Với chiến thắng dự kiến của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, các quan chức Hàn Quốc đang mong đợi một chiến thắng riêng trong cuộc tranh chấp kéo dài với hàng tỷ đô la chi phí cho hàng nghìn lính Mỹ có mặt trên bán đảo mà Washington yêu cầu Seoul phải chia sẻ.
Theo Reuters, các quan chức và chuyên gia ở Seoul không hy vọng ông Biden sẽ hoàn toàn từ bỏ yêu cầu Hàn Quốc phải trả nhiều hơn để duy trì khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang trú đóng tại Hàn Quốc như một di sản của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vốn chưa được xem là đã kết thúc về mặt kỹ thuật.
Nhưng ông Biden từng hứa sẽ không sử dụng sự hiện diện của quân đội để “tống tiền” Hàn Quốc, và các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết họ dự đoán chính quyền của ông Biden sẽ đồng ý với một thỏa thuận gần với đề xuất của Seoul là Hàn Quốc trả thêm 13%, tương đương khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, vẫn theo Reuters.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã yêu cầu 5 tỷ USD như một phần trong nỗ lực lớn nhằm kêu gọi các đồng minh đóng góp nhiều hơn cho quốc phòng.
Một phát ngôn viên của chiến dịch Biden từ chối bình luận với Reuters. Còn các quan chức Hàn Quốc nói rằng không rõ nhóm của ông đã suy nghĩ tới đâu về những phác thảo của Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) mới.
“Nhưng mức tăng 13% đã được thảo luận trong các cuộc đàm phán trước đây có thể coi là hợp lý”, Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên nói.
“Chúng ta sẽ biết nhiều hơn khi chúng tôi thực sự ngồi lại với nhóm của họ sau khi tân chính quyền chỉ định một nhà đàm phán mới hoặc bổ nhiệm lại người đương nhiệm, nhưng ít nhất là có nhiều khả năng dự đoán hơn bây giờ, và Nhà Trắng của ông Biden sẽ không phủ quyết vào phút chót một thỏa thuận gần như đã hoàn tất”, Reuters dẫn lời quan chức Hàn Quốc nói thêm.
Vào tháng 4, Reuters đưa tin Tổng thống Trump đã từ chối đề xuất 13% này, và đây có lẽ được coi là đề nghị tốt nhất của Seoul trước cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc vào tháng đó.
Theo các chuyên gia, tình trạng bế tắc đã khiến liên minh trở nên căng thẳng gần như chưa từng có, giữa lúc Triều Tiên tăng mạnh các chương trình vũ khí, bao gồm những vũ khí tối tân được thiết kế để nhắm vào Hàn Quốc, cũng như các tên lửa tầm xa có khả năng hạt nhân có thể nhắm vào toàn bộ Hoa Kỳ.
Đầu năm 2019, Hàn Quốc và Hoa Kỳ buộc phải ký kết một thoả thuận chỉ trong một năm thay vì 5 năm như thông thường trong bối cảnh bất đồng vẫn tiếp diễn.
Với thỏa thuận ngắn hạn này, Hàn Quốc đồng ý trả thêm 8,2%, tương đương khoảng 1.0389 nghìn tỷ won (920 triệu USD) mỗi năm. Thoả thuận hết hạn vào đầu năm nay mà không có thỏa thuận mới.
Trước cuộc bầu cử ngày 3/11, Biden tuyên bố sẽ không sử dụng lời đe dọa giảm quân số của Mỹ tại Hàn Quốc như một con bài thương lượng.
“Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ sát cánh cùng Hàn Quốc, củng cố liên minh chúng ta để bảo vệ hòa bình ở Đông Á và hơn thế nữa, thay vì tống tiền Seoul bằng những lời đe dọa liều lĩnh trong việc rút quân”, Reuters dẫn lời ông Biden viết trong một bài bình luận mà hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đăng vào ngày 30/10.
Cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Cho Tae-yong, người từng làm việc với nhiều phụ tá của ông Biden, nói các vấn đề liên quan đến quân đội Mỹ và chi phí của họ sẽ được giải quyết “về cơ bản” dưới thời Biden.
“Chiến thắng của Biden là một sự giải tỏa khi nói đến vấn đề liên minh”, Reuters dẫn lời ông Cho nói thêm.