Một phúc trình mới cho biết có hàng ngàn trẻ em tại Tây Phi mất cha hoặc mẹ hay cả hai vì dịch bệnh Ebola và nhiều em bị thân nhân trong gia đình ruồng bỏ vì sợ bị lây nhiễm.
Phúc trình ngày hôm nay của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc nói có 3.700 trẻ em tại Guinea và Sierra Leone đã mất cha hoặc mẹ kể từ khi Ebola bùng phát vào cuối năm ngoái.
Ông Manuel Fontaine, giám đốc vùng Tây và Trung Phi của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc nói các trẻ em mồ côi vì Ebola thường thường được gia đình nuôi dưỡng, nhưng trong một số cộng đồng, nỗi lo sợ Ebola đã trở nên mạnh mẽ hơn các mối liên hệ gia đình.”
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc nói đang hỗ trợ về xã hội cũng như tâm lý cho các trẻ em tại 3 nước bị Ebola tác hại. Tổ chức này cho biết thêm tại Sierra Leone, tổ chức đang có kế hoạch huấn luyện cho những những người bị lây nhiễm Ebola nhưng sống sót - những người này miễn nhiễm đối với virút Ebola - chăm sóc cho những trẻ em tại các trung tâm chữa trị Ebola.
Ebola đã lây nhiễm cho hơn 6.500 người và giết chết hơn 3.000 người tại Tây Phi trong vụ dịch bệnh bùng phát hiện nay.
Tổ chức Y tế thế giới và trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừ Dich bệnh Hoa Kỳ CDC tiên đoán là những trường hợp nhiễm bệnh sẽ gia tăng nhanh chóng trừ phi dịch bệnh được chế ngự.
Chưa có trường hợp lây nhiễm Ebola nào được xác nhận tại Mỹ, nhưng một bệnh viện ở Dallas, Texas nói đã cách ly nghiêm ngặt một bênh nhân để dánh giá về bệnh này.
Bệnh viện Hội thánh Trưởng lão Texas cho biết đã có hành động này căn cứ trên những triệu chứng và những chuyến đi gần đây của bệnh nhân.
Bệnh viện nói đã theo sát những khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân, nhân viên và khách đến thăm, và CDC hy vọng sẽ có kết quả sơ khởi về tình hình của bệnh nhân này vào ngày mai.
Hiện không có thuốc chữa hay thuốc chủng cho Ebola, một căn bệnh hiểm nghèo gây nên nôn mữa, tiêu chảy và xuất huyết không giải thích được, và lây lan do tiếp xúc với dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.
Vào thứ Hai, Liên hiệp quốc đã khai trương các trụ sở cho sứ mạng mới chống lại Ebola, đặt căn cứ tại Accra, thủ đô Ghana. Đây là lần đầu tiên Liên hiệp quốc thành lập một phái bộ y tế khẩn cấp.