Đường dẫn truy cập

Hai nhà tranh đấu mãn án tù 5 năm, quyết tâm đòi công lý


Nhà hoạt động Ngô Văn Dũng và Lê Qúy Lộc sau khi mãn án tù, tháng 9/2023.
Nhà hoạt động Ngô Văn Dũng và Lê Qúy Lộc sau khi mãn án tù, tháng 9/2023.

Hai nhà hoạt động vì nhân quyền Ngô Văn Dũng và Lê Qúy Lộc vừa mãn án tù 5 năm cho VOA biết rằng hai ông bị “án oan” và quyết tâm đòi công lý vì những việc hai ông làm không sai luật.

Từ Đăk Lăk, ông Ngô Văn Dũng, người còn được biết với tên là Biển Mặn, chia sẻ với VOA về bản án 5 năm tù và 2 năm quản chế với cáo buộc “Phá rối an ninh”:

“Nói đến 5 năm tù thì nó cũng nặng nề thật. Nhưng tôi xem đó như một chuyến rong chơi, nên cũng không có gì nặng nề, không có gì là tiếc nuối”.

“Vừa rồi, với việc làm của tôi, tôi cảm thấy không có gì hối tiếc vì tôi thấy tôi đáng làm. Tôi thật sự muốn nói lên tiếng nói của mình.

“Về bản án 5 năm tù thì lúc nào, kể cả bây giờ và mãi mãi về sau, tôi cũng nói rằng là tôi bị oan, bởi vì tôi không có làm cái gì vi phạm pháp luật, tôi luôn luôn làm những việc pháp luật không cấm”.

Từ Quảng Ngãi, ông Lê Qúy Lộc, người vừa mãn án tù vào giữa tháng 9, chia sẻ ý kiến cá nhân của ông với VOA:

“Bản thân tôi không có tội. Bản án của chính quyền Việt Nam chỉ dành để đàn áp những người đấu tranh cho dân chủ và cho nhân quyền. Những bản án bỏ túi đó không có nghĩa gì đối với tôi.

“Lập trường của tôi thì ở đâu cũng vậy. Lúc ở trong tù tôi vẫn đấu tranh cho anh em phạm nhân, về đời, cũng vậy, tôi vẫn tiếp tục đấu tranh và tiếp tục để giành các quyền được có của dân tộc, quyền được có của người dân Việt Nam”.

Được biết hai ông là những người tham gia trong cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/6/2018. Hai ông bị bắt cùng với một số người khác vào tháng 9/2018 khi vận động cho cuộc biểu tình tương tự tiếp theo, khi họ nỗ lực kết nối với những người cùng chí hướng để tranh đấu cho các quyền căn bản của người dân, bao gồm quyền biểu tình ôn hòa.

Chính quyền Việt Nam kết tội những nhà hoạt động này “phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự, với bản án tổng cộng hơn 40 năm tù giam cho 8 người. Riêng hai ông mỗi người bị án 5 năm tù giam và 2 năm quản chế.

Ông Lộc nói rằng ông sẽ quyết tâm đòi công lý:

“Sau bản án phúc thẩm ngày 8/1/2021, đến ngày 15/1/2021 tôi đã gửi đơn kêu oan lên Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và ngày 25/1/2021 tôi đã gửi đơn kêu oan lên Chủ tịch nước cũng như Chủ tịch Quốc hội. Sau khi tôi mãn hạn tù 5 năm, tôi dự kiến gửi đơn yêu cầu Chánh án TAND Tối cao phúc thẩm lại”.

Việt Nam y án 4 thành viên nhóm Hiến pháp
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:09 0:00

Tương tự, ông Dũng nói:

“Tôi không tin rằng sẽ có công lý, nhưng tôi muốn làm sao đó để họ trả lại án oan sai cho tôi”.

VOA đã liên lạc Tòa án Nhân dân Tối cao và Tòa cấp cao ở Đà Nẵng, đề nghị họ cho ý kiến về việc kêu oan của hai ông Ngô Văn Dũng và Lê Qúy Lộc, nhưng chưa được phản hồi.

Ông Dũng chia sẻ về mục đích chung của các nhà tranh đấu:

“Anh em có cùng chung hướng suy nghĩ và việc làm, và họ chọn việc làm đúng nhất mà họ làm. Và việc họ lên tiếng cũng có mục đích cho đất nước, quê hương Việt Nam đẹp hơn, giàu có hơn”.

Ngoài ra, ông Dũng mong muốn chính quyền trả lại những bài thơ, bản nhạc đã bị tịch thu khi ông bị bắt.

“Cái khát khao nhất của tôi hiện nay như tôi mong muốn và từng đề nghị với trại giam và an ninh về việc tôi có 450 bài thơ và nhạc, nói về tình yêu quê hương đất nước, nói về vợ con và gia đình… và không liên quan đến Đảng, chế độ hay nhà nước hoặc đến chính trị gì cả. Khi tôi về tôi viết rất nhiều đơn để xin đem về nhưng cuối cùng họ không cho giải quyết đem về. Tôi muốn làm sao để được đem tập thơ về làm kỷ niệm”.

Khi hai ông Dũng và Lộc cùng các thành viên trong nhóm bị tuyên án hồi năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ lên tiếng bênh vực: “Chính phủ Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc đến việc Việt Nam kết án và tuyên phạt tám thành viên của tổ chức xã hội dân sự Hiến Pháp tại Việt Nam hơn 40 năm tù.”

Đồng thời Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những ai bị giam giữ bất công và cho phép những cá nhân ở Việt Nam được bày tỏ quan điểm của họ một cách tự do mà không sợ bị trả thù.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời cơ quan chức năng gọi nhóm này là “nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin có nội dung xấu trên mạng xã hội, chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình”.

Điều 25 Hiến pháp 2013 của Việt Nam có quy định về quyền biểu tình của công dân, nói rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Tuy nhiên, mãi cho đến nay và cho đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV vào năm 2026, đất nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo vẫn chưa có Luật Biểu tình hay Luật Lập hội, điều mà các nhà tranh đấu cho là do chính quyền lo sợ “thế lực thù địch chống phá”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG