Đường dẫn truy cập

Hai ứng viên Tổng thống Mỹ phản đối TPP


Ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton phát biểu trước giới truyền thông hôm 6/9/2016.
Ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton phát biểu trước giới truyền thông hôm 6/9/2016.

Cả hai ứng cử viên chủ chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ đều chỉ trích các hiệp định tự do thương mại, nhưng một cuộc khảo sát mới cho thấy đa số cử tri vẫn ủng hộ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và các thỏa thuận tương tự.

Đó là kết luận khá ngạc nhiên của một cuộc khảo sát do Hội đồng Chicago lo về Các Vấn đề Toàn cầu công bố hôm 8/9.

Khoảng 2.000 người tham gia khảo sát và khoảng hai phần ba cho rằng thương mại quốc tế tốt cho nền kinh tế, người tiêu dùng, tiêu chuẩn sống, và các doanh nghiệp Mỹ.

Một phần ba những người tham gia khảo sát nói thương mại quốc tế tốt cho công ăn việc làm tại Mỹ.

Trong cuộc khảo sát, các thành phần gặp khó khăn trong công ăn việc làm và khó khăn về triển vọng kinh tế là những người chỉ trích các thỏa thuận tự do thương mại nhiều nhất. Đặc biệt những người trên 45 tuổi, nhất là nam giới da trắng không có bằng đại học, tỏ ra chỉ trích các chính sách thương mại.

Đây là thành phần dân số đã phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp, thiếu công ăn việc làm, lương bổng thấp và ít cơ hội khi nền kinh tế bớt phụ thuộc vào sản xuất mà phụ thuộc nhiều hơn vào máy tính. Các nhà phân tích cho rằng đây là thành phần ủng hộ quan trọng cho ứng viên bên Đảng Cộng hòa, Donald Trump, người đã đảo ngược truyền thống ủng hộ tự do thương mại bên Đảng Cộng hòa. Ông Trump đánh bại nhiều chính trị gia dày dạn kinh nghiệm trong các vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa một phần bằng cách thu hút nhóm cử tri này.

Ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton, cũng đã chỉ trích các thỏa thuận thương mại, kể cả Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà bà từng ca ngợi khi còn làm Ngoại trưởng. Cựu đối thủ của bà bên Đảng Dân Chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, dành được sự ủng hộ đáng kể một phần là do lập trường mạnh mẽ chống lại các hiệp định thương mại tự do mà ông nói đã đánh mất công ăn việc làm của dân Mỹ.

Trong một cuộc phân tích về toàn cầu hóa, Giáo sư Đại học New York, Ian Bremmer, viết rằng mọi thứ, các tiến trình và công nghệ đang di chuyển vượt rào cản biên giới tự do hơn bao giờ hết. Ông nói rằng dù các thành phần chính của nền kinh tế đang toàn cầu hóa, nhưng ‘con người thì không.’ Ông Bremmer, người sáng lập Nhóm Eurasia, nói đây là một trong những lý do mà các tầng lớp trung lưu ở nhiều nước phát triển bị ‘đào thải’, nghĩa là mất công ăn việc làm khi các nhà sản xuất đưa hoạt động ra nước ngoài để giảm chi phí. Nỗi thất vọng về kinh tế của nhóm quan trọng này tạo ra những áp lực chính trị ngày càng tăng đối với các biện pháp bảo hộ và những nỗ lực khác hạn chế toàn cầu hóa.

Tinh thần chống toàn cầu hóa có thể nhìn thấy ngay từ Quốc hội Hoa Kỳ, nơi đang có sự chống đối từ cả hai đảng đối với việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia mà những người ủng hộ nói rằng sẽ thúc đẩy các nền kinh tế xung quanh Thái Bình Dương. Tổng thống Barack Obama đang đưa vấn đề phê chuẩn TPP lên làm một ưu tiên hàng đầu trong lúc ông gần kết thúc nhiệm kỳ cuối của mình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG