Hà Lan và Italy hôm 28/6 đi tới quyết định hiếm hoi khi nhất trí cùng chia 1 ghế tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong 2 năm sau một cuộc cạnh tranh quyết liệt bất phân thắng bại.
Qua 5 vòng biểu quyết, cả hai nước đều giữ chặt 95 phiếu bầu, không đạt được đa số 2/3 cần thiết để nắm trọn phần thắng.
Sau các cuộc thương lượng, hai thành viên của EU này chấp nhận chia đôi nhiệm kỳ chiếc ghế phân cho ‘Tây Âu và Nhóm các nước khác’. Như vậy, Hà Lan và Italy mỗi nước sẽ giữ ghế này trong 1 năm.
Ngoại trưởng Italy, Paolo Gentiloni, phát biểu: ‘Quyết định này có thể nói chưa từng có trước nay. Cho nên, chúng tôi sẽ phải thảo luận với nhau, sẽ phải bàn bạc. Có hai vấn đề rõ ràng: chiếc ghế này ở Hội đồng Bảo an chỉ dành cho 1 nước, không phải 2. Điều thứ hai là chúng tôi sẽ hợp tác với nhau trên tinh thần hữu nghị.’
Theo thỏa thuận tương nhượng, Italy sẽ nắm chiếc ghế tại Hội đồng Bảo an trong năm 2017 và Hà Lan sẽ thế chỗ vào năm 2018, tạo cơ hội cho mỗi nước đều có thể làm chủ tịch Hội đồng Bảo an vì Chủ tịch Hội đồng Bảo an được bổ nhiệm luân phiên mỗi tháng theo thứ tự trên bảng chữ cái tên của các thành viên.
Các nước khác cũng dành được ghế lần này bao gồm Bolivia, Ethiopia, Kazakhstan và Thụy Điển.
Ngoại trưởng Thụy Điển, Margot Wallstrom, tuyên bố: ‘Chúng tôi sẽ thực hiện những cam kết của mình. Chúng tôi sẽ tập trung vào công tác phòng ngừa, giữ gìn hòa bình và xây dựng hòa bình. Chúng tôi sẽ bàn về các vấn đề an ninh và biến đổi khí hậu, các mối đe dọa mới đối với an ninh. Chúng tôi sẽ làm việc về sự an bình và an ninh của phụ nữ. Tôi sẽ hướng dẫn nhân viên của mình tại đây làm việc một cách minh bạch, bao gồm các bên, nói chuyện với các nước chứ không phải chỉ là nói về các nước. Chúng tôi sẵn sàng đảm trách nhiệm vụ của mình và sẽ dựa trên các giá trị và nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc.’
Các nước thành viên của Hội đồng vừa được bầu chọn sẽ thay thế các nước hoàn tất nhiệm kỳ vào cuối năm nay gồm Angola, Malaysia, New Zealand, Tây Ban Nha, và Venezuela.
Các tân thành viên của Hội đồng sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào ngày 1/1 năm tới, gia nhập cùng 5 thành viên thường trực là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và 5 nước hiện không phải là thành viên bao gồm Ai Cập, Nhật, Senegal, Ukraine, và Uruguay.