cũng không chia sẻ với bảng giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại, trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất là: tôn trọng quyền làm người và sự công chính. Chính vì điều này, nhiều người không tin là Trung Quốc có thể trở thành siêu cường quốc có khả năng thay thế Mỹ để lãnh đạo thế giới.

Thứ hai, trong việc theo đuổi cái lợi về kinh tế, họ chỉ nhắm đến những cái lợi gần gũi trước mắt. Vì thế họ dễ dàng kết giao với những quốc gia bị mọi người phê phán gay gắt và lúc nào cũng đứng trước nguy cơ bị sụp đổ, như Zimbabwe, Yemen, Sudan, Syria, Miến Điện và Bắc Hàn. Chính vì điều này, nhiều người không tin Trung Quốc có tầm nhìn chiến lược lâu dài trên phạm vi toàn cầu.

Thứ ba, không chia sẻ một bảng giá trị và niềm tin chung, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác chỉ dừng lại ở mức hòn bấc ném qua hòn chì ném lại chứ không dẫn đến bất cứ một quan hệ đồng minh nào cả. Chính vì điều này, nhiều người, kể cả các học giả Trung Quốc, không tin là nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ, Trung Quốc có thể nắm được ưu thế: Trong khi Mỹ có vô số đồng minh sẵn sàng lao ra chiến trường với họ, Trung Quốc không có ai cả.

Từ chính sách đối ngoại chung như thế, chúng ta không thể không nghĩ ngợi về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Cũng giống như trong quan hệ với các nước khác ở Nam Mỹ, Nam Phi và Trung Đông, Trung Quốc xem cái “chính quyền thất bại” (failed state) ở Việt Nam là một cơ hội. Không những là cơ hội cho việc phát triển kinh tế mà cho cả việc phát triển chính trị cũng như lãnh thổ và lãnh hải của họ không chừng.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG