Hơn 130,000 người tị nạn đã từ Syria tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày qua, khi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi Giáo tiến về thị trấn Kobane giáp biên giới Syria. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đụng độ với hàng trăm người biểu tình Kurd, nhiều người trong số đó muốn vượt qua biên giới vào Syria để giúp những đồng bào Kurd tránh khỏi một vụ thảm sát. Nhóm phiến quân, còn được gọi là ISIL hoặc ISIS, đã đưa ra tuyên bố hôm thứ 2 nhằm thúc giục những chiến binh Hồi Giáo tiêu diệt người phương Tây từ những nước tham gia vào chiến dịch chống lại nhóm này. Thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA ở London có bài tường thuật.
Các chiến binh người Kurd ở bắc Syria đang chiến đấu để ngăn chặn đà tiến quân của nhóm nhà nước Hồi Giáo. Một thanh niên 19 tuổi, Dalil Boras, đã quay một đoạn video bằng điện thoại di động của anh. Hôm chủ nhật, anh đã dẫn gia đình vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây anh dự định quay lại Syria.
Anh Boras nói: "Cuộc chiến này thật là tàn bạo bởi vì ISIS có đến 50 xe tăng. Họ đã chiếm đóng khoảng 50 làng mạc và họ vẫn tiếp tục tiến lên và giết hại tất cả mọi người, trẻ em, phụ nữ, bất kỳ người Kurd nào. Họ cho rằng những người đó là những kẻ bội giáo."
Dòng người tị nạn này đã khiến cho Ankara phải đóng một số trạm kiểm soát biên giới.
Ngược lại, hàng trăm chiến binh người Kurd - nhiều người trong số đó là thành viên của Đảng PKK, là đảng đòi ly khai bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ - đã tới Syria để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Các quan chức đã tìm cách ngăn chặn luồng di chuyển này bằng cách bắn hơi cay và vòi rồng để đẩy lui nhóm người biểu tình. Ông Zeynap Kaya của Trung Tâm Trung Đông tại Trường Kinh Tế London cho biết: "PKK bị Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố. Vì vậy về mặt logic mà nói, họ không muốn làm cho PKK mạnh lên. Và việc giúp các phiến quân người Kurd ở Syria, dù rằng họ đang chống lại ISIS, sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp giúp PKK."
Nhưng ông Kaya nói thêm rằng nếu các phiến quân Nhà nước Hồi Giáo tiến hành một cuộc tàn sát ở Kobane, người Kurd có thể đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ vì không để họ bảo vệ các vùng đất của người Kurd.
Ông Kaayaa nói tiếp: "Ngay lúc này, Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đang nói chuyện, đang đàm phán. Và điều đó đã làm giảm đi sự phẫn nộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 năm vừa qua. Nhưng giờ đây nếu Thổ Nhĩ Kỳ gián tiếp gây ra các hành động bạo lực của ISIS thì người Kurd sẽ cảm thấy sự phẫn uất đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong lâu dài."
Sự phẫn nộ này bùng lên từ những cáo buộc rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã nương tay - hoặc thậm chí giúp đỡ - các chiến binh Hồi Giáo nước ngoài.
Ông Kaya nhận định rằng: "Đã có nhiều nguồn tin - từ quốc tế và trong khu vực - cho rằng các chiến binh chiến đấu cho ISIS và các nhóm khủng bố bạo động đã vào khu vực này qua các biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ."
Nhưng mối rủi ro đối với Ankara khi hỗ trợ các nhóm Hồi Giáo ở Syria có thể là quá cao, theo nhận xét của ông Afzal Ashraf của Viện Các Quân Chủng Thống Nhất Hoàng Gia London.
Ông Ashraf nói: "Thổ Nhĩ Kỳ không hề có ý định hỗ trợ các phiến quân Hồi Giáo bởi vì các phiến quân Hồi Giáo đã gây ra rất nhiều rắc rối cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, và họ đã bị nhắm làm mục tiêu, cho nên tôi không thấy bất cứ lý do gì để Thổ Nhĩ Kỳ làm như vậy."
Nếu như một cuộc tàn sát xảy ra ở Kobane thì Hoa Kỳ và các đồng minh có thể sẽ phải tiến hành các cuộc không kích trên đất Syria - lý tưởng là với sự nhất trí của chính phủ Syria, ông Ashraf cho biết.
Ông Ashraf cho biết: "Lợi ích của phương Tây trong các cuộc tấn công chính là lợi ích của chính quyền Assad. Và cùng lúc đó chính quyền Assad có thể ngăn chặn các lực lượng này không cho chúng chiếm thêm phần đất nào nữa. Bởi vì những phần đất không được cai quản có thể nói là dưỡng khí cho sự tồn tại của nhóm phiến quân này."
Trong khi đó nhóm Nhà nước Hồi Giáo đã kêu gọi các chiến binh Hồi Giáo ở phương Tây tiến hành tấn công vào Mỹ và Pháp - là 2 nước cho đến thời điểm này đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào nhóm này ở Iraq. Các nhà phân tích an ninh nói không có dấu hiệu cho thấy một kế hoạch khủng bố cụ thể nào.