“Tiến thoái lưỡng nan” về Myanmar là “bóng ma” thứ nhất. Chín nước Đông Nam Á sẽ khó duy trì rốt ráo được nguyên tắc “bất can thiệp” với đường lối cứng rắn của tập đoàn quân phiệt. Tình thế lưỡng nan này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến vai trò trung gian của khối sắp tới khi Campuchia làm Chủ tịch và đó sẽ là “bóng ma” thứ hai.
Myanmar sẽ phải hối tiếc
Thế lưỡng nan về Myanmar thể hiện ngay trong hàng loạt Hội nghị Cấp cao của ASEAN từ 26 – 28/10, nhưng đặc biệt là tại Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 16 ngày 27/10 (EAS). Một mặt, rõ ràng là toàn khối đã “tẩy chay” Myanmar, nhưng trong Tuyên bố cuối cùng của Chủ tịch Brunei, Quốc vương Hassanal Bolkiah vẫn nhân danh mười nước để “truyền chỉ” trong 25 trang giấy. Nhưng đồng thời, toàn khối vẫn phải “rửa mặt” cho tập đoàn quân sự bằng lời thanh minh, ASEAN không “đuổi” lãnh đạo nhóm đảo chính ra khỏi “cuộc chơi”, vị trí trống vắng trên màn hình trực tuyến là do tập đoàn quân sự Myanmar từ chối không tham dự. Quả thật, ngoại giao là nghệ thuật của những điều có thể. Nhưng liệu “trò ảo thuật” này còn kéo dài được bao lâu, khi mà sự đánh giá chung về năng lực của các nước ASEAN trong việc duy trì an ninh của chính họ, không chỉ thông qua cơ sở hạ tầng và sức mạnh quân sự, mà còn thông qua các hoạt động ngoại giao và quản trị đất nước.
Ngày 1/11, theo tờ Straits Times (Singapore), Myanmar và lãnh đạo lực lượng đảo chính Min Aung Hlaing sẽ phải hối tiếc, vì đã bỏ lỡ cơ hội tham gia các cuộc Hội nghị Cấp cao ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) năm nay. Đây là những cuộc họp có nhiều ý nghĩa. Mặc dầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi, nhưng bầu không khí nhìn chúng khá thân thiện. Cả hai cường quốc đã có cùng một giọng điệu mang tính xây dựng về các vấn đề quan tâm chung như hợp tác y tế công cộng, đối phó với biến đổi khí hậu. Thậm chí, các bên còn cùng bảo trợ cho một tuyên bố về sự phục hồi bền vững. Đặc biệt, “Tầm nhìn ASEAN về không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (AOIP) cũng đã nhận được sự ủng hộ vững chắc và mạnh mẽ. Theo Straits Times, sẽ là thảm kịch nếu như các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar tiếp tục đánh giá sai tinh thần và quyết tâm của ASEAN, hoặc nuôi ảo tưởng rằng, áp lực sẽ giảm bớt nếu Campuchia tiếp nhận ghế Chủ tịch vào năm sau.
Chín tháng sau ngày đảo chính, sáng ngày 1/11, trong một phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thống tướng Min Aung Hlaing đã đưa ra lời kêu gọi: “Giờ là lúc toàn thể dân tộc phải chung sức phấn đấy xây dựng quốc gia, bảo đảm sự phát triển và phồn vinh của đất nước”. Tại các cuộc họp khu vực vừa kết thúc tuần trước, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, vẫn tiệp tục bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi chính quyền thực hiện cam kết về sự nhất trí 5 điểm trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4/2021. Cũng đúng vào ngày 1/11, ông Mahn Win Khaing Than, Thủ tướng của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), một chính phủ tồn tại song song với chính quyền quân phiệt, đã cam kết thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, cũng như mở rộng các khu vực do phe đối lập kiểm soát trên toàn quốc.
Vậy là, tuy ASEAN vừa vượt qua được một cột mốc quan trọng với Myanmar tại Thượng đỉnh 38 và 39, nhưng tương lai trước mặt, còn nhiều cột mốc khác đang chờ các bên, từ cả hai phía, tập đoàn quân phiệt và chính phủ đối lập, cùng với các nước trong khối, sẽ tiếp tục “xắn tay” để xử lý khủng hoảng. Trong một diễn biến liên quan, gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu (COP26) ở Glasgow, Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Indonesia Widodo “bày tỏ sự lo ngại về cuộc đảo chính ở Myanmar và kêu gọi quân đội Myanmar phải chấm dứt bạo lực, thả tất cả các tù nhân chính trị và nhanh chóng vãn hồi nền dân chủ”. Tổng thống Biden cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của ASEAN liên quan đến Myanmar, quốc gia mà người đứng đầu quân đội đã bị cấm tham gia các Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của khối vào tuần trước.
Vai trò trung gian bấp bênh
Theo hãng tin Reuters, trong Hội nghị Thượng đỉnh tuần qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng chỉ trích Myanmar và khẳng định rằng, không phải ASEAN loại Myanmar khỏi cuộc họp, mà chính quyền quân sự Myanmar đã từ bỏ quyền của mình. Ông Hun Sen thừa nhận, hiện nay, chúng ta đang ở trong tình trạng “ASEAN – 1”. Điều này không phải do ASEAN, mà tại Myanmar. Đúng vào ngày ông Hun Sen được Brunei trao lại chức Chủ tịch ASEAN tại lễ chuyển giao hôm 28/10, Văn phòng của ông Hun Sen đã chia sẻ một bài bình luận trên Twitter. Bài bình luận này là từ Hãng thông tấn Campuchia (AKP) có đoạn: “Campuchia nên thành lập một lực lượng đặc nhiệm để làm việc với các bên xung đột ở Myanmar một cách lặng lẽ, hoặc thông qua ‘ngoại giao cửa hậu’ để chia sẻ kinh nghiệm về vãn hồi hoà bình và thực thi chính sách cùng có lợi cho tất cả các bên Myanmar”.
Tuy nhiên, khi các hãng truyền thông quốc tế đặt câu hỏi, tại sao Văn phòng Thủ tướng lại liên quan đến bài bình luận của AKP, người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết, bài viết này hoàn toàn là quan điểm cá nhân của một quan chức thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia và nó không phản ánh quan điểm của chính phủ. Ông Phay Siphan nói thêm: “Hiện còn quá sớm để nói bất cứ điều gì. Thủ tướng Hun Sen sẽ cố gắng hết sức để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar. Bình luận này của người phát ngôn chính phủ được đưa ra sau khi hàng Reuters thông tin về việc Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn khẳng định, Campuchia sẽ tiếp tục gây áp lực với chính quyền quân sự để mở một cuộc đối thoại với các đối thủ của họ. Chín tháng sau cuộc đảo chính ngày 1/2/2021 của quân đội, các lực lượng an ninh ở Myanmar đã giết hại 1.220 dân thường và bắt giữ ít nhất 7.049 người, chủ yếu là qua các cuộc đàn áp biểu tình chống chính quyền quân sự.
Thật ra, các nước ASEAN không xa lạ gì với những hệ luỵ mà quân đội Myanmar gây ra, hoặc các cuộc đảo chính ở các nước thành viên, bao gồm cả ở Campuchia và Thái Lan. Myanmar cùng gia nhập ASEAN với Lào khi khối này mở rộng năm 1997 và lúc ấy lẽ ra còn bao gồm thêm cả Campuchia. Nhưng rồi việc gia nhập của Campuchia bị ‘trật đường ray” do cuộc đảo chính của Hun Sen chống lại đối tác của ông trong chính phủ liên minh được thành lập sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Cách tiếp cận của ASEAN đối với chế độ Myanmar trong những năm 1990 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này được gọi là “sự can dự xây dựng”. Cách tiếp cận này bị chỉ trích rộng rãi, vì nó tạo điều kiện cho các tướng lĩnh quân sự kéo dài “sự cai trị mang tính phá hoại của họ”.
Một số nhà phân tích cho rằng Campuchia có thể duy trì lập trường mạnh mẽ hơn mức độ mà ASEAN đã đưa ra trong việc cấm tướng Min Aung Hlaing tham dự hồi nghị vừa qua. Nguyên Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow vừa phát biểu trong cuộc Hội thảo trực tuyến về “Cuộc khủng hoảng Thái Lan và Myanmar” do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore tổ chức hôm 27/10 rằng, ông “rất lạc quan về việc Campuchia sẽ tiếp tục những gì ASEAN đã và đang làm và tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ thấy nhiều hoạt động tích cực hơn ở Campuchia”. Theo ông Sihasak, ASEAN đã quá tự mãn về những phát triển ở Myanmar và thậm chí đã bảo vệ nước này trong một thời gian khá dài. Rồi ông kết luận: “Tôi nghĩ thật sự rất khó để chúng ta tiếp tục bảo vệ Myanmar bằng mọi giá”. Tâm trạng mâu thuẫn này xuất phát từ chỗ, các thành viên ASEAN thường có những lợi ích và những nghị trình chính trị khác nhau. Vai trò trung gian của cả khối bấp bênh là chuyện dễ hiểu (TTXVN 1/11/2021, số 247/TTX).