Vào năm 2008, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật thường được gọi là Hope II, miễn thuế cho các mặt hàng dệt may Haiti. Công ty Astro Embroidery sở hữu những cơ xưởng tại Honduras, nhanh chóng dọn ngay sang Haiti kinh doanh.
Ông John Park, quản lý công ty Astro Embroidery tại Port-au-Prince cho biết:
“Trước tiên, chúng tôi tới đây vì luật Hope đã được thông qua tại quốc hội Mỹ. Và chúng tôi dự kiến sẽ có nhiều công ty dệt may tới mở cơ sở tại Haiti. Và chúng tôi tới để chuẩn bị những dịch vụ cho họ.”
Hai năm sau, hầu hết các máy may của ông đều ngưng chạy. Nếu hoạt động hết công suất cơ xưởng có thể mướn tới 70 hay 80 nhân viên, nhưng cuối cùng còn có 4 người làm việc. Lý do là các nhà sản xuất trang phục Mỹ đã không tới. Ông Park nói rằng họ e ngại Haiti không phải là nơi đủ ổn định để mở doanh nghiệp.
Ông Stphen Lamar, Phó chủ tịch điều hành của Hiệp Hội các Công ty May mặc và Giày da Hoa Kỳ, nói rằng các công ty Mỹ muốn sản xuất tại Haiti nhưng còn do dự bởi vì những qui luật hiện tại, kể cả Sáng Kiến Vòng Đai Caribê, đều ngắn hạn, và khối lượng hàng hóa được phép nhập vào đất Mỹ quá ít. Ông Lamar nói:
“Điều chúng ta có được ngay lúc này, là người ta đặt hàng trong niềm hy vọng, không phải nói đùa, thỏa ước Vùng Vành đai Caribê sắp được triển hạn. Quả thực trước đây nó đã được triển hạn vài lần nhưng không có gì đảm bảo là lần này nó sẽ được triển hạn nữa.
Nhưng ánh sáng đã lóe lên ở chân trời khi cựu Tổng thống Bill Clinton tới thăm Port-Au-Prince hồi tháng 3, ông đã hứa sẽ tạo áp lực với quốc hội để triển hạn thêm các đạo luật thương mại và gia tăng mức trần những mặt hàng nhập khẩu miễn thuế. Cựu Tổng thống Clinton nói:
“Chúng tôi hứa sẽ làm tất cả những gì có thể làm để những thay đổi được Quốc hội chấp thuận. Những thay đổi này cho phép người ta khai thác đạo luật này đến mức tối đa . Và tôi cho rằng điều đó sẽ tạo ra cả trăm ngàn công ăn việc làm trong một thời gian ngắn.”
Đối với ông John Park thuộc công ty Astro Embroidery thì những triển hạn không tới đủ nhanh. Ông cho biết công ty Astro Embroidery phải dùng tới tiền để dành để có thể tồn tại:
“Chúng tôi cần được giúp đỡ. Nhưng cho tới nay chúng tôi tạm ổn. Chúng tôi có thể tồn tại. Nhưng bây giờ tôi thật sự lo lắng. Chỉ cần một năm nữa nếu không có đủ việc, chúng tôi có thể phải dẹp tiệm.”
Một số câu hỏi được nêu lên là liệu công việc dệt may là chọn lựa tốt nhất cho công nhân Haiti hay không.
Lương tối thiểu của Haiti là 3 đôla một ngày.
Công ty Astro Embroidery trả lương thợ cùng với tiền thưởng tương đương với 6 đô la một ngày. Nhưng Fifi Rico, thợ may của công ty, nói đó không phải khoản lương có thể sống được.
Ông Rico nói: “Bởi vì mức lương đó chỉ đủ cho họ ăn. Không đủ trả tiền nhà.
Hiệp Hội các Công ty May mặc và Giày da Hoa Kỳ nói với VOA, rằng ngành công nghiệp này rất chú trọng tới việc giúp tái thiết Haiti. Ông Lamar cho biết họ đã bắt đầu vận động với Quốc hội Hoa kỳ để cả 2 đạo luật được triển hạn thêm.
Trước khi thiên tai động đất tàn phá Haiti hồi tháng Giêng, ngành dệt may tại đây chiếm 3/4 thu nhập của nước này từ xuất khẩu. Ngành này sử dụng trên 25.000 người. Sau động đất, kết quả ước tính cho biết hoạt động của ngành này chỉ còn 50% so với lúc trước. Các chuyên gia cho rằng nếu những công ty Mỹ bắt đầu sản xuất tại Haiti, thì công nghiệp này có thể tạo ra 100.000 công ăn việc làm. Nhưng theo tường trình của Jeff Swicord từ Port Au Prince thì vẫn còn có những dè dặt: