Hầu hết các nước châu Phi sẽ không đạt được những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đề ra cho năm 2015 do sự chênh lệch giữa phát triển kinh tế và phát triển con người. Đó là một trong những kết luận trong báo cáo hàng năm của Liên Hiệp Quốc năm nay về các nước kém phát triển, được công bố hôm thứ Năm.
Mặc dù đạt được tăng trưởng kinh tế trong những thập niên vừa qua, hầu hết các nước châu Phi sẽ không đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm tới.
Giới chức phụ trách Vấn đề Kinh tế của Liên Hiệp Quốc cho châu Phi, Junior Davis, nói rằng các nước châu Phi đã không thể biến tăng trưởng kinh tế của họ thành sự chuyển dịch cơ cấu.
"Chúng tôi nghĩ rằng sở dĩ như vậy là vì các nước này đã không tập trung hiệu quả vào việc xây dựng những thứ mà chúng tôi gọi là năng lực sản xuất của mình. Đây là những năng lực cơ bản về phát triển con người và phát triển kinh tế cần có để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, khi được hoạch định, phần lớn bỏ qua nhu cầu phải phát triển năng lực sản xuất."
Các nước châu Phi cũng không kịp giảm phân nửa tình trạng nghèo túng đến năm 2015 và tiến bộ tổng thể về việc giảm đói còn tương đối chậm. Nghèo túng làm hạn chế sự phát triển con người và làm suy yếu năng suất. Phát triển kinh tế là cần thiết để đem lại tiến bộ cho sự phát triển con người.
Ethiopia, Rwanda, Uganda và Malawi là bốn nước châu Phi duy nhất đang trên đường đạt được đa số những Mục tiêu Phát triển. Các nước này đang đạt được tiến bộ vì đầu tư mạnh vào lĩnh vực giúp phát triển bền vững như cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.
Chương trình phát triển sau năm 2015 cho các nước yếu, nơi mà việc quản trị vẫn còn là một vấn đề - như Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo - sẽ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để đạt được phát triển kinh tế và xã hội, theo lời giới chức Davis:
"Vì vậy, chúng tôi xem xét những thứ như phát triển nông thôn, nâng cao năng suất trong ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, và xem xét những cách mà qua đó có thể có một mô thức tăng trưởng không chỉ bền vững mà còn đem lại nhiều việc làm. Bởi vì chúng tôi xem tăng trưởng công ăn việc làm giữ vai trò trọng tâm trong bất kỳ chiến lược phát triển nào nhằm giảm nghèo một cách bền vững."
Một nước được xếp vào danh sách những Quốc gia Kém Phát triển dựa trên thu nhập bình quân đầu người, tính dễ bị tổn thương về kinh tế và những chỉ số phát triển con người như y tế và dinh dưỡng.
Trong số 48 quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, 34 quốc gia là ở châu Phi. Ba quốc gia thoát khỏi danh sách Kém Phát triển nhất là Botswana, Cape Verde và Samoa.