Nếu như hồi thập niên 1960, các cặp kết hôn ở Mỹ chiếm 72% số người ở độ tuổi kết hôn, thì giờ đây con số này chỉ còn là 51%, một con số được coi là thấp kỷ lục từ trước tới nay.
Theo các phân tích của trung tâm nghiên cứu Pew ở Hoa Kỳ, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010, số các cặp kết hôn mới ở Mỹ đã giảm 5% mỗi năm.
Các chuyên gia phân tích cho rằng nếu xu hướng này tiếp diễn thì số những cặp kết hôn ở Mỹ sẽ giảm xuống dưới 50% trong vài năm tới, trong khi số các cặp dọn về sống cùng nhau nhưng không kết hôn sẽ gia tăng.
Vậy điều gì đã khiến ngày càng nhiều người Mỹ dọn về sống cùng nhau nhưng lại trì hoãn việc kết hôn, hoặc không muốn kết hôn?
Theo các phân tích gia, vụ suy thoái kinh tế trầm trọng nhất ở Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930 là một trong những lý do khiến cho tỷ lệ các cặp dọn về sống cùng nhau gia tăng và tăng 13% trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010. Tình hình kinh tế khó khăn cũng đã khiến nhiều cặp không có đủ tài chính để trang trải cho đám cưới của họ.
Một thống kê trên trang web Theknot.com cho thấy trong năm 2009 trung bình mỗi cặp phải chi tới 27.000 đôla để tổ chức một đám cưới theo truyền thống.
Chi phí cho đám cưới dĩ nhiên không phải là lý do tài chính duy nhất mà một cặp xem xét tới khi quyết định liệu có nên kết hôn hay không hoặc là khi nào thì họ nên kết hôn. Nhiều người cũng nghĩ đến việc liệu họ có đủ khả năng tài chính để lo toan cho gia đình hay không.
Bà D’Vera Cohn là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Pew. Nhóm nghiên cứu của bà đã tiến hành một cuộc khảo sát để lấy ý kiến của mọi người xem họ có cho rằng việc chu cấp cho gia đình có phải là một điều quan trọng khi đi đến quyết định kết hôn hay không.
Bà D’VERA COHN nói “Phần lớn mọi người đều cho rằng việc người đàn ông có khả năng chu cấp cho gia đình là điều rất quan trọng để đi đến việc kết hôn, trong khi một phần ba số người được hỏi cho rằng phụ nữ có khả năng chu cấp cho gia đình là điều quan trọng để kết hôn.”
Mặc dù nhiều người Mỹ có thể đồng ý rằng các cặp nên có đủ điều kiện tài chính trước khi kết hôn, nhưng tình hình kinh tế yếu kém đã khiến cho khả năng này càng trở nên khó đạt được. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng gấp đôi so với năm 2007 và ở mức 8,6% trong tháng 11 năm 2011.
Bà D'Vera Cohn nói rằng tình hình tài chính cũng có thể là lý do khiến cho nhiều cặp quyết định sống cùng với nhau nhưng không kết hôn.
“Chúng tôi đã hỏi những cặp sống cùng với nhau là liệu lý do tài chính gia đình có đóng vai trò nào trong quyết định dọn về sống cùng nhau của họ hay không. Và khoảng 1/3 những cặp từng sống với nhau nhưng không kết hôn trả lời là 'có'. Vì vậy có dấu hiệu cho thấy tài chính cũng là lý do khi các cặp quyết định sống chung với nhau.”
Điều đó có nghĩa là nhiều cặp thấy rằng họ có thể tiết kiệm khi dọn về sống chung với nhau.Nhưng họ có thể không có đủ tiền để kết hôn.
Ông Brad Wilcox là một giáo sư xã hội học tại trường đại học Virginia và là giám đốc một tổ chức ủng hộ việc kết hôn. Ông nói rằng phần lớn người Mỹ ngày nay muốn có một đời sống đầy đủ kiểu tầng lớp trung lưu sau khi họ kết hôn. Họ muốn có nhà, có xe hơi, có quần áo đẹp, và đối với những người không có nhiều tiền thì khó mà có thể có được cuộc sống như vậy.
Kể từ năm 1960, tuổi kết hôn trung bình ở Mỹ cũng đã tăng khoảng 6 tuổi đối với cả nam và nữ. Hồi năm 1960, 59% số cặp kết hôn ở độ tuổi từ 18 đến 29 chiếm 59%, nhưng nay con số này chỉ còn 20%.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quyết định kết hôn: đó là bằng đại học. Theo số liệu mới nhất, phần lớn các cặp kết hôn ở Mỹ đều có bằng đại học và đó cũng là một lý do tại sao người Mỹ trì hoãn việc kết hôn cho tới khi họ học xong đại học, hoặc có thể cho tới khi họ học xong cao học hay thậm chí cho tới khi họ có sự nghiệp đàng hoàng.
Mặc dù có nhiều lý do khiến người Mỹ trì hoãn việc kết hôn hoặc hoàn toàn không muốn kết hôn, nhưng theo bà Nicky Grist, giám đốc tổ chức “The Alternatives to Marriage”, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở New York cổ vũ cho sự bình đẳng và công bằng cho những người không kết hôn, thì việc hai người có kết hôn với nhau hay không không quan trọng bằng việc họ quan tâm đến nhau và gắn bó với nhau.
Bà Grist nói: "Chúng ta có thể thấy ngày càng có nhiều mối quan hệ bền vững, lâu dài, mặc dù đó không phải là một cuộc hôn nhân, nhưng hai người vẫn cam kết quan tâm, chăm sóc cho nhau. Và chúng ta nhận thấy rằng sự quan tâm chăm sóc đó vượt ra ngoài kiểu quan hệ mà chúng ta gọi là hôn nhân. Và xã hội nên ủng hộ chính sự quan tâm, chăm sóc đó.”
(Nguồn: Pew Research Center, LiveScience.com)