Đường dẫn truy cập

Hà Nội dành hơn nghìn tỷ đồng cho dự án ở Cổ Loa; dân nói cần cải tạo sông hồ, xử lý rác


Co Loa is Vietnam's special national heritage site.
Co Loa is Vietnam's special national heritage site.

Thủ đô của Việt Nam dự kiến chi gần 1.500 tỷ đồng để phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa, báo Thanh Niên đưa tin. Theo quan sát của VOA, phản ứng về tin này, nhiều người cho rằng ngân quỹ nên được chi cho những dự án dân sinh sẽ có ích hơn.

Một bản tin hôm 9/5 của Thanh Niên cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 3915 bao gồm một danh mục các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích được cân nhắc đầu tư. Trong danh mục có dự án bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn ở Cổ Loa, Thanh Niên tường thuật.

Dự kiến vốn cho dự án ở Cổ Loa là 1.480 tỷ đồng, ở thời điểm hiện tại, vẫn theo bản tin của Thanh Niên. “Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách thành phố, cũng được xác định là Chương trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025. Việc lên kế hoạch cho dự án được giao cho Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội”, bản tin viết.

Thanh Niên dẫn lời phó giáo sư-tiến sĩ Lại Văn Tới, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, nói rằng công tác khảo cổ học đã tìm được nhiều dấu vết của hào cũng như hệ thống thủy văn tại các lớp thành ngoại, thành trung, thành nội tại Cổ Loa.

Trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ý không ủng hộ việc chi tới gần 1.500 tỷ đồng cho dự án kể trên, bao gồm cả những Facebooker có nhiều ảnh hưởng, được tổng cộng hàng trăm nghìn người theo dõi, như dược sĩ-nhà văn Trần Thanh Cảnh, nhà văn Phạm Viết Đào, giáo sư Mạc Văn Trang, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, cựu nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh…, theo quan sát của VOA.

Chất vấn về chủ trương của Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào viết: “Sao không dùng số tiền này làm sống lại sông Tô Lịch, khắc phục triệt để ô nhiễm Hồ Tây có hữu ích cho Hà Nội hơn không???” Ông Đào ví von những dự án to tát song không thiết thực ở Hà Nội giống như những “con voi” nhưng người dân không được bát “nước xáo” nào.

Trong khi đó, giáo sư Mạc Văn Trang kêu gọi Hà Nội hãy “mở mắt ra, động não đi” để thấy rằng thủ đô của đất nước cần 2 lò đốt rác thành năng lượng sạch giống như của Áo hay Nhật.

Cựu nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh bình luận rằng “Kinh tế ảm đạm, doanh nghiệp phá sản nhiều như quân Nguyên mà mấy cha ném tiền dân ra như ném rác thế này thì chết luôn”.

Dược sĩ-nhà văn Trần Thanh Cảnh viết trên trang cá nhân rằng ông “phát hoảng” về việc mà ông gọi là Hà Nội “ăn chơi” với tổng số tiền dự kiến chi lên tới gần 3.300 tỷ đồng cho dự án hào, hệ thống thủy văn ở Cổ Loa (1.480 tỷ đồng) và dự án phục dựng Điện Kính thiên ở nơi từng là Hoàng thành Thăng Long (1.800 tỷ đồng).

Hai dự án này, trong quan điểm của ông Cảnh, không khác gì “làm đồ giả ngắm chơi”. Ông cũng cảnh báo về nguy cơ tiền ngân sách bị tham nhũng khi viết rằng “Tiêu xong số 3.280 tỷ, đảm bảo các quan no ấm nhiều đời … chỗ ngon ăn thế tội gì không xơi?”

Nêu lên thực tế là nhiều người dân Hà Nội muốn dùng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng để cải thiện giao thông, hoặc xây thêm trường tiểu học, mẫu giáo… sẽ tốt hơn, nhưng theo nhận xét của ông Cảnh, việc đem tiền ngân sách đầu tư cho dân sinh không mang lại nhiều lợi lộc cho giới quan chức.

Ông suy đoán rằng những người có thẩm quyền muốn dồn tiền vào 2 dự án vì “phải làm cả cục 3.280 tỷ, đợp phát mới bõ chứ! Mà nhất là cho vào cái chỗ mù mờ, thật giả tân cổ lẫn lộn mới chén to!”

Trong các diễn đàn mạng xã hội, như Nhóm Chúng Tôi Ghét Lừa Dối, nhiều người nêu ý kiến rằng tiền ngân sách nên dành cho xây bệnh viện, trường học để thủ đô bớt nhếch nhác, mọi người bớt phải chen chúc ở những nơi đó, hoặc cũng sẽ có ích khi dùng tiền để cải tạo, làm sạch sông hồ, hơn là phục dựng các di tích ở thời điểm này, theo quan sát của VOA.

VOA cố gắng liên lạc với giới chức Hà Nội để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không kết nối được.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG