Croatia đã chở những người tỵ nạn đến Hungary và yêu cầu Serbia cũng làm như vậy thay vì đưa họ đến Croatia.
Ngày thứ Bảy đến thăm cửa khẩu Strosinci, Bộ trưởng Nội vụ Ranko Ostojic nói sẽ dễ dàng hơn khi đưa những người tỵ nạn trực tiếp đến biên giới Hungary hay đến một trạm tiếp nhận tại Serbia để từ đó họ có thể đến những nơi họ muốn tại châu Âu.
Bộ trưởng Ostojic nói: “Đây là một sự hành hạ đối với những người này. Việc dễ dàng nhất là đưa họ đến cửa khẩu hay tại Hongos hay tại những trạm tiếp nhận có sẵn tại Principovac (bên phần đất của Serbia giáp giới với Croatia.)”
Ngày thứ Bảy có khoảng 3.000 di dân và người tỵ nạn bị kẹt tại thành phố biên giới Strosinci. Theo nhà cầm quyền Croatia, những người này được các xe buýt Serbia bỏ xuống một cánh đồng trống và yêu cầu đi bộ đến lãnh thổ Croatia.
Cảnh sát Croatia, dân làng địa phương và những người tình nguyện của Hội Chữ thập Đỏ đến tiếp cứu vì họ bị lạc đường.
Trong khi đó Đức cho biết đã tiếp nhận 200.000 di dân và người tỵ nạn trong 6 tháng đầu năm nay, 40% những người này là người Albania, Kosovo, Macedonia và Serbia trốn khỏi cảnh thất nghiệp và nghèo túng để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Con số người Kosovo đệ đơn xin tỵ nạn tại Đức tăng từ 3.000 người trong 6 tháng đầu năm 2014 lên đến 32.000 người trong cùng kỳ năm nay. Con số người tỵ nạn Albania cũng tăng từ 4.500 người lên đến 29.000 người.
Ngày thứ Sáu, tại New York, Thủ tướng Slovenia, ông Miro Cerar, tại Hội nghị thượng đỉnh Phát triển của Liên hiệp quốc nói rằng vụ khủng hoảng di dân đòi hỏi “hành động khẩn cấp” để giải quyết “nguyên do gốc rễ” của vấn nạn này.
Ông Cerar cho biết nước ông và các nước khác ở Âu châu đang ra sức giải quyết vụ khủng hoảng ở Âu châu “ với lòng nhân đạo và tình liên đới, nhưng cũng với an ninh.”
Ông nói “Chúng ta nên chung sức để chống nạn di dân bất hợp pháp và trấn áp những hoạt động đưa lậu di dân và chuyển lậu người.”
Cũng trong ngày thứ Sáu, Croatia đã huỷ bỏ những hạn chế tại cửa khẩu chính với Serbia, chấm dứt một tuần lễ xích mích phát sinh từ việc hàng vạn người di dân vượt qua biên giới giữa hai nước này.
Các số liệu chính thức được công bố hôm thứ Sáu cho thấy có khoảng 65.000 người trốn chạy chiến tranh và nghèo đói ở Trung Đông và Phi châu đã vào Croatia trong vài ngày qua từ nước láng giềng ở phía đông.