Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (XNC) của Bộ Công an Việt Nam vừa tuyên bố: Mẫu mới của hộ chiếu phổ thông được xây dựng trên cơ sở đúng luật, đúng quy định và đúng quy chuẩn quốc tế” (1).
Tuyên bố vừa kể nhằm đáp trả lưu ý của các cơ quan ngoại giao đại diện chính phủ Đức tại Việt Nam: Đức không công nhận hộ chiếu của công dân Việt Nam theo mẫu mới (bìa màu xanh tím) vì thiếu mục “nơi sinh” khiến các cơ quan hữu trách của Đức không thể xác định và phân biệt các yếu tố nhân thân của đương sự.
Có thể tóm lược giải thích của Đại sứ quán Đức và Lãnh sự Đức tại Việt Nam như thế này, việc Việt Nam bỏ yếu tố “nơi sinh” thay bằng “số định danh” (12 chữ số khiến các cơ quan ngoại giao đại diện chính phủ Đức tại Việt Nam phải tự tra một danh sách khoảng bảy trang khi xem xét hồ sơ xin cấp thị thực nhập cảnh Đức.
Còn tại Đức, các cơ quan quản lý lĩnh vực di trú của quốc gia này không có danh sách liên quan đến “số định danh” vừa kể nên không thể tra cứu. Thậm chí nếu có cũng sẽ không đủ người để tra cứu mỗi khi tiếp nhận – giải quyết nhu cầu nhập cảnh hay di trú của riêng công dân Việt Nam - những người sử dụng hộ chiếu theo mẫu mới (2).
Cứ như tuyên bố của đại diện Cục Quản lý XNC của Bộ Công an thì Đức không biết... “quy chuẩn quốc tế”, hệ thống công quyền của của Đức ở cả bên ngoài lẫn bên trong lãnh thổ Đức chưa... tiếp cận được... “quy chuẩn quốc tế”. Do vậy, Việt Nam sẽ... hạ cố... “trao đổi với phía Đức qua con đường ngoại giao”!?.
***
Trước nay, “nơi sinh” hay “Place of birth” luôn là một trong những yếu tố cấu thành dữ liệu giúp nhận diện cá nhân (2). Đó là lý do mà gần như quốc gia nào cũng muốn xác định một cá nhân sinh ở đâu và ghi chú rõ ràng “nơi sinh” của đương sự trên tất cả các loại giấy tờ tùy thân. Việt Nam cũng thế cho đến khi... sáng tạo mẫu hộ chiếu mới.
Mới đây, một thành viên của diễn đàn “Tôi và sứ quán” trên facebook đã giới thiệu bốn mẫu hộ chiếu của (Czech, Đức, Mỹ, Trung Quốc) để chứng minh “nơi sinh” là yếu tố không thể thiếu trên hộ chiếu và kêu gọi mọi người ráng tìm để xem ngoài Việt Nam có quốc gia nào áp dụng “quy chuẩn” mà Việt Nam khẳng định là... “quốc tế” (3).
Theo thói quen thường thấy nơi nhiều viên chức hữu trách tại Việt Nam, đại diện Cục Quản lý XNC của Bộ Công an cũng đem “quy chuẩn quốc tế’ ra biện bạch mà không trưng dẫn “quy chuẩn” đó nằm ở đâu và “quốc tế” bao gồm... mấy xứ? Trong đối nội, dùng “quy chuẩn quốc tế” để biện bạch có thể chỉ khiến dân chửi rồi... thôi nhưng trong đối ngoại, đem “quy chuẩn quốc tế” ra biện bạch như trường hợp này không chỉ... dại mà còn... xấc xược vì có khác gì chê thiên hạ còn... man di!
Mẫu hộ chiếu mới sẽ gây nhiều phiền toái mới, không chỉ từ phía Đức. Nạn nhân đầu tiên sẽ là những công dân Việt Nam có nhu cầu xuất ngoại, tái định cư ở ngoại quốc. Bộ Công an và chính phủ từng hoan hỉ bố cáo: Mẫu hộ chiếu mới mẫu hộ chiếu phổ thông mới có nhiều cải tiến, góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam (4)... nhưng hộ chiếu không phải là thứ cứ giữ để dùng trong nhà.
Chi phí... nghiên cứu cải tiến, in ấn mẫu hộ chiếu mới là bao nhiêu, thiệt hại của công dân, của doanh giới (ví dụ của các doanh nghiệp chuyên tổ chức những tour du lịch ở ngoại quốc), của nền kinh tế là bao nhiêu, ai chịu. Chưa có thống kê nhưng chắc chắn là không nhỏ và theo.... “quy chuẩn... Việt Nam” vẫn là dân gánh hết.
Xưa giờ, Bộ Công an vẫn thế, vẫn ba hoa để khoe chiến công. tìm thành tích nhằm giành quyền kiểm soát đủ thứ, chứ không nhận trách nhiệm. Nếu còn lấn cấn, cảm thấy khó tin thì cứ đối chiếu những tuyên bố, những xưng tụng về “căn cước công dân” và thực trạng thực hiện - cấp phát căn cước công dân như đã biết và đang thấy sẽ... ra vấn đề!
Chú thích
(1) https://zingnews.vn/cuc-xuat-nhap-canh-ho-chieu-moi-cua-viet-nam-dung-chuan-quoc-te-post1339817.html
Diễn đàn