Đường dẫn truy cập

Bộ Y tế: Hàng trăm người ‘bất hợp tác’ trong truy vết lây nhiễm COVID-19


Lính biên phòng canh gác tại một chốt ở Điện Biên hôm 26/1 ngay trước khi đợt lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng lần thứ 3 bùng phát ở Việt Nam. Hàng trăm người dân được cho là "không hợp tác" trong việc khai báo y tế để phục vục truy vết lây nhiễm bệnh.
Lính biên phòng canh gác tại một chốt ở Điện Biên hôm 26/1 ngay trước khi đợt lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng lần thứ 3 bùng phát ở Việt Nam. Hàng trăm người dân được cho là "không hợp tác" trong việc khai báo y tế để phục vục truy vết lây nhiễm bệnh.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết có hàng trăm người ‘bất hợp tác’ với các cơ quan chức năng trong việc khai báo y tế để phục vụ truy vết lây nhiễm virus corona giữa đợt bùng phát thứ 3 trong cộng đồng chỉ vài tuần trước Tết Nguyên đán.

Theo chính phủ Việt Nam cho biết, có tới 20% bệnh nhân mắc COVID-19, còn được gọi là F0, khi được phát hiện và liên hệ đã “không hợp tác với cơ quan chức năng” trong lúc Việt Nam đang vật lộn với đợt bùng phát dịch mới trong cộng đồng.

“Việt Nam rơi vào đợt bùng dịch thứ 3,” báo điện tử Chính phủ VGP News cho biết. “Hàng trăm F1 (ca tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh) đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do ‘tôi rất khoẻ, tôi có làm sao đâu.’”

Đợt bùng phát dịch trong cộng đồng lần thứ 3 ở Việt Nam bắt đầu hôm 27/1 sau khi 83 ca nhiễm COVID-19 được phát hiện tại hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, giữa lúc hàng nghìn đại biểu về Hà Nội tham dự Đại hội Đảng 13 và người dân di chuyển để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau đó ra quyết định phong toả thành phố Chí Linh ở Hải Dương và dừng hoạt động sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh cũng như yêu cầu khoanh vùng, cách ly và truy vết “thần tốc” trên diện rộng.

Theo Bộ Y tế, công tác truy vết, lượng người từ “ổ dịch Hải Dương” đã di chuyển đến các địa phương khác rất lớn và tiếp xúc với nhiều người, khiến việc truy vết và theo dấu ca bệnh gặp khó khăn.

“Chỉ có 1%” trong số những người tiếp xúc trực tiếp với các ca dương tính “tự báo tin với cơ quan chức năng” và “99% là kết quả tìm kiếm,” theo thứ trưởng Bộ Y tế Bùi Thế Duy.

Còn theo Phó tổ trưởng Tổ thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 Nguyễn Thế Trung được Lao Động trích lời nói “có đến 20% các F0 không hợp tác… Thậm chí có người chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết.”

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, những người tiếp xúc với người dương tính với COVID-19 phải khai báo y tế và thực hiện biện pháp cách ly theo quy định.

Người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế các ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 5-10 triệu đồng, theo quy định của Nghị định số 117.

Trong đợt bùng phát dịch mới nhất, hơn 100 cô giáo và học sinh của trường tiểu học Hiến Thành ở Hải Dương đang bị cách ly khỏi gia đình trong những ngày giáp Tết, theo Tuổi Trẻ.

Trong khi đó những người đến từ vùng dịch hay đi qua vùng dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam cũng bị cách ly tập trung ít nhất 14 ngày, theo quy định của Bộ Y tế.

VnExpress hôm 1/2 đưa ra bài viết với tiêu đề “Kỳ thị khiến 20% F0 COVID-19 không hợp tác khai báo” về việc tại sao nhiều ca nhiễm bệnh không hợp tác trong việc khai báo y tế. Tuy nhiên theo tìm hiểu của VOA, bài viết này đã không còn truy cập được chỉ vài giờ sau khi đăng tải dù vẫn hiển thị trong phần tìm kiếm.

Trước thông tin hàng trăm người “bất hợp tác” trong khai báo y tế, Bộ Y tế ra thông báo khẩn kêu gọi người dân cung cấp thông tin về các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và gọi hành động này là “góp phần bảo vệ Tổ Quốc và góp sức để chúng ta được đón một cái Tết ấm áp.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đồng thời là người đứng đầu ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Việt Nam, hôm 1/2 cũng lên tiếng kêu gọi người dân “tận dụng tối đa phương tiện, công cụ truyền thông xã hội để khai báo y tế, phục vụ truy vết,” theo VietNamNet.

Tính đến ngày 1/2, Việt Nam có 1.850 ca nhiễm, trong đó bao gồm hàng trăm ca nhiễm mới từ đợt bùng phát dịch mới nhất trong vài ngày qua, với 35 trường hợp tử vong.

Để đối phó với đợt bùng phát mới, Việt Nam đã cấp tốc phê duyệt mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca, được cho là có giá rẻ nhất trong các loại vaccine COVID-19 do Mỹ hoặc châu Âu phát triển. Theo VnExpress, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường hôm 1/2 chính thức ký phê duyệt mua loại vaccine này.

Với tỷ lệ người người nhiễm bệnh và tử vong vì COVID-19 thấp so với số dân hơn 96 triệu người, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành công trong việc đối phó với đại dịch trong lúc vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế dương giữa bối cảnh hầu hết các quốc gia khác trên thế giới rơi vào khủng hoảng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG