Đường dẫn truy cập

Hậu giãn cách xã hội tại Việt Nam: Kẻ khóc, người cười


Một biển báo đề phòng sự lây lan của Covid-19 tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, một điểm du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Bắc
Một biển báo đề phòng sự lây lan của Covid-19 tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, một điểm du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Bắc

Việt Nam đã mở cửa trở lại được gần 3 tháng kể từ sau khi lệnh giãn cách xã hội được ban thành vào cuối tháng 3 để đề phòng sự lây lan của Covid. Thời điểm hiện tại đã vào chính hè, học sinh sau thời gian học bù và thi chuyển cấp giờ cũng đã được nghỉ học. Hậu giãn cách xã hội, các tuyến bay quốc tế chưa được nối lại, khách du lịch quốc tế không có, các khách sạn, rerort và các tour du lịch đua nhau giảm giá để lôi kéo du khách trong nước. Việt Nam nói không phát hiện trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng trong suốt hơn 3 tháng qua. Đó là những lý do khiến cho người dân tại các thành phố lớn đổ di du lịch trong những tuần gần đây.

Du khách cảm thấy được lợi vì hiếm khi các cơ sở lưu trú, vé tham quan di tích và các tour du lịch lại có giá hời như vậy. Các cơ sở lưu trú và dịch vụ liên quan đến khách nước ngoài thì lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và tình trạng người lao động thất nghiệp kéo dài đã hiển hiện.

Người cười

Bà Nguyễn Ngọc Lan, một phụ nữ ở tuổi nghỉ hưu, cư dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vừa được con gái ở nước ngoài mời đi một chuyến du lịch từ Nam ra Bắc ghé qua hầu hết những điểm du lịch đáng chú ý như Sài Gòn, Mũi Né, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An và Huế trong vòng 11 ngày với chi phí chỉ hơn 20 triệu đồng. Theo bà thì đi du lịch chưa bao giờ rẻ đến thế.

Nếu vào thời điểm bình thường, hai vợ chồng nghỉ hưu như ông bà sẽ không bao giờ có tiền đi một chuyến như vậy; cô con gái dù ở nước ngoài cũng khó mời được bố mẹ vì dẫu sao vẫn còn nhiều chuyện phải lo toan. Giá phòng khách sạn 5 sao nếu đặt sớm chỉ trong khoảng từ 600 cho tới trên 1 triệu đồng/ đêm. Giá vé tham quan nhiều điểm du lịch cũng giảm tới 50%. Hơn nữa, do hai vợ chồng đi sớm, khi học sinh vừa mới bắt đầu nghỉ hè,nên các điểm du lịch từ Mũi Né cho tới Huế đều khá vắng vẻ, không phải chịu cảnh chen lấn, xô bồ. Việc đi lại và đặt phòng khách sạn rất dễ dàng, thuận tiện.

“Nếu vào dịp khác chắc là đắt lắm đấy. Giá cả phải nói là giảm tới 50%, vé tham quan cũng giảm một nửa, chỉ còn 75.000 VND/người vào thăm Đại Nội Huế, thay vì 150.000 VND như mọi khi. Nếu không phải mùa Covid thì không chỉ đắt đỏ mà còn đông đúc, láo nháo lắm, chứ không được vắng vẻ, yên tĩnh, thoải mái như bây giờ đâu,bà Lan nói.

Các đơn vị quảng bá du lịch và các điểm đến hiện nay, dù chưa có thu nhập tốt bằng lúc trước, nhưng không chịu ảnh hưởng nhiều vì địa phương nào, cơ sở lưu trú nào cũng muốn giới thiệu những chương trình giảm giá để cạnh tranh, “hút” khách nội địa.

Chị Nguyễn Thuỳ Trang, quản lý một tạp chí du lịch tại Hà Nội, cho biết từ sau khi mở cửa trở lại, tạp chí của chị liên tục nhận được hợp đồng quảng bá của nhiều khu resort lớn, mới mở cửa, với nhiều chương trình giảm giá tương đối hấp dẫn. Vì thế công ăn việc làm của anh em trong tạp chí cũng khá ổn trong điều kiện hiện tại, chứ không hề gặp khó khăn như các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là những doanh nghiệp chuyên làm tour cho khách quốc tế. Theo chị, dù các cơ sở lưu trú như resort, khách sạn đang gặp khó khăn do nguồn khách quốc tế mất hoàn toàn nhưng việc quảng bá là không thể không thực hiện, nếu không nguy cơ mất luôn cả nguồn khách nội địa là không nhỏ. Trong hoàn cảnh hiện tại thì được khách nào hay khách đấy, giá rẻ cũng phải chấp nhận. Vì thế, tạp chí du lịch của chị không lo thiếu việc và thu nhập.

Em thì trộm vía sau đợt mở cửa trở lại thì có rất nhiều resort mới mở họ có nhu cầu quảng bá. Khách quốc tế không có mà lại mới mở cửa, khách nội địa cũng không thì làm sao được, vì thế họ vẫn bỏ tiền ra làm hợp đồng với mình, nên em vẫn làm được từ đấy đến giờ. Chỉ có những khách sạn ở thành phố như Hà Nội và TPHCM chuyên phục vụ khách nước ngoài và khách business là rất khó khăn đấy,chị Trang chia sẻ thêm.

'Kẻ khóc'

Trong toà khách sạn 50 phòng của gia đình ở quận 1 TPHCM chuyên phục vụ khách nước ngoài và Việt kiều, chị Hoàng Hương lo lắng cho biết suốt từ sau Tết đến nay, việc kinh doanh đã rất chậm. Chị phải trợ cấp một khoản cho hơn 10 nhân viên về quê tạm nghỉ việc. Cho tới giờ đã gần 6 tháng trôi qua, khoản trợ cấp thực tế đã hết từ lâu, các nhân viên từ nhiều tuần này đã gọi điện hỏi chị có thể quay trở lại làm việc chưa, nhưng chị chưa cho bất kỳ ai quay trở lại. Hiện tại mỗi tháng, khách sạn may lắm cũng chỉ đón được vài khách, thậm chí không đủ trả tiền điện chứ chưa nói đến những chi phí vận hành khác.

Nhưng theo chị Hương, gia đình chị vẫn còn quá may mắn khi cơ sở lưu trú này là thuộc sở hữu của gia đình nên vẫn có thể gắng gượng được trong thời gian tới.

Đến 70% khách sạn ở quận 1 này đã mở cửa trở lại đâu, vẫn đóng cửa. Nếu như khách sạn là của mình như nhà mình, thì mình có thể mở lại được, chứ họ đi thuê thì họ đâu có mở cửa trở lại, vì mở cửa trở lại thì phải trả tiền thuê cho chủ. Bây giờ có làm ăn gì được đâu, làm gì có khách, nên họ mở làm gì. Còn mình thì mở cũng chỉ gọi là để trang trải được tiền điện nước là mừng rồi, chứ lương nhân viên là hoàn toàn phải bỏ ra,’’chị Hương chia sẻ và bày tỏ lo lắng rằng dịch bệnh kéo dài thì còn khó khăn hơn nữa.

Ngoài những nhân viên làm việc trong lĩnh vực khách sạn chịu cảnh mất việc, phải trở về quê thì những lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch hiện cũng đang trong cảnh “đường cùng”.

Anh Nguyễn Hoàng Sơn, một trưởng phòng kinh doanh hàng miễn thuế cho một doanh nghiệp nước ngoài tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, cho biết từ tháng trước anh và đồng nghiệp chỉ nhận được 50% tiền lương và dự kiến trong tháng 8 tới đây toàn bộ nhân viên của công ty sẽ làm việc không lương vì hoàn toàn không có nguồn thu. Trong hoàn cảnh có 3 con nhỏ, thu nhập của người vợ cũng ít ỏi, anh Sơn đã bắt đầu gửi hồ sơ xin việc đến các đơn vị khác với hy vọng mong manh là “biết đâu đấy sẽ có nơi nhận” ở cái tuổi ngoài 40 của mình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG